"Đừng mơ Trung Quốc chấp nhận nuốt trái đắng!"

18/08/2013 07:49
Hồng Thủy
(GDVN) - "Chớ có quốc gia nào nên mong đợi Trung Quốc chấp nhận nuốt trái đắng làm suy yếu lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển", Dương Khiết Trì nhắc lại phát biểu của ông Tập Cận Bình trong một phiên họp Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình.
Ngày 17/8 các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải bài phân tích về những đổi mới trong lý thuyết và thực tiễn ngoại giao của Bắc Kinh do ông Dương Khiết Trì, cựu Ngoại trưởng và hiện là Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc. Trong bài viết khá dài, Dương Khiết Trì tập trung ca ngợi chính sách đối ngoại của bộ máy lãnh đạo mới sau đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu. Nội dung bài ca ngợi chính sách đối ngoại thời Tập Cận Bình được Dương Khiết Trì chia làm 3 phần lớn: Các sáng kiến ngoại giao mới được thực hiện mang tầm chiến lược, bao quát, sáng tạo trong tự nhiên; Đổi mới trong lý thuyết và thực tiễn ngoại giao đã tạo ra những thành tựu lớn; Ngành ngoại giao Trung Quốc nghiên cứu và áp dụng thành tựu mới về lý thuyết, thực tiễn ngoại giao thời Tập Cận Bình. Đáng chú ý, trong phần nội dung thứ 2 khi đánh giá về "những thành tựu" của sự đổi mới lý thuyết và thực tiễn ngoại giao Trung Quốc, Dương Khiết Trì đưa ra 5 nội dung: Giấc mơ Trung Quốc; Tầm nhin quan hệ Trung - Mỹ; "duy trì công lý và tìm kiếm lợi ích trong hợp tác với láng giềng và các nước đang phát triển"; Quan điểm của Tập Cận Bình về "lợi ích cốt lõi"; Phối hợp đối ngoại giữa trung ương với địa phương. Có thể thấy nổi bật nhất trong những "thành tựu" của nền ngoại giao Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình được Dương Khiết Trì khái quát và cũng là vấn đề nổi cộm đang được khu vực, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm là khái niệm "lợi ích cốt lõi" cũng như quan điểm về "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc thời Tập Cận Bình.
Ông Dương Khiết Trì.
Ông Dương Khiết Trì.
Dương Khiết Trì kêu gọi (ngành ngoại giao Trung Quốc) ghi nhớ "dòng dưới cùng", đó là làm việc tốt nhất nhưng sẵn sàng chuẩn bị cho "điều tồi tệ nhất". Cái gọi là "điều tồi tệ nhất" ở đây theo ông Trì là việc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, trong khi cam kết chắc chắn theo đuổi con đường phát triển hòa bình, Trung Quốc "chắc chắn không từ bỏ lợi ích hợp pháp hoặc để ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia cốt lõi" của mình.

Mỹ khuyên Trung Quốc ra tòa, Tập Cận Bình quyết không đổi chác

Mỹ khuyên Trung Quốc ra tòa, Tập Cận Bình "quyết không đổi chác"

"Chớ có quốc gia nào nên mong đợi Trung Quốc chấp nhận nuốt trái đắng làm suy yếu lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển", Dương Khiết Trì nhắc lại phát biểu của ông Tập Cận Bình trong một phiên họp Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc - PV, và trong công tác đối ngoại Bắc Kinh sẽ không né tránh các tranh chấp hoặc các vấn đề tương tự có thể xảy ra mà cố gắng tìm cách xử lý sự khác biệt và các vấn đề "với các nước có liên quan". Ngày 29/1 khi phát biểu trước Hội nghị Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không bao giờ đem "lợi ích cốt lõi" đi đổi chác, Bắc Kinh quyết không thỏa hiệp về "chủ quyền, an ninh và lợi ích của mình".

Tập Cận Bình: Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng hợp tác

Tập Cận Bình: Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng hợp tác

Ông Bình nói với 24 thành viên còn lại trong Bộ Chính trị rằng, Trung Quốc theo đuổi chính sách "phát triển hòa bình", nhưng sẽ không bao giờ "hy sinh quyền lợi chính đáng hoặc các lợi ích cốt lõi". "Dù là quốc gia nào cũng đừng mơ Trung Quốc sẽ chấp nhận đem các 'lợi ích cốt lõi' của mình đi đổi chác, đừng mơ Trung Quốc sẽ chấp nhận ăn 'trái đắng' tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia", Tập Cận Bình nhấn mạnh. Quan điểm "quyết không đổi chác" được Tập Cận Bình đưa ra đúng thời điểm Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trong yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp ở Biển Đông ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, nay lại được Dương Khiết Trì nâng lên thành "thành tựu" trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, điều này cho thấy Trung Quốc sẽ không dừng lại trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, nguy cơ bất ổn và xung đột vẫn hiện hữu ở Đông Á.

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!


Hồng Thủy