Những học sinh phải trả học phí bằng... máu

01/09/2011 07:38
Theo VTC
Nhân ngày 2/9, chúng tôi đã gặp ông Lượng (Sơn Tây, HN) - người từng có những năm tháng dạy học kinh hoàng ở nhà lao Phú Quốc.

“Địa ngục” khát học

Khi đang là sinh viên trường Trung cấp Sư phạm Đông Phù (xã Sơn Tây, Hà Tây cũ), Hoàng Gia Lượng đã viết huyết thư xin nhập ngũ. Ông vào Lữ đoàn 368, Trung đoàn Đồng Nai.

Tháng 5/5/1968, ông bị thương, rồi bị bắt khi đang tập kích cầu Bình Lợi – Sài Gòn, trong lần đánh thứ 2 của chiến dịch Tết Mậu Thân. “Khi tôi đang bơi qua sông, chúng nã bom đạn, làm rung chuyển cả lòng sông. Mặc dù bị bị thương ở tay nhưng tôi vẫn chiến đấu với 300 viên đạn AK và hai quả lựu đạn. Khi tỉnh dậy thì thấy dòi lúc nhúc chui ra từ vết thương đã bị phân hủy khá lâu không được cứu chữa. Tôi đã bị địch bắt. Chúng đày tôi ra nhà lao Phú Quốc” - ông Lượng nhớ lại.

Chuyện ở nơi dạy học mà học phí trả bằng máu
Thầy Lượng phác họa sơ đồ giáo án môn lịch sử. 
Có vốn sư phạm, ông cùng anh em tìm cách dạy học trong nhà lao Phú Quốc. Dạy học trong nhà tù Phú Quốc cũng là hoạt động cách mạng.

Người thầy là những anh em đã tốt nghiệp đại học, các trường chuyên nghiệp, cũng có thể là những người khóa trước dạy cho lớp sau, người biết nhiều thì dạy người biết ít, người biết ít truyền đạt cho người không biết. Trong địa ngục trần gian này, ai ai cũng là thầy.

Soạn giáo án là một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Các tù binh phải vắt óc nhớ lại những gì mình đã được học. Nhớ ra cái gì thì dạy cái đó, dần dần hệ thống kiến thức thành bài giảng. Những bài giảng này được anh em viết vào những cuốn sổ nhỏ để truyền tay nhau học.
Chuyện ở nơi dạy học mà học phí trả bằng máu
Vợ chồng ông Lượng ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. 
Điều kiện học tập vô cùng thiếu thốn, lại phải học trong sự cấm đoán, khủng bố. Người dạy học không có bút, sách, vở... Giấy là mặt đất, mặt cát. May lắm thì kiếm được bìa cát-tông, đem ngâm nước, bóc mỏng, hồ nước cơm, là phẳng đóng thành tập là có giấy. Bút là lõi pin hoặc que sắt mài nhọn. Mực là nhựa chàm ngâm rỉ sắt cho đen hoặc mực cá mực. Ông Lượng cùng anh em đã nghĩ ra muôn ngàn cách để dạy.

“Ở nhà tù ai cũng học, học say mê và học rất nhiều thứ: Văn, sử, địa, lý, hóa, sinh, chính trị, nhạc họa, châm cứu, chữa bệnh... Những kinh nghiệm, sự trải đời, các phương thức hoạt động cách mạng đều được anh em trao đổi với nhau, chính vì vậy những kiến thực họ học được đã trở thành những bài tập thực tế, áp dụng hoạt động ngay trong lòng địch” - ông Lượng hào hứng kể lại.

Ông Lượng chưa bao giờ thấy ở đâu ham học như ở nhà lao Phú Quốc. Ông Khánh người xã Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) bị giặc thí điểm khoét mất một con mắt vẫn ham học. Thậm chí, có cựu tù người Thanh Hóa thèm học đến nỗi khi bị giặc tra tấn, ông đã giả câm suốt 5 năm để được học.

Có rất nhiều tấm gương học sinh xuất sắc trong tù. Ông giáo Lượng vẫn không thể quên: “Anh Nguyễn Hữu Độ từ trình độ cấp I mà học đến toán học vi phân, tích phân. Anh Trần Bá Hoành, người Hưng Yên bắt đầu học từ lớp 3, ra tù có đủ trình độ để đi học trường tuyên giáo về làm cán bộ chính trị của huyện. Anh Tấn Phương khi ra tù, thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sau trở thành Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, thuộc Ban Văn hóa – Tư tưởng Trung ương”.

Những tù binh Phú Quốc đều khát học đến cháy bỏng!

Học phí trả bằng máu

Ông Lượng vẫn nhớ như in: “Để tránh giặc phát hiện, họ dùng muôn vạn cách để che mắt kẻ thù. Giả đánh cờ để có thể tụ tập cả nhóm cùng học, học dưới gầm phản, học mọi lúc, mọi nơi. Để tránh bị địch phát hiện là đang học chính trị, chúng tôi cố ý viết chủ đề ra đất là học phép toán cộng trừ, chúng cứ tưởng đây là lũ ngốc mới học những cái đơn giản ấy, nên chúng không bắt”.
Chuyện ở nơi dạy học mà học phí trả bằng máu
Học phí ở nhà lao Phú Quốc là xương máu. 
“Những cuốn sách được cuốn nhỏ để cất giữ an toàn, nhét trong người, thậm chí trong tóc. Có lần giặc phát hiện chúng tôi đã nuốt vào bụng. Thấy nghi ngờ, chúng kiểm tra, gọi tất cả anh em ra khỏi nhà giam, rồi cho người lùng và bắt được cuốn sách giấu trong áo của một tù nhân. Chúng tôi đã bị đánh một trần thừa chết thiếu sống” - ông Lượng bàng hoàng nhớ lại.

Trong những môn học, địch ghét nhất là hai môn chính trị và triết học. Chúng theo dõi rất gắt gao. Nhiều buổi học của các tù binh biến thành máu. Năm 1969, chúng xả súng vào trại giam A5 khi anh em đang học bài. Thế nhưng, chúng không thể dập tắt được phong trào dạy và học của các tù nhân.

Ông Lượng thừa nhận mình học được nhiều thứ từ học trò: “Tôi dám xung phong đào hầm, vượt ngục là theo anh Bình (Thanh Hóa), tôi dám xung phong tự thiêu là cảm  phục tinh thần dám hy sinh của anh Đào Kim”.

Học phí ở “trường học địa ngục” phải trả bằng máu, thậm chí cả sinh mạng. Nhưng những kiến thức, kinh nghiệm sống, tình thầy trò khó mà đo được.

Cách dạy và học

Chính sự thiếu thốn đủ đường mà họ tìm cách truyền đạt những gì tinh túy nhất, “ngụp lặn” lấy kiến thức cần thiết ở biển thông tin.

Phương pháp học an toàn trong lòng địch là ít lời, dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu. Họ dùng mọi cách để tác động vào các giác quan. Giảng bài về lịch sử thì chỉ có một đường thẳng ghi lại những mốc đáng nhớ của lịch sử cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại. Dạy về một cuộc khởi nghĩa đều có nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa... Nhưng phải lật đi lật lại vấn đề thì mới nhớ lâu được.
Chuyện ở nơi dạy học mà học phí trả bằng máu
Thầy giáo Lượng tâm niệm: “Phải đổi mới cách dạy học hiện nay”. 
Theo ông Lượng, hiện nay, nền giáo dục của chúng ta nhồi nhét theo nguyên lý “bộ óc đầy”. Cứ mỗi lần thi là thí sinh nhồi nhét kiến thức để thi đỗ, nhưng thi xong là quên hết. Người học hoàn toàn bị động trước kiến thức thầy dạy, không chủ động để khai thác thông tin, không dám phản đối cách dạy của thầy, thậm chí cả kiến thức thầy truyền đạt sai.

Ở các nước phương Tây, người thầy chỉ dạy học sinh phương pháp khai thác thông tin, cách giải quyết vấn đề chứ không phải cung cấp đáp án, người học và người truyền đạt có thể trao đổi thẳng thắn, có quyền phản đối lối truyền đạt sai của thầy.
    
Ông giáo Lượng khao khát sự đổi mới cách dạy học hiện nay: “Người thầy hãy là người đưa học trò cần câu chứ không phải con cá. Trước một vấn đề thầy hãy gợi cho trò những cách giải quyết, cách áp dụng cho những vấn đề khác. Trước một vấn đề phải lật đi, lật lại, mở rộng trường tư duy, kích thích suy luận. Với cách dạy này sẽ tạo ra những bộ óc thông minh chứ không phải những “bộ óc đầy”.

Với những kinh nghiệm phải trả bằng xương máu, ông Lượng đã rút ra được “tủy sống” của phương pháp dạy học là truyền đạt cách tư duy. Nếu như ví học trò cứ như con kiến tha bất cứ cái gì thì tổ của chúng toàn rác. Còn những chú ong biết chọn lọc, hút những tinh túy của các loài hoa thì dâng mật cho đời.

Cách dạy và học ở nhà lao Phú Quốc mấy chục năm trước có lẽ có nhiều thứ mà nền giáo dục hiện nay cần học tập.
Theo VTC