Chạy đua vũ trang khu vực: Trung Quốc đang chế tạo 2 tàu sân bay mới

20/08/2013 10:05
Đông Bình
(GDVN) - Môi trường an ninh khu vực ngày càng phức tạp, lợi ích của các nước ngày càng mở rộng, cuộc chạy đua tàu sân bay đang tăng tốc.
Tàu sân bay hạt nhân Trung Quốc trang bị máy bay J-20, J-31, máy bay không người lái Ám Kiếm tương lai (tưởng tượng của dân mạng)
Tàu sân bay hạt nhân Trung Quốc trang bị máy bay J-20, J-31, máy bay không người lái Ám Kiếm tương lai (tưởng tượng của dân mạng)

Ngày 15 tháng 8, trang mạng "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông đăng bài xã luận cho rằng, tàu chiến có đường băng có thể cất/hạ cánh máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng rất phổ biến ở châu Á. Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ vừa chính thức hạ thủy; Trung Quốc cũng đang chế tạo 2 tàu sân bay để gia nhập cùng với tàu sân bay thời kỳ Liên Xô cũ – tàu Liêu Ninh đã bắt đầu bàn giao cho hải quân vào năm 2012; tàu chiến hải quân lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai – Izumo của Nhật Bản cũng đã hạ thủy gần đây.

Bài viết cho rằng, trong thời đại máy bay không người lái, tên lửa dẫn đường chính xác và tàu ngầm hạt nhân hiện nay, những tàu chiến đắt đỏ và khổng lồ như vậy xuất hiện dường như tương đối khác thường. Nhưng, tại một khu vực mà các nước đều đầy lo ngại đối với láng giềng, thì những tàu chiến này vừa là để răn đe và bảo vệ sự ổn định, vừa là để khẳng định sự giàu có và trình độ phát triển.

Theo bài viết, tàu sân bay được cho là thể hiện hình tượng lớn mạnh và ý nghĩa tượng trưng. Thân hình khổng lồ của chúng cùng với công nghệ và năng lực cần thiết cho cất/hạ cánh trên boong tàu đều có nghĩa là, chỉ có rất ít quốc gia có năng lực chế tạo và thao tác chúng.

Cùng với việc tàu sân bay Vikrant có lượng giãn nước 37.500 tấn hạ thủy, ngày 12 tháng 8, Ấn Độ cũng đã gia nhập câu lạc bộ ưu tú gồm Mỹ, Anh, Pháp và Nga. Nhưng, việc con tàu khổng lồ này hạ thủy chỉ là bước đi đầu tiên. Từ nay trở đi, tàu sân bay này còn phải trải qua ít nhất 5 năm nữa để tiến hành trang bị và tiếp tục chế tạo, mới có thể bắt đầu đi vào hoạt động.

Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo
Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo

Nhật Bản cũng có ý đồ dựa vào tàu khu trục lớp Izumo để tăng cường sức mạnh hải quân. Trên tàu khu trục lớp này có thể cất cánh 14 máy bay trực thăng, thực hiện rất nhiều nhiệm vụ từ công tác nhân đạo đến theo dõi biên giới và tác chiến săn ngầm. Mặc dù về danh nghĩa là tàu khu trục, nhưng nó chính là tàu sân bay cả về thể tích và chức năng.

Đối với những "nhà phê bình" trong đó có Bắc Kinh và Seoul, điều này chẳng khác nào "bành trướng quân sự" và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục thúc đẩy lịch trình "chủ nghĩa dân tộc" của họ, trong đó có sửa đổi Hiến pháp hòa bình của nước này. Vì sự ổn định và phát triển của khu vực, Tokyo buộc phải nỗ lực nhiều hơn để xóa bỏ sự lo ngại của dư luận và tiếp tục thực hiện chính sách phòng vệ mấy chục năm qua của họ.

Bài xã luận cho rằng, Trung Quốc và Ấn Độ đang xây dựng lực lượng hải quân tầm xa. Đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và các nước châu Á khác đang tăng cường sức mạnh trên biển của họ. Tàu sân bay tuy đắt đỏ, nhưng là công cụ hữu hiệu bảo vệ thương mại trên biển, vận tải khoáng sản và lợi ích ở nước ngoài.

Ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant
Ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant

Tàu sân bay chế tạo mới cũng đánh dấu chạy đua vũ trang trong khu vực được đẩy nhanh, tăng tốc. Điều này không thể tránh khỏi làm cho một số quốc gia lo ngại. Cùng với việc chế tạo và đưa vào sử dụng tàu chiến, chính phủ các nước cần phải làm rõ mục đích của họ.

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook

Đông Bình