Rằm tháng 7: Cỗ chay giá bình dân, hàng mã bán rong đắt khách

20/08/2013 09:35
Liêu Phạm
(GDVN) - Chỉ vào gánh vàng mã lỉnh kỉnh những tiền vàng, hương, trầu cau... chị Hạnh tâm sự: "Nếu chịu khó sau dịp này cũng kiếm được vài triệu...".
Cửa hàng đồ chay vào mùa

Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo, với ý nghĩa là ngày lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ, thể hiện nét văn hóa đạo đức hiếu hạnh của đạo Phật, là một trong “Tứ trọng ân” mà mỗi người con đều không thể quên.

Ngoài việc lên chùa lễ Phật thì ăn chay là điều không thể thiếu trong dịp rằm tháng Bảy. Nắm bắt nhu cầu này của người dân, nhiều dịch vụ nấu cỗ chay ồ ạt xuất hiện.

Chị Lan Hương - chủ một cửa hàng đồ chay trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (Cầu Giấy, Hà Nội) vui vẻ cho biết: "Ngay từ đầu tháng bảy tới giờ, cửa hàng chay của tôi đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Có thể nói, năm nay lượng khách đặt tăng từ 20% - 30% so với năm ngoái. Bởi vậy mà nhà hàng luôn trong tình trạng quá tải".

Nói về giá cả một mân cỗ chay, chị Hương chia sẻ: "Giá một mâm cỗ chay dao động từ 400.000 - 700.00 đồng tùy thuộc vào yêu cầu của khách. Cũng có những trường hợp khách hàng đặt lên tới 1 triệu đồng/mâm". Theo chia sẻ của chủ cửa hàng này, tùy thuộc vào giá thành mà mâm cỗ chay sẽ có từ 6 tới 10 món. Tuy nhiên, theo như quan sát của chị Hương, những mâm cỗ chay thuộc loại trung thường hút khách hơn cả bởi giá thành hợp lý với túi tiền của khách hàng.

Giá một mâm cỗ chay dao động từ 400.000 - 700.00 đồng tùy thuộc vào yêu cầu của khách.
Giá một mâm cỗ chay dao động từ 400.000 - 700.00 đồng tùy thuộc vào yêu cầu của khách.

Chị Thạch Thảo, chủ một của hàng chay trên đường Lạc Long Quân - Âu cơ (Hà Nội) cho biết: "Năm nay cửa hàng khá chiều khách khi tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút khách hàng. Cửa hàng có thể phục vụ khách tại chỗ, với những khách hàng không muốn tới quán mà muốn sử dụng đồ chay tại nhà hay một địa điểm nào đó, cửa hàng sẽ giao tới tận nơi. Tuy nhiên, giá thành sẽ cao hơn một chút, nhưng đổi lại khách hàng cảm thấy thoải mái và hài lòng".

Anh Hưng, khách hàng tới mua đồ chay mang về thừa nhận: "Tôi phải chờ đợi khá lâu bởi tôi chỉ mua một vài món chứ không mua cả mâm cỗ. Những ngày này cửa hàng nào cũng bận rộn nên chờ thêm lát nữa cũng không sao".

Được biết, giá đồ chay vào dịp này không chênh lệch nhiều so với thời điểm trước tháng 7. Bởi lẽ các quán bán đồ chay đều bán cho khách hàng quen là chính nên ít xảy ra các chuyện lợi dụng để tăng giá.

"Mặc dù số lượng người mua hàng có tăng trong những dịp này nhưng chủ yếu vẫn là những mối hàng quen trước đây. Có điều, thay vì họ ăn chay mỗi tuần một hoặc hai bữa, vào những ngày này họ ăn chay liên tục nên số lượng bán ra có tăng. Ngoài ra, những khách hàng lần đầu đến mua cũng nhiều", một nhân viên ở quán chay cho biết.   

Gánh hàng rong vàng mã nhộn nhịp phố phường Hà Nội

Chị Mến, một người có thâm niên với gánh hàng trên vai rong ruổi khắp các ngõ phố lớn nhỏ ở Hà Nội phấn khởi cho biết: "Nửa tháng trở lại đây công việc buôn bán thuận lợi hơn hẳn, mỗi ngày tôi kiếm dăm ba trăm là chuyện bình thường".

Theo chia sẻ của chị, những ngày thường, chị buôn hoa quả nhưng không được lãi là bao vì hoa quả có khi không bán hết lại hư hỏng phải vứt đi. Chỉ tới những ngày rằm, mùng một hàng tháng chị mới chuyển qua bán rong vàng mã. Tuy nhiên, dịp rằm tháng Bảy bày chị không bán hoa quả nữa mà chuyển hẳn qua bán hàng mã.

Chị Mến cho biết: Bán vàng mã vừa không phải bỏ nhiều vốn lại có thể để hàng tồn bao lâu cũng được. Vả lại, công việc cũng nhẹ nhàng không phải thức khuya dậy sớm.

Những gánh hàng rong bán vàng mã xuất hiện nhiều trong dịp lễ Vu Lan.
Những gánh hàng rong bán vàng mã xuất hiện nhiều trong dịp lễ Vu Lan.

Được biết, giá gốc mỗi bộ quần áo loại giấy thường từ 12.000 đồng, chị Mến bán ra từ 15.000 - 20.000 đồng; vàng cây nhập với giá 35.000 đồng, bán ra giá 45.000 - 50.000 đồng một cây; tiền vàng mua buôn 7.000 đồng một đinh (10 lễ) về chia nhỏ ra và bán lãi 3.000 đồng mỗi suất...

Bật mí về công việc buôn bán đồ lễ cúng, chị Hạnh cho biết: "Buôn bán vàng mã không như những thứ khác, khách hàng họ mua về để cúng bái nên không ai kì kèo mặc cả, mình nói bao nhiêu họ đều mua hết. Tuy nhiên, chúng tôi đi bán rong như vậy chủ yếu bán những đồ cúng thông thường nên giá cả không có gì đắt đỏ, thường chỉ vài nghìn tới vài chục, không giống những cửa hàng chuyên bán đồ làm lễ cúng, có những món đồ có khi lên tới tiền trăm, tiền triệu là chuyện thường".

Nhìn vào gánh vàng mã lỉnh kỉnh những tiền vàng, hương, trầu cau... chị Hạnh tâm sự: "Nếu chịu khó sau dịp này cũng kiếm được vài triệu, còn được chán so với những ngày thường nai lưng ra buôn bán. Cả năm chỉ có và ngày nên cố gắng vất vả, có khi tôi đi bán tới 8 - 9 giờ tối mới về, hàng bán được nên mình cũng ham".

Quà tặng cha mẹ nhân dịp Vu Lan

Bên cạnh những dịch vụ thiết thực trong dịp lễ Vu Lan, những người con thường dành tặng cho cha mẹ mình những món quà nhỏ để tỏ làm biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục. Được biết, trong những ngày trở lại đây, tại những nhà sách, những cửa hàng bán đồ lưu niệm thường có một số đông khách hàng tới hỏi mua hoặc nhờ tư vấn những món đồ làm quà tặng cho cha mẹ. 

Quấn sách bán rấy chạy trong dịp Vu Lan.
Quấn sách bán rấy chạy trong dịp Vu Lan.

Chị Thanh, nhân viên tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Thời gian này, nhà sách bán ra một lượng lớn sách, đĩa nhạc nói về ngày lễ Vu Lan. Đặc biệt cuốn sách "Bông hồng cái áo" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cùng nhiều bài hát chọn lọc, chủ đề về mẹ do các ca sĩ Đan Trường, Quang Linh, Thanh Thúy, Hiền Thục trình bày được bán khá chạy".

Cùng với đó, những món quà truyền thống với mức giá trung bình như quần áo, giày dép... được các cửa hàng bán đồ dành riêng cho người cao tuổi cho biết bán khá chạy. Đặc biệt, một nhân viên tại cửa hàng Yến xào hồ hởi cho biết, thời gian này cửa hàng bán ra số lượng sản phẩm nhiều hơn hẳn. Bởi nhu cầu khách hàng tới mua làm quà biếu tặng tăng đột biến.

Ngày lễ Vu Lan hàng năm không chỉ là dịp con cái tri ân đấng sinh thành của mình và đó còn là cơ hội để những người kinh doanh nhờ đó chớp thời cơ buôn bán. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, để có được một cơ hội kiếm lời dễ dàng như vậy thì khó ai có thể bỏ qua.

Liêu Phạm