Chủ tịch Quốc hội: Chưa thấy bên trong có tiêu cực, tôi cho là có đấy!

21/08/2013 07:05
Ngọc Quang
(GDVN) - "Lãng phí tài nguyên, vi phạm cấp phép như thế mà chưa thấy xử lý được ai, chưa thấy bên trong có tiêu cực. Tôi cho là có đấy. Vai trò quản lý Nhà nước ở đâu. Cứ để như thế thì những tài nguyên sẽ mất đi, môi trường bị phá hoại, nên cần thực hiện nghiêm minh hơn". Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Trong chương trình làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 20/8, phần chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang trở nên rất “nóng” khi nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc trước tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, không theo dự án được phê duyệt, quy trình khôi phục sau khai thác không nghiêm túc gây thất thoát lãng phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều vùng dân cư.

Có tham nhũng hay không phải hỏi các tỉnh?

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt vấn đề khai thác khoáng sản gây ô nhiễm được phản ánh nhiều năm nay, trên thực tế các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan đều vào cuộc, nhưng vì sao đâu lại vào đó? Và để tránh trường hợp khi sự cố nghiêm trọng xảy ra lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, Bộ trưởng cho biết hướng xử lý ra sao, trong 957 vụ việc được thống kê năm 2013 đã có xử lý vụ nào chưa và liệu có tiêu cực hay tham nhũng hay không trong những vụ việc này?

Trong khi đó ĐB Danh Út (Kiên Giang) đã dẫn ra báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy, năm 2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra tình hình cấp phép hoạt động khoáng sản của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ đã thành lập 8 đoàn kiểm tra để rà soát toàn bộ hồ sơ cấp phép của 957 giấy phép (cấp từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2012).

Kết quả kiểm tra cho thấy, có 103 giấy phép không đúng thẩm quyền; 37 giấy phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 52 giấy phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề về thăm dò; 52 giấy phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, 128 cá nhân ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; 196 cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khai thác khoáng sản được phê duyệt; 345 cấp phép khai thác nhưng không có giấy chứng nhận đầu tư dự án; 29 cấp phép khai thác khi hồ sơ không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt hoặc xác nhận; 196 cấp phép khi chưa phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo quy định.

Qua những con số này, ĐB Danh Út nói: Tình trạng vi phạm Luật Khoáng sản trong hoạt động cấp phép của địa phương là rất đáng lo ngại. Vậy Bộ trưởng đã có kiến nghị Chính phủ xử lý như thế nào và có giải pháp gì để quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên khoáng sản?

Trả lời những băn khoăn của các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang Bộ cho rằng, cấp phép sai chủ yếu là ở các địa phương, còn phía Bộ Tài nguyên cấp phép rất ít dự án và đều làm rất nghiêm theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng thẳng thắn nhận phần trách nhiệm: “Để xảy ra tình trạng cấp phép sai, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tương đối nhiều ở các tỉnh có phần trách nhiệm của chúng tôi”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 20/8.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 20/8.

Sau trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn: Liệu có hay không vấn đề tham nhũng trong việc cấp phép khai thác khoáng sản sai luật? Bộ trưởng trả lời: “Có tham nhũng hay không hãy hỏi các tỉnh mới biết được. Chúng tôi làm theo phận sự, cấp phép ở trên này theo thẩm quyền, còn cấp phép ở địa phương là trách nhiệm của các địa phương. Tôi không thể trả lời có hay không tham nhũng được”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngay lập tức cắt ngang: “Tôi cho là có đấy”.

Tài nguyên dần cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại

Liên quan đến ý kiến cho rằng việc chậm khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ cũng ảnh hưởng đến việc cấp phép của các địa phương, Bộ trưởng Quang cho biết đã khoanh định và công bố 84 khu vực; khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, khu vực dữ trữ khoáng sản quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2013.

“Các tỉnh đề nghị lên rất nhiều khu vực để cấp phép. Tuy nhiên, đề nghị các tỉnh kiềm chế, đào bới bao nhiêu sẽ thiệt hại bấy nhiêu. Người dân không hưởng lợi là mấy, thu ngân sách không được là bao trong khi thiệt hại rất lớn”, ông Quang nói.

Trả lời câu hỏi của các ĐB về tình trạng buông lỏng quản lý và văn bản pháp luật quy định hiện hành còn lỏng lẻo, bất cập… Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, do điều kiện kinh tế khó khăn, mức sống của người dân địa phương thấp, thiếu việc làm nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép quy mô nhỏ khá phổ biến.

Phương thức thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giải tỏa lực lượng khai thác khoáng sản trái phép chưa hiệu quả, có tính chất mùa vụ; Chưa có quy định và chế tài xử lý mạnh đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác trái phép, tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm; Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương ở vùng giáp ranh địa giới hành chính (từ hai đơn vị hành chính trở lên) để xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát sỏi lòng sông chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, lực lượng khai thác khoáng sản trái phép ngày càng trở nên liều lĩnh, sẵn sàng chống trả, thậm chí đã gây thiệt hại đến tính mạng của cán bộ quản lý khoáng sản khi làm nhiệm vụ nhưng chế tài xử phạt thấp, không bảo đảm tính răn đe; chưa có hình thức xử lý hình sự đối với một số cá nhân cố tình vi phạm. Tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản dạng nguyên liệu thô qua biên giới bằng nhiều đường khác nhau (đường bộ, đường biển) tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Trong phần phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Việc cấp phép mà 50% vi phạm là không ổn. Có khi tham nhũng, tiêu cực là đây, ảnh hưởng và ô nhiễm cũng là đây. Do đó các đại biểu địa phương cũng phải tăng cường giám sát. Lãng phí tài nguyên, vi phạm cấp phép như thế mà chưa thấy xử lý được ai, chưa thấy bên trong có tiêu cực. Tôi cho là có đấy. Vai trò quản lý Nhà nước ở đâu? Cứ để như thế thì những tài nguyên sẽ mất đi, môi trường bị phá hoại, nên cần thực hiện nghiêm minh hơn”.

Ngọc Quang