TS Nguyễn Trí Hiếu: Đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng là hợp lý

22/08/2013 09:36
Hoàng Lực
(GDVN) - “Cần phải phân biệt rõ đánh thuế các trường hợp thu lãi tiền gửi, mua bán ngoại tệ hay thu nợ khó đòi là phải đánh vào lãi dư ra chứ không phải là tiền gốc bỏ ra của doanh nghiệp...” – TS Hiếu cho biết.
Mới đây trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính xây dựng, các danh mục sẽ phải chịu thuế được bổ sung bao gồm các khoản thu được từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), chuyển nhượng các loại giấy tờ có giá, thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn của doanh nghiệp.

Đây được xem là điểm mới và đang gây ra nhiều tranh luận khác nhau. Chủ doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ tạo thêm gánh nặng về thuế làm khó doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng đây là quy định bổ sung phù hợp theo thông lệ quốc tế, trên thế giới tất cả các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ… đều bị đánh thuế, vì vậy đây là quy định hợp lý.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng: Đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng là hợp lý.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng: Đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng là hợp lý.

“Dĩ nhiên ở vị trí người phải nộp thuế thì họ không muốn phải nộp số tiền thuế này cho nhà nước. Thế nhưng hầu hết các nước trên thế giới đều quy định đánh thuế từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn của doanh nghiệp. Phải hiểu đây là đánh thuế vào tiền lãi, tiền thu được từ mua bán, tiền lãi chứ không phải đánh thuế tiền gốc của doanh nghiệp” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Ví dụ, doanh nghiệp A chuyển nhượng cho vay hoặc mua bán ngoại tệ có lãi thì số tiền lãi đó sẽ được tính thuế, còn nguồn vốn bỏ ra thì được bảo toàn không đánh thuế.

"Ở nhiều nước ví dụ như Mỹ, việc phần trăm các loại thuế này theo 2 quy định đánh thuế liên bang và đánh thuế từng tiểu bang. Với liên bang mức thu từ 25 – 30% tổng số thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi vay vốn, mua bán ngoại tế… của doanh nghiệp đó. Còn mức thu ở các tiểu bang thì tùy thuộc vào quy định của mỗi bang” – TS Hiếu đưa ra ví dụ.

Một vấn đề khác được đưa ra tại dự thảo mới gây nhiều tranh luận khác nhau đó là quy định đánh thuế doanh nghiệp nếu thu hồi được khoản nợ khó đòi (mà khoản này đã được cơ quan chức năng xóa nợ). Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, không nên đưa quy định mới này bổ sung trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh.

TS Hiếu cho rằng: “Việc đánh thuế khoản nợ khó đòi khi doanh nghiệp thu hồi được là không hợp lý vì đây vốn dĩ là tài sản của doanh nghiệp đó. Chẳng hạn doanh nghiệp cho vay 100 tỷ nhưng sau thu hồi được 50 tỷ, số tiền 50 tỷ này lại bị đánh thuế là điều không hợp lý vì trước đó số tiền đó đã là tài sản của doanh nghiệp đó rồi”.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu là tiền lãi phát sinh ra từ tiền gốc, ví dụ doanh nghiệp cho vay 100 tỷ nhưng khi thu hồi doanh nghiệp lại thu về 110 tỷ thì 10 tỷ kia mới bị đánh thuế...

Cũng theo chuyên gia tài chính ngân hàng này, việc đánh thuế khi thu hồi được khoản nợ khó mà khoản nợ này đã được cơ quan chức năng xóa nợ trước đó cũng cần xem xét từng trường hợp cụ thể.

Nếu trong trường hợp một doanh nghiệp A cho doanh nghiệp B vay 100 tỷ nhưng do doanh nghiệp B làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ, khoản nợ khó đòi đó lại được nhà nước xóa nợ tức là doanh nghiệp A đã mất đi 100 tỷ. Thì sau một khoảng thời gian kiên trì, doanh nghiệp A may mắn thu về 100 tỷ từ doanh nghiệp B thì đây vẫn là tài sản ban đầu doanh nghiệp A cho vay, không phải là lãi dư ra của số tiền cho vay trước đây vì vậy nếu đánh thuế là không hợp lý.

Trường hợp thừ hai cũng là doanh nghiệp A đươc nhà nước xóa nợ bằng cách mua lại nợ xấu của doanh nghiệp B và trả 100 tỷ cho doanh nghiệp A. Nhưng sau đó bằng nhiều biện pháp doanh nghiệp A mà đòi thêm được số tiền nào đó thì số tiền đó mới bị đánh thuế, vì số tiền gốc trước đó đã được mua lại.
“Cần phải phân biệt rõ đánh thuế các trường hợp thu lãi tiền gửi, mua bán ngoại tệ hay thu nợ khó đòi là phải đánh vào lãi dư ra chứ không phải là tiền gốc bỏ ra của doanh nghiệp, ví dụ cho vay 100 tỷ nhưng nếu thu lại từ 1 đến 100 tỷ, đó vẫn là tiền gốc bị mất của doanh nghiệp. Ngoài con số 100 tỷ tiền dư ra như tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền lãi cho vay thì mới nên đánh thuế” – TS Hiếu cho biết thêm.

Cũng liên quan đến việc đánh thuế doanh nghiệp khi thu hồi được khoản nợ khó đòi (mà khoản này đã được cơ quan chức năng xóa nợ) nhiều ý kiến cho rằng bản thân doanh nghiệp đã bị thiệt hại do khoản nợ khó đòi như vấn đề trượt giá đồng tiền. Vì vậy nếu doanh nghiệp có thu thêm phần lãi ngoài số tiền gốc cũng không nên đánh thuế.

Nhưng theo TS Hiếu, đó chỉ là quan điểm của doanh nghiệp, còn với ngành thuế thì vấn đề trượt giá hoặc thiệt hại của doanh nghiệp không được tính đến mà chỉ dựa vào tiền gốc và tiền lãi thêm ngoài tiền gốc để làm cơ sở tính mức thuế. 
Hoàng Lực