Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trương ương:

Vụ 'nhân bản' xét nghiệm: "Đừng làm hại cuộc chiến chống tham nhũng"

28/08/2013 10:04
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Vũ Quốc Hùng nói về vụ "nhân bản" xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức: "Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần công tâm đánh giá giữa lỗi và tội của chị Oanh, nếu không tỉnh táo sẽ làm hại cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng ta đang kêu gọi tất cả các tổ chức nghiêm túc thực hiện, điển hình là Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua".

Ngày 15/8, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 10 đối tượng trong vụ việc “nhân bản” xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức gồm: Ông Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Nguyễn Thị Nhiên - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức trực tiếp phụ trách khoa xét nghiệm bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong số 8 bị can còn lại bị khởi tố có chị Phan Thị Oanh - người đặt camera quay lại những vi phạm nhân bản xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức, cũng là người đầu tiên ký tên vào đơn tố cáo việc làm sai trái của vị Giám đốc bệnh viện.

Chị Phan Thị Oanh, một trong những người dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực tại BV Đa khoa Hoài Đức.
Chị Phan Thị Oanh, một trong những người dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực tại BV Đa khoa Hoài Đức.

 Trước quyết định này, chị Oanh đã gửi đơn kêu cứu lên Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Chị Oanh cho biết: “Tôi được phân công làm kỹ thuật viên trưởng phụ trách bán chuyên môn và chưa bao giờ được phân công làm công tác chuyên môn tại bộ phận ngoại trú. 

Từ tháng 7/2012 đến nay, khoa xét nghiệm luôn được sự chỉ đạo chặt chẽ từ Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng khoa xét nghiệm. Chúng tôi là những người thừa hành mệnh lệnh.
Khi tách khoa thành 2 bộ phận, việc phân bổ máy và sắp xếp nhân lực đều do lãnh đạo thực hiện. Trong quá trình khoa thực hiện nhiệm vụ, đã xuất hiện nhiều điều bất hợp lý và có dấu hiệu sai phạm chuyên môn.  
Tôi và các chị em trong khoa đã có nhiều góp ý từ ngoài cuộc họp đến trong hội nghị, họp giao ban. Nhưng những gì chúng tôi nói đều không được tiếp thu. Chúng tôi bị gạt ra ngoài và còn bị cho là có tư tưởng chống đối. Bất lực, chúng tôi đành phải thu thập chứng cứ để báo cáo lên cấp trên về những việc làm sai trái của lãnh đạo bệnh viện”.

Dư luận chung của Thủ đô đang băn khoăn, lo lắng cho chị Phan Thị Oanh – người đã dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực lại phải có nguy cơ phải đối diện với một bản án.

Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, vụ án ở BV Đa khoa Hoài Đức tuy không thiệt hại lớn về tiền bạc, nhưng suy đồi đạo đức, về y đức thì rất nghiêm trọng.

“Không thể chấp nhận được khi các y bác sĩ lại bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân. Vụ việc này cũng cho thấy tính chất diễn biến phức tạp của nan tham nhũng, sự yếu kém của các cơ sở Đảng và các cơ quan chức năng tại địa phương. Một vụ việc lớn như vậy mà kéo dài cả năm trời cũng không thấy chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên, tổ chức Công đoàn tại địa phương lên tiếng. Điều đó cho thấy, các tổ chức Đoàn thể tại địa phương đã bị tê liệt trước sức ép từ Giám đốc BV Hoài Đức hoặc họ vô cảm”, ông Hùng nói.

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Qua đó, ông Vũ Quốc Hùng đánh giá, việc chị Oanh và bốn nhân viên khác của bệnh viện ký đơn tố cáo là hành động vô cùng dũng cảm, họ cần được tôn vinh, được bảo vệ.

"Qua báo chí, tôi được biết việc khen thưởng tổ chức hết sức vội vàng, sơ sài và có phần bôi bác. Tôi thấy bất bình! Mặc dù các chị không đòi hỏi, họ dũng cảm tố cáo tiêu cực vì lương tâm nghề nghiệp, vì lương tâm của những con người tử tế, nhưng cũng không phải vì thế mà khen thưởng cho qua chuyện", ông Vũ Quốc Hùng.

Ông Hùng chia sẻ: “Qua báo chí, tôi được biết chị Oanh cũng bị khởi tố. Bản thân tôi và chắc rằng dư luận cả nước đang băn khoăn, hoài nghi về quyết định này của cơ quan chức năng.

Chị Oanh là người có ký 18 phiếu xét nghiệm mà theo chị nói là do áp lực từ cấp trên, sau đó thấy việc làm như vậy là vô đạo đức nên đã ký vào đơn tố cáo. Dù bị áp lực phải rút chữ ký, nhưng chị Oanh âm thầm đặt camera thu thập chứng cứ sai phạm.

Như vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần công tâm đánh giá giữa lỗi và tội của chị Oanh, nếu không tỉnh táo sẽ làm hại cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng ta đang kêu gọi tất cả các tổ chức nghiêm túc thực hiện, điển hình là Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua. Tôi tin rằng, các cơ quan chức năng sẽ sáng suốt trong sự việc của chị Oanh”.

Qua những vụ việc tham nhũng nổi cộm thời gian gần đây, dư luận tỏ ra hoài nghi về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng đang có nhiều điểm yếu kém.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra rất đúng về thực trạng hiện nay, đó là chủ yếu do những nguyên nhân chủ quan, mà nguyên nhân đầu tiên là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.

Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm tới công tác phòng, chống tham nhũng, ngay tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã ra nghị quyết chuyên đề về phòng, chống tham nhũng. Gần đây, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng đã nói “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”.

“Vừa qua, chúng ta đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương và thành lập lại Ban Nội chính Trung ương. Vấn đề là tổ chức và quyết tâm thực hiện, quyết liệt đúng với phương trâm không nể nang né tránh, tôi tin là cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ thu được nhiều kết quả tốt”, ông Hùng nói.

Ngọc Quang