Kiên quyết cùng các địa phương xử lý tình trạng lạm thu đầu năm học

29/08/2013 07:15
Xuân Trung
(GDVN) - Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) khẳng định, đầu năm học này thanh tra bộ sẽ triển khai tăng cường giám sát lạm thu trong nhà trường, kiên quyết cùng địa phương xử lý hiện tượng này, nếu có.
Trước thực trạng đầu năm học ở các địa phương, nhất là ở các thành thị, những nơi đông dân cư, trường học nhiều, hằng năm cứ vào đầu năm học phụ huynh lại “gồng mình” gánh nhiều khoản thu từ nhà trường đề ra.

Tình trạng lạm thu không phải riêng năm nay mà đã có từ nhiều năm trước đó, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, những ngày đầu năm học báo chí thường nhận rất nhiều ý kiến phản ánh từ phụ huynh về tình trạng đóng góp đầu năm, nhà trường biến tướng chuyện lạm thu bằng nhiều cách khác nhau, trong đó lấy danh nghĩa là khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh và có xác nhận của phụ huynh về khoản đóng này.

Mỗi năm học mới đến phụ huynh lại lo với các khoản thu của con. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Mỗi năm học mới đến phụ huynh lại lo với các khoản thu của con. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Cách đây vài ngày, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã khẳng định, để tình trạng lạm thu được xử lý dứt điểm Sở sẽ có biện pháp bảo vệ phụ huynh tố giác trường lạm thu.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nôi, các trường thu các khoản thu khác ngoài học phí (khoản thu thỏa thuận), các trường phải tổ chức họp bàn với cha mẹ học sinh để trình bày dự toán chi và dự kiến mức thu. Các khoản thu, chi phải công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất xuống kiểm tra các đơn vị. Nếu phát hiện trường nào thu không đúng quy định và không được sự đồng tình của phụ huynh, thì sẽ bị xử lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Khánh Tuấn – Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, vấn đề lạm thu ở các địa phương phần do khách quan nên chưa đảm bảo được. Theo thông tin mà Vụ Kế hoạch Tài chính có được thì hiện có 17/63 tỉnh thành đảm bảo được không để tình trạng lạm thu diễn ra, còn lại rất khó khăn trong việc đảm bảo nguồn chi ngân sách dẫn đến có hiện tương này.

Ông Tuấn cũng đưa ra một vài giải pháp để hạn chế tình trạng này, theo đó cần xây dựng văn bản pháp lí để quản lí việc thu trong nhà trường. Văn bản pháp lí hiện đã tương đối đầy đủ. Ngoài ra, các địa phương phải đảm bảo ba công khai để đảm bảo sự kiểm soát của xã hội về việc thu trong trường học.

“Theo Nghị định 115 thì các địa phương, UBND các cấp phải có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để hành lang pháp lí ban hành được thực hiện đúng. Đầu năm học thanh tra bộ sẽ tăng cường giám sát lạm thu trong trường, kiên quyết cùng địa phương xử lý hiện tượng thu không đúng quy định” ông Tuấn khẳng định.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính cũng mong muốn cha  mẹ học sinh và các cơ quan liên quan nếu phát hiện trường có tổ chức thu không hợp pháp cần kịp thời  báo cáo các cơ quan chức năng để xử lý. Bên cạnh đó lực lượng xã hội cũng tham gia cùng các cấp chính quyền để quản lý giám sát tốt hơn.

Trả lời về việc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT như thế nào khi Hà Nội thử nghiệm cho hoạt động một số trường theo mô hình trường chất lượng cao với mức học phí “khủng”, ông Lê Khánh Tuấn cho biết, cơ sở pháp lí cho việc này có trong Nghị định 49 quy định trường chất lượng cao sẽ thu cao. Các trường được tổ chức các dịch vụ chất lượng cao và thu ở mức tương xứng. 

Bên cạnh đó, cơ sở pháp lí tiếp là dựa vào Luật Thủ đô. Tuy nhiên, theo chỉ đạo chung của Bộ GD&DT, các trường chất lượng cao vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc giáo dục đại trà, phải hoàn toàn  tự nguyện, phải tương xứng giữa tiền và chất lượng dịch vụ cung cấp. Trong thời gian tới Vụ Kế hoạch Tài chính sẽ phối hợp với các Vụ chuyên môn để có kết quả đánh giá cụ thể về chương trình này.



Xuân Trung