Vụ sếp lương “khủng”: “Cần khởi tố vụ án, không chỉ truy thu là xong"

30/08/2013 07:41
Viết Cường
(GDVN) - Liên quan đến việc nhiều lãnh đạo tại bốn Công ty công ích trong TP. HCM có mức lương “khủng” bất thường, Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, phương án xử lí không chỉ thu hồi toàn bộ số tiền sai phạm rồi cách chức, mà cần phải khởi tố vụ án…

Cần khởi tố vụ án

Nói về vụ lương “khủng” của lãnh đạo bốn Công ty công ích trong TP.HCM đang gây xôn xao dư luận, theo Tiến sỹ, Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), vấn đề này cần phải xem xét ở góc độ toàn diện, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác quản lí.

Tiến sỹ, Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
Tiến sỹ, Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Trong cơ chế thị trường, hệ thống doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư nhà nước, cần phải nắm vững những lĩnh vực then chốt liên quan đến an ninh quốc phòng, các vấn đề thiết yếu trong đời sống dân sinh và những vấn đề về môi trường, phúc lợi công cộng.

“Các công ty như về cây xanh, vệ sinh, chiếu sáng thuộc hoạt động công ích nên nhà nước nhiều khi lỗ cũng phải đầu tư vào. Tuy nhiên, trong trường hợp của bốn công ty công ích vừa rồi, lương lãnh đạo cao bất thường như vậy thì cần phải xem xét lại”. Luật sư Triển đánh giá.

Theo ông, việc đầu tiên là xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Ngoài ra cũng cần phải xem xét vai trò của các tổ chức trong những doanh nghiệp này.

Ông nêu quan điểm: “Thực trạng hiện nay nhiều tổ chức trong doanh nghiệp gần như vô hiệu hóa từ Chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ…mà quyền uy chủ yếu tập trung vào trong đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt việc này rất phổ biến trong các doanh nghiệp nhà nước”.

Theo Luật sư Triển, nhiều công ty vốn rõ ràng là của nhà nước nhưng quyền quyết định lại gần như nằm trong tay nhóm lãnh đạo. Từ đó họ có thể sử dụng tài sản của nhà nước vào những việc riêng, đồng thời kiếm thêm những nguồn thu khác bên ngoài sổ sách.

Luật sư Triển nói: “Ví dụ như trường hợp người dân hoặc tổ chức nào đó xây nhà và cần phải đổ phế thải. Nhưng muốn đổ được thì phải chờ đến sau 8h tối, vì thế họ có thể lợi dụng thuê xe của các công ty vệ sinh môi trường vì xe này chạy được bất cứ lúc nào. Rồi nhiều nhà nhờ chuyển cây từ chỗ này sang chỗ kia, từ tỉnh này sang tỉnh khác…”

Những hoạt động đó tạo một nguồn thu riêng không nhỏ cho các công ty công ích. Tiền này thường được các công ty cho vào một số quỹ riêng như quỹ phúc lợi, quỹ giám đốc, quỹ tái đầu tư…

“Tuy nhiên những số tiền này thường ít khi được tái đầu tư và hay nằm …ngoài sổ sách. Họ sẽ “biến” số tiền đó dưới góc độ như dùng để thưởng, tiếp khách và đầu tư vào những hoạt động người ngoài không thấy rõ được.

Rồi báo cáo tài chính cuối năm lại không được các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, dẫn đến việc lãnh đạo công ty sử dụng tất cả các “bùa phép” để ‘chia chác’ với nhau”, Luật sư Triển “bắt mạch”.

Tình trạng ngập nước vẫn diễn ra nhiều nơi tại TP.HCM, trong khi lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị nhận lương "khủng" khiến dư luận bức xúc - Ảnh Tuổi Trẻ
Tình trạng ngập nước vẫn diễn ra nhiều nơi tại TP.HCM, trong khi lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị nhận lương "khủng" khiến dư luận bức xúc - Ảnh Tuổi Trẻ

Còn về lương chính thức của lãnh đạo các công ty công ích, Luật sư Triển cho rằng rất khó để lách. Lương giám đốc công ty nhà nước được tính theo hệ số, ngoài ra có thêm lương trách nhiệm rồi sau đó đóng bảo hiểm. “Họ chỉ có thể lách từ những “chi chác” khác nhau mới dẫn đến chuyện lương 1 năm hơn 2 tỉ đồng”, Luật sư Triển phán đoán.

Từ sự việc trên, ông cho rằng cần phải xem xét lại về cơ chế quản lí, công tác thanh tra, kiểm soát và xử lí vi phạm đối với hệ thống doanh nghiệp nhà nước vì đang có dấu hiệu bị buông lỏng.

Trường hợp lương “khủng” của lãnh đạo bốn công ty công ích trong TP.HCM như vừa qua, theo quan điểm của Luật sư Triển không thể chỉ xử lí hành chính là xong. Ông nói: “Đây có dấu hiệu của tội phạm cần phải khởi tố vụ án. Tội tham ô là rất rõ, đủ căn cứ để khởi tố về tội tham ô vì anh sử dụng quyền của anh, lấy tiền bạc của nhà nước, của doanh nghiệp trái pháp luật để hưởng lợi cho bản thân mình”.

Luật sư Triển dẫn chứng thêm. Theo quy định của pháp luật, từ 2 triệu đồng trở lên là đủ căn cứ để khởi tố. Trong vụ việc này, số tiền bị bòn rút lên đến hàng tỉ đồng thì không thể chỉ thu hồi, xử lí hành chính rồi cách chức. Nếu làm như vậy, biện pháp giáo dục và phòng ngừa nạn tham ô, tham nhũng là chưa đủ mạnh, dân sẽ mất niềm tin.


“Trong trường hợp này về phía nhà nước cần phải thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải khởi tố vụ án để điều tra xử lí”, Luật sư Triển nhấn mạnh.


Bớt lương công nhân để làm giàu cho lãnh đạo

Tờ Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin phát biểu tại cuộc họp ngày 29-8 về tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách TP trong tháng 8-2013 và triển khai nhiệm vụ tháng 9-2013, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân rất bức xúc về vụ giám đốc nhận lương khủng. 

“Tôi nói thẳng cái tội lớn nhất của các anh là bớt lương, bớt thu nhập của người lao động để làm giàu cho lãnh đạo. Tội này phải trị tới nơi tới chốn, không phải cứ nói thu rồi, giờ trả lại là thôi”. Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Cũng trên tờ báo này đăng tải: Cho rằng việc giám đốc bớt xén tiền lương công nhân để làm giàu cho bản thân là sự suy thoái về đạo đức, cũng là chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đặt câu hỏi: “Trong khi cả TP đang nỗ lực vượt qua khó khăn thì các anh làm như vậy có thấu tình đạt lý hay không?”.

Ông Quân yêu cầu nhanh chóng lập lại kỷ cương, ý thức trách nhiệm, không thể cứ cho rằng không đụng tới tiền nhà nước thì muốn chia làm sao thì chia, muốn làm gì thì làm.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, sai phạm chủ yếu của các doanh nghiệp công ích chi lương “khủng” là ký hợp đồng thời vụ dưới ba tháng cho rất nhiều công nhân, dù họ đủ điều kiện ký hợp đồng có thời hạn hoặc không xác định thời hạn để không đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nhập nhằng lấy quỹ lương của người lao động chi cho khen thưởng, chi lương cho cán bộ quản lý. Việc này sai cả về tài chính lẫn về đạo đức. Hoặc có đơn vị áp dụng sai đơn giá tiền lương, khi mà UBND TP đã ban hành quyết định quy định rõ.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc diễn biến của vụ việc này.

Viết Cường