Đó là những phản hồi tác giả TS Kim Hà (Đại học Kinh tế Tài chính UEF) sau khi tòa soạn đăng tải bài viết: Đại học: Lễ tốt nghiệp hay "lễ thất nghiệp"?. Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng trích đăng bài viết của tác giả Kim Hà.
Bài viết của ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Viện quản lý Việt Nam đã thể hiện một sự quan tâm sâu sắc đến việc tư vấn tuyển sinh, thái độ học, phương pháp dạy và cả vấn đề đầu ra của đại học. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà giáo dục, đặc biệt là người làm công tác Quan hệ Doanh nghiệp - cầu nối giữa doanh nghiệp và giáo dục, tôi muốn nhìn làm rõ hơn rằng Lễ tốt nghiệp không phải là Lễ Thất nghiệp mà có chăng nên gọi là Lễ Khởi nghiệp.
Ảnh minh họa |
Bài viết của ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Viện quản lý Việt Nam đã thể hiện một sự quan tâm sâu sắc đến việc tư vấn tuyển sinh, thái độ học, phương pháp dạy và cả vấn đề đầu ra của đại học. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà giáo dục, đặc biệt là người làm công tác Quan hệ Doanh nghiệp - cầu nối giữa doanh nghiệp và giáo dục, tôi muốn nhìn làm rõ hơn rằng Lễ tốt nghiệp không phải là Lễ Thất nghiệp mà có chăng nên gọi là Lễ Khởi nghiệp.
Với các trường nước ngoài, lễ tốt nghiệp đại học được dịch là Commencement Day - có nghĩa là ngày khởi đầu cho một chặng đường mới. Tại trường Đại học Kinh tế Tài chính UEF mà tôi đang công tác, chúng tôi gọi đó là Lễ Bế giảng và trao bằng Đại học. Với đại học UEF, và nhiều trường ĐH khác thì đó không phải là ngày kết thúc mà là ngày khởi đầu khi mà truyền thống của trường qua 02 mùa lễ là hơn 20% sinh viên đã có việc làm sau kỳ Thực tập cuối khóa, một số sinh viên đã khởi nghiệp kinh doanh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó không chỉ là ngày nhận bằng mà là ngày các cộng đồng Nhân sự, Doanh nghiệp đối tác, Cựu sinh viên về tham dự, chia sẻ dặn dò tân Cử nhân những điều cần thiết nhất trước khi khởi nghiệp. Việc một số tân Cử nhân thất nghiệp sau khi rời đại học là một điều không thể tránh khỏi. Nguyên nhân đã được rất nhiều các chuyên gia giáo dục, các nhà nghiên cứu xã hội phân tích gần đây. Đặc biệt trong bài viết, ông Tuấn Anh cũng đã nêu bật sự lãng phí nguồn nhân lực cho xã hội từ việc Chọn đại - Học đại - Dạy đại. Tuy nhiên, tôi muốn đặt vấn đề cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các vị Nhân sự tuyển dụng tại các công ty, hay rộng hơn một chút đó là trách nhiệm của xã hội đối với đầu ra của các trường đại học. Nếu chúng ta nhìn nhận một các xác đáng rằng chính Tân Cử nhân ra trường là khách hàng tiềm năng của chúng ta thì trách nhiệm chung tay đồng hành cùng nhà trường trong việc định hướng ngành nghề học đúng sở trường, phương pháp học hiệu quả hay việc rèn luyện như thế nào để có được những tố chất mà doanh nghiệp ngày nay đang tìm cần phải được xem trọng. Đã có rất nhiều những người "Thầy đến từ thực tiễn" cùng chung tay các trường đại học trong việc phát triển Kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên. Tại Đại học UEF, chúng tôi đã hân hạnh được sự bắt tay cùng hệ thống cộng đồng Nhân sự tại các Ngân hàng, Doanh nghiệp , những cá nhân đầy nhiệt huyết đến chuẩn bị nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ khi mới bước chân vào đại học. Đài kinh tế Tài chính FBNC đã có những chương trình Hành trang nghề nghiệp (12 số) dành cho sinh viên khởi nghiệp. Kênh truyền hình InfoTV cũng phát triển mạnh chương trình "Nguồn nhân lực cho nền kinh tế Quốc dân". Đó là những hoạt động rất thiết thực mà xã hội cũng như những người tâm huyết đã cố gắng đóng góp. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. Chỉ khi, mỗi một người làm nhân sự, mỗi một doanh nhân, mỗi một doanh nghiệp nhận thức rõ trách nhiệm và vai trò then chốt của mình trong việc hình thành nên sự thành công của các Tân cử nhân, chung tay góp sức vào cả quá trình đào tạo tại các trường đại học thì lúc đó, lễ tốt nghiệp không thể trở thành Lễ thất nghiệp.
Kim Hà