GS Phạm Minh Hạc nói về những quyết sách giáo dục làm đổi mới một thời

01/09/2013 07:09
Xuân Trung
(GDVN) - Mọi người làm việc không có phụ cấp và chỉ có… nước chè. Sau đó có đề ra tư tưởng cho giáo dục lúc đó là: “Giữ vững để không tan vỡ, khôi phục những cái đã mất, củng cố những cái còn lại và phát triển những cái cần thiết”. GS Phạm Minh Hạc nhớ lại.
GS Phạm Minh Hạc nói về một thời xây dựng và củng cố nền giáo dục từ khi đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn đổi mới. Theo ông, từ 1945-1985 nước ta vẫn chưa hoàn thành công cuộc xóa mù chữ. Và một nền tảng của ngôi nhà giáo dục chúng ta chưa có.

Giáo dục đã có những năm vỡ từng mảng?

Mỗi dịp đến ngày Quốc khánh, GS Phạm Minh Hạc lại nhớ về những quãng thời gian xa xưa khi ông và đồng nghiệp cùng nhau đi thực tế khảo sát về tình hình giáo dục đất nước ở những năm tháng gian khó nhất.

GS Phạm Minh Hạc kể rằng, ông bắt đầu được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từ ngày 17/2/1987. Trước đó ông làm Thứ trường và Viện trưởng, nhưng từ khi lãnh đạo ngành giáo dục ông có điều kiện hơn để xuống với những ngôi trường, những thầy cô vùng sâu, vùng xa và từ đó đưa ra được những quan điểm giáo dục đúng đắn.

Nhớ lại thời đó (thời kì đổi mới 1986 trở đi), ở nước ta sự kiện xôn xao là triển lãm bao cấp của Bảo tàng dân tộc, một thời cực kì khó khăn. GS Phạm Minh Hạc kể, khi người ta xem triển lãm thì thấy, lúc đó, thực sự đất nước lâm vào tình trạng bế tắc.

GS Phạm Minh Hạc nói rằng, xã hội nào thì giáo dục ấy và ngược lại giáo dục nào thì xã hội đó, đó là một mâu thuẫn chí lí. Ảnh Xuân Trung
GS Phạm Minh Hạc nói rằng, xã hội nào thì giáo dục ấy và ngược lại giáo dục nào thì xã hội đó, đó là một mâu thuẫn chí lí. Ảnh Xuân Trung

Sau chiến tranh người ta chờ đợi một thay đổi lớn từ sau giai đoạn 1975-1985 mà đất nước lâm vào khủng hoảng tương tự như thế giới năm 1930 hay năm 1997. Đất nước thiếu thốn tới mức thiếu từng hạt gạo, mớ rau phải xếp hàng cho đến các vật dụng khác. Lúc này đổi mới là một bước ngoặt và cực kỳ quan trọng.

Thời đó, Bộ Giáo dục phụ trách bậc phổ thông và ngành sư phạm. Trong lúc khó khăn đó, nhiều trường đã tan vỡ. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhớ lại, tình hình chung giáo dục lúc đó vỡ từng mảng, học sinh bỏ học hàng nghìn em, ngay giáo viên cũng hàng nghìn người bỏ việc.

“Từ cách mạng tháng Tám, tôi được học hơn một nửa tiểu học thời Pháp, sau đó thất lạc gia đình, tôi có đi làm văn phòng từ năm 1946-1949, tham gia vào các phong trào xóa mù chữ, có ấn tượng với những người mù chữ phải chui qua cổng thấp... Năm 1986-1987 (sau chiến tranh 10 năm), dân ta mù chữ cũng nhiều.

Phổ cập tiểu học chưa có căn cứ nào. Cách mạng tháng Tám nổ ra là một thời đại Ánh sáng”. GS Phạm Minh Hạc nhớ lại những năm tháng đầy kỉ niệm trong đời làm việc của mình.

Ông nói tiếp, thời đó theo đường lối nói chung là nặng về kinh tế, trong phạm vi đổi mới chung của nền giáo dục lúc bấy giờ, GS Hạc vẫn nhớ ông đã tập hợp được 81 nhà nghiên cứu  giáo dục và một số giáo viên làm việc trong vòng ba tháng. Mọi người làm việc không có phụ cấp và chỉ có… nước chè. Sau đó có đề ra tư tưởng cho giáo dục lúc đó là: “Giữ vững để không tan vỡ, khôi phục những cái đã mất, củng cố những cái còn lại và phát triển những cái cần thiết”.

GS Hạc khẳng định, đội ngũ nhà giáo lúc đó có niềm tin để tiếp nối cha anh làm cho nền giáo dục này khởi sắc và làm nốt những gì trước đó chưa làm được. Với tình hình đó phải khôi phục nhưng chỗ nào còn bấp bênh vẫn phải giữ vững, phải củng cố, nơi nào làm tốt phải giữ vững không để xa sút.

“Thời kì tôi còn làm việc các đồng chí thư kí không phải vất vả lắm, không bao giờ phải viết bài. Ngay bản báo cáo của 81 người tôi đúc kết lại thành bài, trình bày và thảo luận. Cứ như vậy trong mấy năm liền dần dần cô lại từ 10 xuống 8 xuống 6 để rồi đúc kết trong toàn ngành và thống nhất một tư tưởng”. GS Phạm Minh Hạc hồi tưởng lại.

“Quyết sách” cho nền giáo dục phát triển

Có thống nhất trong tư tưởng của toàn ngành và dẫn đến những quyết sách đúng đắn là những dấu ấn không bao giờ quên cho tới tận ngày nay.

GS Phạm Minh Hạc chia sẻ tiếp về những kết quả đạt được từ sự thống nhất trong tư tưởng, ông cho cho biết, điều đầu tiên sau 3 đến 4 năm đổi mới thì nền giáo dục lúc đó đã có căn cứ để xây dựng Luật phổ cập giáo dục Tiểu học. GS Hạc lúc đó được phân công làm Trưởng ban dự thảo bộ Luật.

Sau khi có Luật rất may tình hình giáo dục bắt đầu ổn định thì lúc đó Liên Hiệp quốc từ khi thành lập năm 1946 đến lúc đó là năm 1990 lần đầu tiên có Hội nghị giáo dục toàn thế giới tại Thái Lan.

Việt Nam có đoàn dự Hội nghị này do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh dẫn đầu, GS Phạm Minh Hạc lúc đó là Phó trưởng đoàn. Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, bổ nhiệm ông là Chủ tịch Ủy ban. Ủy ban đã hoạt động trong 10 năm (từ năm 1990-2000).

Ngày 26/12/2000, Chính phủ đã báo cáo với toàn dân và công bố với thế giới, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học theo tiêu chuẩn Hội nghị ở Thái Lan. Đó là một mốc lớn trong lịch sử giáo dục nước nhà.

“Chúng tôi tổng kết mốc 10 năm đó: 1.000 cuốn được viết bằng tiếng Việt  và tiếng Anh khoảng 400 trang phát tại Hội nghị Dakar (thủ đô nước Sê-Nê-Gan) chỉ vài tiếng 1.000 cuốn đã hết. Có thể nói, đó là đóng góp của nhiều anh em trong khi công tác cùng thời với tôi”. GS Hạc nhớ lại kỉ niệm không thể quên này.

Cũng trong thời gian ông công tác ở nước ta lúc đó rất ít trường chuyên, GS Phạm Minh Hạc và đồng nghiệp có đề ra một khẩu hiệu mà theo ông vẫn còn sống mãi tới ngày nay - “Đại trà và mũi nhọn”, đó là việc đề nghị cấp trên cho mở trường chuyên ở mỗi tỉnh, mỗi tỉnh được mở một trường chuyên.

Năm 1965 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã quyết định mở trường chuyên trong Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó là Đại học Sư phạm. Theo giải thích của GS Hạc, khẩu hiệu trên có nghĩa là “đại trà” cho tất cả nhưng cũng phải chú ý tới các em có tài năng vì phát hiện và bồi dưỡng nhân tài có ý nghĩa rất lớn trong  sự nghiệp giáo dục.

Một “quyết sách” khác khiến GS Phạm Minh Hạc nhớ mãi trong tâm trí của mình. Đó là quãng thời gian ông làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, ông có đi thực tế những vùng khó khăn như Tây Nguyên nhiều ngày, vào đồng bằng Sông cửu long, đi Hà Giang… Những nơi khó khăn như vậy, quan thực tế ông  khẳng định là phải phát triển giáo dục theo miền (Khoảng 8-10 năm sau, phải làm chương trình cho sau năm 2000).

“Một số đồng chí cấp cao nói triển vọng vào thế kỷ 21 rất tốt đẹp, bắt các vùng miền núi phải theo Hà Nội thì không thể theo được. Đến bây giờ khi kiểm điểm lại bỏ tư tưởng chỉ đạo đó là sai lầm. Thực tế ở một kỳ thi, học sinh vùng cao làm sao bằng học sinh vùng đồng bằng như Hà Nội được? Tư tưởng số 1 lúc nào cũng phải tâm niệm: Giáo dục ngay từ phổ thông phải áp sát vào mục tiêu phát triển kinh tế” .GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh quan điểm.

Một mâu thuẫn rất chí lí

“Giáo dục làm sao phải phát triển được con người, có nghề, ra kiếm sống được cho mình, cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Nhà trường bao giờ cũng phải biến thiên theo sự phát triển của xã hội. Nhà trường là con đẻ của xã hội, không phải là ốc đảo. Ở đây có hai câu, mới xem như là mâu thuẫn nhưng rất chí lí: Xã hội nào nhà trường ấy, Nhà trường nào thì xã hội ấy.

Thời đi học, chúng tôi không quay cóp, đều tự học, học chăm lắm trong khi ăn uống kham khổ. Thời nay nước nhà ở mức thu nhập bình quân hơn 1.000 USD. Trẻ em bây giờ sướng hơn. Ở nước ta chỉ có 20% dân số đã sống tương đối đầy đủ, khá giả, giàu có; 80% còn lại thì có tới 60% tạm đủ, còn 20% thiếu thốn. Như vậy, nhà trường là nơi xây dựng xã hội rất quan trọng. Tôi nghĩ, phải đầu tư vào nhà trường nhiều hơn”.

GS Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Xuân Trung