TS Nguyễn Minh Phong:

“Đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn”

04/09/2013 13:49
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong về việc UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định triển khai dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, theo đó TP Hà Nội sẽ coi đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô.
Vừa qua, UBND TP. Hà Nội có quyết định số 5159/QĐ-UBND chính thức cho phép triển khai dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc theo dải phân cách đường vành đai 2, đoạn từ phía Nam cầu Vĩnh Tuy, đến nút giao Ngã Tư Sở. Theo đó, TP Hà Nội sẽ coi đây là dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô trong thời gian tới. Đây là kết quả sau gần 3 năm nghiên cứu và xin chỉ đạo từ Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan.


Những tuyến đường trên cao, cầu vượt qua các ngã tư mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội
Những tuyến đường trên cao, cầu vượt qua các ngã tư mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội

Theo thiết kế tuyến đường này dài 5,08 km, có số vốn đầu tư dự kiến hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó hơn 3.200 tỷ là chi phí xây dựng dự án, còn hơn 1.400 tỷ là chi phí dự phòng. Dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Tập đoàn Vingroup là đối tác thực hiện đầu tư dự án này. UBND thành phố đề ra thời gian thực hiện là 48 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng, dự kiến từ năm 2014 đến năm 2016. 

Đây là tuyến đường đã được xác định trong “định hướng quy hoạch giao thông khu vực nội đô của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đánh giá trong tình cảnh vấn nạn giao thông nội đô ngày một trầm trọng như hiện nay, việc Hà Nội phê duyệt dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở tuy hơi chậm nhưng với quyết tâm của của TP Hà Nội trong thời gian tới, dự án sẽ về đích sớm tiến độ.

TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội
TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội

Ở khía cạnh người nghiên cứu kinh tế trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, việc TP Hà Nội tiếp tục triển khai dự án đường trên cao nút Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở không chỉ mang ý nghĩa về việc giải quyết ùn tắc giao thông nó còn mang ý nghĩa lớn về kinh tế đảm bảo giao thương giữa các quận nội thành với khu vực ngoại thành.

Cần quyết liệt thực hiện để giảm tải ách tắc nút Ngã Tư Sở- Vĩnh Tuy

"Cần quyết liệt thực hiện để giảm tải ách tắc nút Ngã Tư Sở- Vĩnh Tuy"

Bày tỏ ý kiến của mình về quyết định phê duyệt dự án đường trên cao nút Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, TS Nguyễn Minh Phong cho biết, ông rất ủng hộ quyết định này của UBND TP Hà Nội. “Cá nhân tôi rất ủng hộ quyết định này của TP Hà Nội, đáng nhẽ chúng ta cần thực hiện sớm hơn để tránh ùn tắc giao thông, trong tình hình giao thông hiện nay thì rất cần có những tuyến đường trên cao, đường ngầm để giảm áp lực giao thông trên mặt đất”.

Theo TS Nguyễn Minh Phong từ những dự án đường trên cao vành đai 3, dự án cầu vượt qua các ngã tư, các điểm nóng về ùn tắc giao thông trước đây có thể thấy ý nghĩa rất lớn của những tuyến đường trên cao. “Ở đây không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà mang ý nghĩa rất lớn về vấn đề kinh tế khi quãng đường rút ngắn giảm chi ví vận chuyển hàng hóa, dẫn đến giá thành mặt hàng sản phẩm giảm, thúc đẩy kinh tế - xã hội” – TS Nguyễn Minh Phong nói.

Tuy mang nhiều ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội nhưng điều khiến các chuyên gia lo lắng là việc dù có quyết định triển khai dự án nhưng khi bắt tay và thực hiện, các dự án thường gặp khó khăn như vấn đề giải phóng mặt bằng, hay những điều kiện khách quan để dự án triển khai thuận lợi. 

Giải quyết tốn tại này theo TS Nguyễn Minh Phong có hai vấn đề lớn, thứ nhất là việc do hiện nay chúng ta mới bắt đầu thực hiện một số dự án đường trên cao nên từ góc độ quản lý, quy hoạch vẫn còn lúng túng. Vì thế cần phải chủ động khắc phục những hạn chế này, tạo dựng một cơ chế thông thoáng, khoa học từ việc học tập, phát huy kinh nghiệm của nước ngoài trên cơ sở phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Về khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), TS Phong cho rằng: quan trọng nhất là nguồn tiền để giải quyết công tác đền bù nếu chủ đầu tư nguồn tài chính tốt việc GPMB sẽ thuận lợi. Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, các cơ quan nên tiến hành công bố minh bạch cách tính toán, giá đền bù cho người dân có đất tại dự án để đảm bảo công khai minh bạch, đây là yếu tố giúp tiến độ GPMB nhanh đảm bảo mặt bằng sạch cho thi công. “Hà Nội cần thực hiện quyết liệt việc này như một điều kiện tiên quyết cho thành công của dự án” – TS Phong phân tích.

Theo thông tin dự án được biết tập đoàn VinGroup là đối tác thực hiện đầu tư dự án theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Ở góc độ chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, với hình thức BT chủ đầu tư sẽ xây dựng và sẽ chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước, nói cách khác chủ đầu tư sẽ chấp nhận bỏ vốn thực hiện dự án, sau đó chuyển giao và nhận thanh toán bằng tiền hoặc bằng cách tạo điều kiện cho chủ đầu tư tại các dự án khác điều này sẽ tùy theo mỗi hợp đồng của từng dự án.


Nhưng ưu điểm chung của hình thức này là ban đầu tiền thực hiện dự án sẽ do chủ đầu tư đứng ra ứng trước do vậy trước mắt nhà nước sẽ không phải trích ngân sách bỏ vốn đầu tư ban đầu. Nguồn ngân sách đó sẽ được đưa vào thực hiện các mục tiêu, chương trình an sinh xã hội khác phục vụ người dân. Có thể thấy hình thức BT cơ bản là giải pháp đạt hiệu quả cao trong việc huy động vốn xã hội. 
Hoàng Lực