Đó là khẳng định của TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lí Giáo dục Hà Nội. TS Lâm cho biết, chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cơ sở vật chất, cơ chế quản lý, chương trình sách giáo khoa, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí; vấn đề thi cử và đánh giá… Và để giải quyết bài toán chất lượng cho giáo dục là phải giải quyết đồng bộ các vấn đề trên.
Không ai có thể thay thế được ông thầy
PV: Thưa ông, trong việc nâng cao chất lượng giáo dục thì vai trò đổi mới của người thầy có tầm quan trọng như thế nào?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Người thầy Phải thực sự thay đổi, tôi nói thật chương trình sách giáo khoa có thể kém nhưng ông thầy giỏi vẫn có thể xử lí được. Không ai thay thế ông thầy được, nói thực sự thay đổi là chúng ta muốn đồng bộ người thầy giỏi chứ không chỉ khoe một vài người giỏi là xong, cũng như hiện nay chúng ta cần một nền giáo dục chứ không phải cần vài em đi thi quốc tế. Chúng ta phải có một nền giáo dục để đảm bảo cho con người đi vào cuộc sống.
Trong khi xã hội đang kém phát triển phải đẩy giáo dục lên trước, giáo dục phải đi trước để đẩy xã hội chứ không phải xã hội chi phối giáo dục. Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước đi trước về giáo dục đều giải quyết những vấn đề đó, họ thấy được tầm quan trọng của giáo dục.
TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với phóng viên về chất lượng đội ngũ người thầy trong giai đoạn hiện nay. Theo ông, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì yếu tố người thầy không thể thiếu và cần sớm muộn phải đào tạo lại. Ảnh Xuân Trung |
Hiện nay chúng ta đang nói giáo dục toàn diên: nhà trường không chỉ dạy chữ, trao kiến thức mà còn bồi dưỡng nhân cách của người học. Có hai yếu tố để bồi dưỡng: Thứ nhất, không ai có thể thay thế người thầy, nếu chỉ tri thức không thì Internet có thể hỗ trợ, nhưng còn đánh vào tình cảm để tác động chuyển hóa những nhận thức thành hành vi, thành những việc làm cụ thể thì người thầy đảm nhận công việc này.
Sách vở không thay được ông thầy, Internet không thay được ông thầy và như thế vai trò của ông thầy càng lớn. Nước ngoài cho phép gia đình tự dạy lấy con nhưng đâu có phải làm được mãi? Quan điểm của tôi là không thay thế được ông thầy.
Đánh giá năng lực thực chất của người thầy hiện nay, tỉ lệ người thầy giỏi có còn nhiều không thưa ông?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Hiện nay bảo ít học sinh đi thi sư phạm vì sao? Vì không chịu được ảnh hưởng từ ông thầy, ngày xưa thế hệ của chúng tôi hình ảnh người thầy chiếm soán hết trong tâm tưởng của mỗi học sinh, thần tượng của học sinh ngày xưa chính là những người thầy, lúc đó làm gì có Internet, làm gì có phim ảnh mà chỉ có hình ảnh của ông thầy.
Nhưng số ông thầy giỏi hiện nay ít vì không có người giỏi vào sư phạm vì không có các chế độ, không cho phép người thầy lăn lộn với nghề.
Chưa có điều tra khoa học nào về tiêu chuẩn phát triển nghề nghiệp cho toàn thể đội ngũ nhà giáo ở tất cả các ngành học, cấp học. Tuy vậy bằng thực tế quản lý của các trường học phổ thông tôi có phân loại đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy ở các trường phổ thông thành 4 loại:
Loại 1: Những nhà giáo giỏi chuyên môn có năng lực sư phạm luôn chủ động sáng tạo, say mê yêu nghề, trong điều kiện nào họ đều là người đi đầu kiên trì đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy luôn lôi cuốn khích lệ học sinh. Họ luôn là những nhà giáo mẫu mực, thực hiện lời dạy chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
Loại 2: Những nhà giáo có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nhưng không nhiệt tình, không tự giác, không say mê với nghề như loại 1. Họ có thể làm tốt tùy hoàn cảnh không thường xuyên.
Loại 3: Năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm còn có nhiều hạn chế nhưng về mặt ý thức họ là người nghiêm túc cố gắng làm hết sức mình nhưng kết quả giảng dạy, giáo dục đều không đạt đến điều mong muốn, không thể đáp ứng nổi yêu cầu “đổi mới toàn diện, triệt để giáo dục” hiện nay.
Nếu loại 1 và 2 chỉ chiếm số ít trong các nhà trường, loại 3 là loại chiếm số đông ở các nhà trường
Loại 4: là loại nhà giáo có hạn chế cả về năng lực lẫn phẩm chất hoặc có năng lực nhưng phẩm chất kém. Tham gia tạo ra những tiêu cực cho ngành nhiều hơn là đóng góp tích cực. Loại nhà giáo này tuy không nhiều trong mỗi nhà trường nhưng phải sớm được thanh lọc khỏi các nhà trường.
Nên 4 loại nhà giáo trong các nhà trường hiện nay, để thấy ngành giáo dục đào tạo phải sớm có cơ chế chính sách khích lệ, quản lý thế nào để loại 2 nhanh chóng thành loại 1 và phải tổ chức đào tạo lại, trang bị lại kiến thức, phương pháp cho số đông nhà giáo ở loại 3. Chúng ta mới có thể thực hiện yêu cầu “đổi mới toàn diện, triệt để” mới tạo chất lượng bền vững cho giáo dục Việt Nam.
Đừng là thế hệ người thầy “ngoan ngoãn”
Như ông đã phân thành 4 loại đội ngũ nhà giáo, vậy những hạn chế ở đây được nhìn nhận như thế nào thưa ông?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Có 3 hạn chế cơ bản. Thứ nhất: Số đông nhà giáo chưa thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp của mình: đó những người luôn khát khao học hỏi, luôn mong muốn làm giàu tri thức khoa học, tri thức đời sống cho bản thân, luôn là tấm gương, là “thần tượng” của học trò. Họ luôn là tấm gương sống về học suốt đời, luôn chủ động sáng tạo khi tiếp cận mọi đối tượng học sinh.
Nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy, mình giáo dục. Những nguyên tắc, phương pháp giáo dục giáo viên ít chú ý vận dụng tính thực tế. Đặc biệt phải từ thực tiễn giảng dạy, giáo dục mỗi người lại tự đúc rút cho mình những bài học kinh nghiệm, tự nâng cao năng lực trình độ. Điều này số đông giáo viên ít quan tâm, ít làm được.
Có thể trong nhà trường sư phạm bộ môn Tâm lí giáo dục đã không được coi trọng, chưa được coi là môn chính để đào tạo tay nghề cho giáo viên mà chỉ được đối xử như một môn chung như: Lịch sử Đảng, triết học… Khi ra trường rồi, các trường phổ thông lại không đào tạo, chỉ trông chờ giáo viên tự học.
Thứ hai: Số đông nhà giáo mắc bệnh nghề nghiệp: chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa (mặc dù nó đã lạc hậu cả về khoa học lẫn thực tiễn) không gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng coi thường những đóng góp của đồng nghiệp, khó chịu với những thắc mắc của học sinh. Luôn nói nhiều, không chịu lắng nghe, luôn đổ lỗi cho học sinh, cho cha mẹ học sinh và nhà trường, đồng nghiệp, còn bản thân luôn cho là hoàn hảo.
Thứ ba: Số đông giáo viên chưa thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục là do coi thường những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc cơ quan quản lí giáo dục tổ chức. Cũng có lỗi của người tổ chức là chưa thiết thực, còn hình thức, số đông giáo viên không coi trọng nghề của mình bằng chính việc không thực hiện được tính chuyên nghiệp của nghề giáo, dễ tự do tùy tiện, ngẫu hứng, không chịu theo những qui trình chuẩn mực chặt chẽ. Tùy tiện khác xa với linh hoạt và sáng tạo của nghề giáo.
Hạn chế đã quá rõ nhưng theo quan điểm riêng của ông chúng ta cần làm gì để “sốc” lại đội ngũ còn yếu kém này?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Việc đánh giá ông thầy không chỉ ở đạo đức mà ông thầy phải có tay nghề. Chúng ta phải tạo ra những thế hệ nhà giáo có tay nghề làm việc hết sức chuyên nghiệp, đủ năng lực đáp ứng đổi mới giáo dục chứ không phải là một thế hệ những ông thầy “ngoan ngoãn” mà không thay đổi được học trò.
Quan điểm của tôi là phải bồi dưỡng lại 100% đội ngũ về mặt tay nghề, cách bồi dưỡng cũng phải thay đổi, dùng người giỏi để bồi dưỡng, không phải chỉ bồi dưỡng lí thuyết. Hiện nay chúng ta bồi dưỡng giáo viên vẫn là bồi dưỡng lí thuyết chứ không phải tay nghề, nói là đổi mới thì phải dạy cho người ta tay nghề, xem là có làm được với chương trình đó không.
Khoảng 5 năm lần lượt bồi dưỡng và thay đổi dần và cấp chứng chỉ cho những nhà giáo đạt, khi có chứng chỉ phải có chế độ lương khác, nâng lương đúng cho những người làm được thì mới khuyến khích người thầy lao vào chuyên môn.
Phương pháp bồi dưỡng giáo viên là phương pháp trồng cây, tôi đưa những nguyên vật liệu cho anh, để anh tự thẩm thấu, tự lớn, đấy là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Ông thầy phải luôn luôn tự học, tự thay đổi mình chứ không phải “nhúng” qua lớp nọ, lớp kia là xong.
Hơn nữa, cơ chế cũng cần thay đổi, giáo viên giỏi phải dạy trực tiếp 50% thời gian ở cơ sở, 50% thời gian cho việc đào tạo bồi dưỡng tay nghề giáo viên của ngành. Theo đó, phải được phụ cấp giáo viên cốt cán, kinh phí đi học nâng cao trình độ, dự hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong ngoài nước, ưu đãi khen thưởng những giáo viên làm tốt công tác bồi dưỡng.
Quan trọng hơn, giáo viên là người được hưởng lương cao trong các ngành sự nghiệp. Đặc biệt, các nhà trường được quyền chủ động trả thêm lương cho những giáo viên giỏi hoàn thành các nhiệm vụ ngoài việc giảng dạy: làm công tác chủ nhiệm, tổ trưởng… Dạy Giá trị sống, kỹ năng sống, hướng nghiệp…
Lấy người giỏi để dạy người giỏi
Thưa ông, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thì các cơ sở giáo dục, nhất là các trường Sư phạm hiện nay cần có nhiệm vụ như thế nào?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Đối với các trường Sư phạm cần tăng cường dạy khoa học Tâm lý giáo dục cho sinh viên. Xây dựng quy trình, nội dung đào tạo tay nghề cho sinh viên thành một học phần có trọng tâm, hiệu quả. Tăng cường thời gian thực tập sư phạm ở trường phổ thông trọn vẹn học kỳ 1 và sử dụng các giáo viên giỏi các trường phổ thông làm giảng viên kiêm nhiệm của các trường sư phạm để hướng dẫn tay nghề cho sinh viên. Sinh viên chưa có tay nghề không được tốt nghiệp.
Hiện nay nhiều người vẫn nói rằng, sinh viên sư phạm ra trường mặc dù rất yêu nghề nhưng hầu hết năng lực hạn chế. Ông có nhận định gì về thực trạng này?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho đấy là một lí do, ngoài ra lương thấp, làm việc không có hiệu quả, làm việc áp lực và họ cảm thấy không thích nghề sư phạm, không thích thì không say mê, không say mê thì không đổ công sức vào đó.
Hiện nay chúng ta đào tạo giáo viên chỉ nặng về đào tạo khoa học cơ bản để ra đi dạy, còn tay nghề giáo viên được bồi dưỡng rất ít. Chỉ được bồi dưỡng qua ba nấc: Học một chương trình tâm lí giáo dục chung mà hiện nay chương trình nay học như Lịch sử Đảng hay các môn chung khác lại bị co giờ lại thì cực kì nguy hiểm.
Đây là môn sẽ phát triển nghiệp vụ, đáng nhẽ phải coi đó để phát triển trọng điểm thì lại co lại. Thứ hai, những giờ về phương pháp giảng dạy của bộ môn thường không được đầu tư những giáo sư giỏi. Quan điểm của tôi là lấy người giỏi để dạy nghề.
Thứ nữa, thời gian đi thực tập quá ít, chỉ có 2 tháng sau tết, sinh viên chỉ dạy được vài tiết còn trước đó sinh viên đi kiến tập cứ chạy ào ào.
Với ba tình trạng này dẫn đến không có người giỏi vào sư phạm, học kiến thức khoa học của từng môn đã quá vất vả rồi lại còn học tay nghề nữa thì chết. Phải đề cao vai trò của người sư phạm. Với ba nội dung ở trường phổ thông và cộng với việc sinh viên sư phạm không được tuyển chọn thành ra chất lượng tay nghề sinh viên ra trường rất khó đáp ứng được với yêu cầu. Hạn chế của sinh viên đầu tiên khi mới ra trường là khoa học cơ bản không phải là người thành thạo, chưa kể học ôm đồm quá.
Trong nhà trường sư phạm sinh viên không được rèn luyện theo hướng thực hành, theo hướng gắn với đời sống nên nếu phần này ở SGK mới sẽ đòi hỏi thì người giáo viên sẽ không có năng lực hướng dẫn.
Nhưng theo tôi còn một cái yếu quan trọng nhất là những nhà giáo viên nào rồi cũng thành những nhà giáo dục, muốn giáo dục được thì phải rất thạo về tâm lí giáo dục, có năng lực quan sát con người, có năng lực lắng nghe, có năng lực trò chuyện với học sinh. Tất cả những năng lực đó sinh viên sư phạm chúng ta gần như không được trang bị tí nào.
Đây là những kĩ năng mềm thuộc từng loại nghề nghiệp thì chúng ta lại không được chú ý đào tạo.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Xuân Trung