Một lối thoát cho giáo dục Việt Nam

06/09/2013 16:19
Theo Vietnamnet
(GDVN) - Tiến sĩ Giáp Văn Dương tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ hóa học ĐH Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo); từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore…Cuối năm 2012, “công dân toàn cầu” này lại quyết định trở về Việt Nam thực hiện hai dự án là xây dựng tủ sách chuyên gia và cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà. Phóng viên trò chuyện với TS Giáp Văn Dương về những câu chuyện của giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới.
Phần 1:MOOCs là một cuộc cách mạng giáo dục

Tại sao anh từ bỏ công việc ở các nước tiên tiến để trở về Việt Nam?

Tôi có mấy cách trả lời thế này, chị chọn cách nào cũng được (cười).

Thứ nhất: Vì tôi thích vậy.

Thứ hai: Vì tôi đi đã lâu, nay muốn trở về đất nước mình.

Thứ ba: Vì tôi cho rằng nếu tôi làm giáo dục đến nơi đến chốn thì sẽ có đóng góp lớn hơn so với việc tiếp tục nghiên cứu chuyên môn. Số các nhà Vật lý ở Việt Nam đã rất nhiều. Nhưng số nhà giáo dục am hiểu các nền giáo dục bên ngoài, và bắt nhịp được với các trào lưu giáo dục mới của thế giới còn rất ít. Việt Nam đang rất cần những người làm giáo dục nghiêm túc và sáng tạo. Giáo dục cần có những chuyển động mới.

Thứ tư: Vì tôi muốn đưa tri thức thế giới về Việt Nam.

Trong các bài viết của anh luôn có sự băn khoăn, day dứt về vai trò của người trí thức. “Hành động” mở trường của anh có phải là một lời kêu gọi không nói nữa, mà hãy bắt tay vào làm?

TS Giáp Văn Dương
TS Giáp Văn Dương

MOOCs (massive open online courses): "Cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà".


- Tôi viết bài báo phổ thông đầu tiên vào ngày 2/4/2009. Đó là một bài báo về giáo dục. Đến nay đã được bốn năm. Trong bốn năm đó, tôi đã viết thêm hàng chục bài báo, ý kiến, phản biện, bình luận về giáo dục khác nữa. Mà không chỉ có mình tôi viết, hàng chục người khác cũng như vậy. Nhưng chị biết đấy, tình hình cũng không có cải thiện gì đáng kể.

Khi đó tôi tự hỏi: Vậy làm sao bây giờ? Tiếp tục lên tiếng? Tiếp tục viết bài thảo luận và kiến nghị? Tất nhiên, việc đó là cần thiết, và nên tiếp tục. Nhưng nếu chỉ như vậy thì không đủ.

Vì thế, tôi mới đưa ra một giả định: Rất có thể bản thân các nhà quản lý giáo dục cũng muốn thay đổi, cũng muốn cải cách cho tốt hơn, nhưng họ bận bịu quá nhiều thứ, và đặc biệt, là chưa nhìn thấy một hình dung rõ ràng, một mô hình đối chứng thuyết phục. Trong hoàn cảnh đó, họ sẽ rất e ngại, vì nếu thay đổi, thì thay đổi về đâu, theo hướng nào… là điều hoàn toàn không rõ ràng.

Chẳng hạn, nhiều chương trình đào tạo bậc đại học đã rất lạc hậu, cần phải thay đổi. Chương trình khung đã được duyệt chi tiết đến từng bài học. Nhưng chương trình mới như thế nào, bao gốm những nội dung gì, họ không hình dung được rõ ràng. Vì thế, việc giới thiệu một chương trình mới hoàn chỉnh, hiện đại, đang được thế giới sử dụng, để cho mọi người cùng tham khảo, cùng sử dụng như một sự bổ trợ, là việc rất cần thiết.

Khi đó, mỗi người, trong đó có các nhà quản lý, giảng viên và sinh viên, sẽ hình dung được: À ra vậy, cũng là môn học này, nhưng bên ngoài họ dạy thế này, còn ta thì dạy thế này, vậy là ta kém hơn họ, lệch nhau một khoảng, cần điều chỉnh; hoặc trong trường hợp khác, thấy ta cũng tương đương họ, thì yên tâm đi tiếp mà chưa điều chỉnh vội.

Rõ ràng khi có một đối chứng như vậy, thì việc thay đổi sẽ dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều.

Giờ trở lại chuyện trí thức nên nói hay nên làm, thì tôi cho rằng cả hai đều cần thiết. Nói, thực ra cũng là làm đối với người trí thức. Nhưng trong hoàn cảnh hiện giờ, tôi cho rằng, làm quan trọng hơn. Vì chúng ta nói đã quá nhiều rồi mà không tạo ra kết quả nào đáng kể. Bây giờ là lúc cần những hành động cụ thể, bên cạnh việc chỉ góp ý và bình luận.

Nếu không thể có một sự thay đổi từ bên trên xuống như mong đợi, thì chỉ còn sự thay đổi từ dưới lên là khả dĩ. Mà một sự thay đổi từ dưới lên, tuy mất nhiều thời gian hơn, nhưng bao giờ cũng bền vững hơn, vì đó là nhu cầu thật của cuộc sống, chứ không phải là một áp đặt quan liêu, hành chính từ trên xuống.

Trải nghiệm nhiều giáo dục hiện đại trên thế giới, anh đã “kết luận” như thế nào để cho ra đời GiapSchool?

- Chứng kiến sự phát triển của giáo dục quốc tế hơn mười năm qua, tôi cho rằng MOOCs thực sự là cuộc cách mạng giáo dục. Trong suốt mấy ngàn năm, năng suất lao động trong giáo dục hầu như không thay đổi. Mấy nghìn năm trước, một thầy dạy vài chục trò, thì nay cũng vẫn như vậy. Nhưng khi MOOCs ra đời thì câu chuyện trở nên khác hẳn. Lần đầu tiên, một thày có thể dạy hàng trăm nghìn sinh viên cùng một lúc. Như khóa học “Nhập môn trí tuệ nhân tạo” của Sebastian Thrun và Peter Norvig (Đại học Standford) năm 2011, có đến 160 nghìn người đăng ký tham gia.

Chính con số 160 nghìn này làm cho các Thrun và Norvig sững sờ nhận ra rằng, số lượng sinh viên mình dạy cả một đời trong đại học cũng không bằng số sinh viên của một khóa học mở này. Đó chính là lý do vì sao mà Sebastian Thrun và Peter Norvig đã tiên phong trong việc phát triển MOOCs.

Giờ đây, chỉ cần nối mạng internet là bất cứ ai cũng có thể tham gia các khóa học do các giáo sư nổi tiếng, của các trường đại học danh tiếng giảng dạy. Đó là cách mạng, là cơ hội rất lớn cho người nghèo, người đến từ các nước đang phát triển.

Với các giáo sư, sự ra đời của MOOCs cũng làm xuất hiện thêm một cách đánh giá mới. Đã xuất hiện nhóm các giáo sư có hàng triệu sinh viên theo học. Trong lịch sử giáo dục, lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng này, cũng do MOOCs.

Như vậy, theo tôi, MOOCs là cuộc cách mạng mới trong giáo dục, là trào lưu giáo dục sôi động nhất trên thế giới hiện giờ. Tuy nhiên, MOOCs còn phải vượt qua rất nhiều hạn chế đã bộc lộ để có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.

Còn việc GiapSchool ra đời, tôi cho rằng đây là một sự bắt nhịp với trào lưu phát triển chung của giáo dục thế giới. Đặc biệt, khi Việt Nam đang rất cần một sự chuyển mình trong giáo dục, một cuộc cải cách thực sự, thì MOOCs, cùng với sách giáo khoa, chương trình… thực sự là một lối thoát.

Tên trường là GiapSchool – Việc này thể hiện điều gì? Có phải anh tự tin sẽ là người đưa đường dẫn lối?

- GiapSchool lấy cảm hứng từ Khanacademy, khi Khan cho thấy rằng, một cá nhân, nếu đủ muốn thì vẫn có thể có đóng góp đáng kể cho giáo dục. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm hứng ban đầu. Còn cách tổ chức và triển khai GiapSchool thì khác rất nhiều. Đó là sự lai tạo giữa Khanacademy và MOOCs, cộng với sự sáng tạo riêng rất khác biệt của GiapSchool từ phần phổ thông trung học trở xuống.

Ngoài ra, tôi chọn tên trường là GiapSchool để thể hiện tính tự chịu trách nhiệm của tôi cho việc mình làm, vì nó gắn với danh tính của mình. Qua đó tôi cũng muốn khuyến khích các bạn trẻ bước ra khỏi đám đông để sáng tạo, để thể hiện mình và tất nhiên là kèm theo việc tự chịu trách nhiệm với việc làm đó.

Còn tự tin thì tất nhiên rồi. Không ai có thể làm một việc như thế nếu không đủ tự tin. Nếu không đủ tự tin thì chắc là hoang tưởng (cười).

Người Việt có “tật xấu” là hay nghĩ “miễn phí” sẽ đi kèm với điều kiện”. Việc cung cấp tri thức miễn phí của Giapschool có đi kèm với điều kiện nào không, thưa anh?

- Tôi không có điều kiện gì cả. Tất cả đều mở và hoàn toàn miễn phí. Anh thích thì học, không thích thì thôi. Không ai kiểm soát và bắt buộc. Nếu có một sự kiểm soát gì ở đây, thì đó chỉ là kiểm soát chất lượng của chương trình học.

Khi đã học, nếu anh thích thì đăng ký để có học bạ, không thích thì thôi, anh vẫn học được, nhưng không có xác nhận về tiến trình.

Tôi tự do trong việc dạy, anh tự do trong việc học. Không ai ràng buộc ai cả. Mỗi người tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm với mình về lựa chọn đó.

Phần 2: Càng nhiều bằng cấp càng thêm rắc rối

Theo Vietnamnet