Đề án chính quyền đô thị - Lợi ích người dân là trọng tâm của phát triển đô thị:

"Không có chỗ cho các cán bộ công chức ngồi không ăn lương"

09/09/2013 07:07
Ngọc Luân
(GDVN) -  Không có chỗ cho người ngồi không ăn lương. Cán bộ công chức nào nằm trong bộ máy cũng phải biết rõ nhiệm vụ, chức năng của mình và hiểu rõ mình được trả lương để làm việc gì.
Siêu đô thị TP HCM
Siêu đô thị TP HCM

Đó chính là bản chất của chính quyền của dân, do dân, vì dân. Và, mục tiêu cuối cùng của đề án chính quyền đô thị mà TP. HCM đang tích cực xây dựng, cũng  không nằm ngoài ý nghĩa đó: phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

Sự cần thiết thực hiện thí điểm chính quyền đô thị; Định hướng và nội dung chủ yếu của mô hình tổ chức chính quyền đô thị; Những lợi ích mà người dân được hưởng từ mô hình chính quyền đô thị - là 3 nội dung trọng tâm của chương trình tọa đàm “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TP. HCM phối hợp cùng Đài Truyền hình TP. HCM tổ chức vào ngày 8/9, với chủ đề “Xây dựng chính quyền đô thị - Yêu cầu từ thực tiễn”.

Cùng tham gia chương trình còn có Đoàn đại biểu Quốc hội  TP.HCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở ngành liên quan và đại diện cử tri thành phố.

"Không có chỗ cho người ngồi chơi ăn lương"

Với tư duy đột phá về “pháp nhân công quyền”, nội dung cơ bản của đề án Chính quyền đô thị TP. HCM hứa hẹn sẽ mang lại chất lượng dịch vụ công tốt hơn cho dân. Chính quyền đô thị là mô hình quản lý mà thành phố đã nung nấu, tâm huyết theo đuổi đề xuất thực hiện từ hơn 10 năm nay. Yêu cầu khách quan này xuất phát từ những rào cản, bất cập lớn trong công tác quản lý mà chính quyền TP. HCM gặp phải trong thực tiễn.

Ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ, Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP. HCM, nhìn nhận: “Cơ chế của chính quyền TP. HCM hiện vẫn giống như các địa phương khác trong cả nước, trong khi TP. HCM là một đô thị đặc biệt, một đô thị có tốc độ phát triển rất cao vì vậy đòi hỏi phải có một mô hình quản lý đặc thù.

TP. HCM không thể bứt phá để phát triển vì bị trói buộc bởi những quy định dọc, ngang của cơ chế, trong đó có nhiều quy định lỗi thời, không phù hợp với sự phát triển của một đô thị lớn như TPHCM.”  

Ông nói thêm: “Khi có được hệ thống điều hành quản lý thích hợp, mang tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao sẽ tạo sức bật lớn để thành phố phát triển tăng tốc, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.”

Mục tiêu chính của mô hình chính quyền đô thị được cho là sẽ nâng cao quyền tự chủ, tái bố trí địa giới hành chính, thay đổi phương thức phân cấp nhằm củng cố các cơ sở cần thiết cho một chính quyền thật sự của dân, đồng thời thay đổi tư duy, phương thức điều hành của cán bộ, công chức.

Trong buổi đối thoại này, phần lớn các cử tri đều bày tỏ băn khoăn của mình xung quanh những vấn đề như: quyền lợi của người dân được thể hiện thông qua các cơ quan dân cử ra sao; bộ máy nhân sự trong mô hình chính quyền đô thị, và đặc biệt là họ rất quan tâm đến tính hiệu quả của đề án này cũng như chất lượng an sinh xã hội của người dân. 

Theo TS Trần Du Lịch, mô hình chính quyền đô thị không có chỗ cho người ngồi chơi ăn lương. Vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM này phân tích: “Với mô hình này, kỳ vọng rằng sự năng động, sáng tạo của UBND TP HCM sẽ được nâng lên 5 lần so với hiện nay. Khi đó, phúc lợi của người dân sẽ được tăng lên và chúng ta có đủ điều kiện để thay đổi nền hành chính từ tính chất quản lý sáng tính chất phục vụ người dân. Tiêu chí phục vụ dân, thỏa mãn người dân là tiêu chí lớn nhất để đánh giá chất lượng bộ máy”

ĐBQH - TS Trần Du Lịch: Không có chỗ cho người ngồi chơi ăn lương
ĐBQH - TS Trần Du Lịch: Không có chỗ cho người ngồi chơi ăn lương

Hiện nay, việc thiếu rõ ràng trong phân định giữa chức năng quản lý nhà nước theo lãnh thổ với quản lý nhà nước theo chuyên ngành cũng dẫn đến tình trạng có những việc nhiều cơ quan cùng làm, thậm chí là “xâm lấn quyền hạn” trong khi nhiều việc buông lỏng, không ai làm hoặc làm không đầy đủ. Chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức còn rất nhiều chồng chéo, trùng lắp, chưa rõ ràng, thậm chí còn hạn chế lẫn nhau trong quản lý

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết: “Trong đề án này, về nguyên tắc không gian phát triển của thành phố không thay đổi, nhưng tất nhiên chúng ta sẽ phải thay đổi quy hoạch, sắp xếp lại trật tự quản lý, chỉnh trang đô thị và bố trí lại dân cư… để làm sao chúng ta có thể huy động được mọi nguồn lực cho phát triển.”

Tuy vậy, mặt khác rất nhiều cử tri đã bày tỏ những quan ngại về những tác động lớn đến đời sống của người dân khi triển khai đề án này.

Chủ trì buổi tọa đàm, Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP. HCM nhấn mạnh: “Đề án này xuất phát từ tình hình thực tiễn của thành phố. Đổi mới một mô hình về quản lý nhà nước dĩ nhiên sẽ phải có những xáo trộn, vì thế đòi hỏi phải có những tính toán chặt chẽ, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”.

Bà Tâm tự tin nhận định: “Chính quyền đô thị là một mô hình mới, còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng nếu chúng ta xây dựng thành công sẽ giúp thành phố giải quyết được những khó khăn, bất cập, cản trở động lực phát triển của giai đoạn hiện nay”. 

Siêu đô thị TP. HCM

TP. HCM hiện có 19 quận và 5 huyện, với tổng dân số gần 10 triệu người, là một trong 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Đây cũng là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông giao lưu trong nước và thế giới, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của cả nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, đề án chính quyền đô thị sẽ như là một giải pháp tối ưu để cởi trói cho con rồng này bay lên.

Theo đó, đề án chính quyền đô thị sẽ tạo ra những đổi mới lớn, mà điểm đột phá đầu tiên là TP.HCM sẽ được tổ chức thành chuỗi đô thị với 13 quận nội thành là đô thị trung tâm và các khu vực còn lại sẽ hình thành 4 thành phố vệ tinh: Đông – Tây – Nam – Bắc có các chức năng phát triển khác nhau với mô hình “thành phố trong thành phố”.

Mô hình tổ chức trong dự thảo
Mô hình tổ chức trong dự thảo

Đề án chỉ rõ: với mức độ đô thị hóa như hiện nay TP. HCM sẽ hình thành và phát triển theo hướng chia thành 3 địa bàn gồm: khu đã đô thị hóa, khu đang đô thị hóa và khu nông thôn trong đô thị. Bộ máy chính quyền đô thị có thể được tổ chức thành 2 cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp TP. HCM và cấp 4 thành phố vệ tinh trực thuộc TP. HCM.

Một trong những điểm nhấn chính của đề án này là: hệ thống quản lý hành chính được tổ chức gồm 2 cấp so với 3 cấp hiện tại là: cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở, riêng địa bàn nội thành 13 quận hiện hữu chỉ còn 1 cấp chính quyền.

Thành phố sẽ có 4 thành phố vệ tinh được quy hoạch chặt chẽ với các ngành nghề mũi nhọn được tập trung phát triển, có bộ máy quản lý hành chính chuyên nghiệp, tinh gọn với đội ngũ công chức có năng lực cao, phục vụ cho lợi ích của công dân, tổ chức và doanh nghiệp; huy động tối ưu mọi nguồn lực nhằm xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cũng theo ông TS Trần Du Lịch, trong chính quyền đô thị, hầu hết dịch vụ liên quan đời sống người dân như giao thông, đô thị, vệ sinh, an toàn thực phẩm, môi trường, y tế, phúc lợi giao hết cho địa phương chứ trung ương không can thiệp.

“Tất cả đều rạch ròi để khi xảy ra một việc gì, thì người dân biết rằng trách nhiệm thuộc về thành phố, không có chuyện lảng tránh trách nhiệm. Đừng như hiện nay, xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm thì đổ qua đổ lại, không ai chịu nhận trách nhiệm”, ông Lịch nêu ví dụ cụ thể.

Được biết, theo kế hoạch, ngày 12/9, đề án thí điểm chính quyền đô thị của TP. HCM sẽ được lấy ý kiến Chính phủ và các Bộ, ngành tại Hà Nội. Đoàn công tác của TP HCM sẽ do ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn. TS Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM và ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP. HCM chịu trách nhiệm trả lời, giải trình về những vấn đề mà Trung ương đặt ra.

Ngọc Luân