|
33 năm làm nghề mặt nạ giấy bồi, đã có lúc ông Hòa đã gặp khó khăn khi người tiêu dùng không chọn đồ chơi truyền thống. Nhưng trong 6 - 7 năm gần đây, người dân đã quay lại và chọn mặt nạ giấy bồi nhiều hơn trong mỗi dịp Tết trung thu. |
Là nghề truyền thống của cha ông để lại, bằng lòng yêu nghề và tự hào vợ chồng ông Hòa đã cố gắng theo nghề làm mặt nạ giấy bồi hơn 30 năm nay. “Có giai đoạn (năm 1993) thị trường đồ chơi Trung Quốc đổ về Việt Nam, thời gian đó gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi mặt nạ giấy bồi làm ra không bán được. Nhưng rồi cứ cố gắng bám lấy nghề, trong vài năm gần đây mặt nạ giấy bồi lại được nhiều người mua và quan tâm” – Ông Hòa chia sẻ.
Đến thăm nơi làm việc của gia đình ông Hòa, ngôi nhà nằm trên tầng 3 với 2 phòng nhỏ. Trong đó 1 phòng là chỗ nghỉ ngơi và để những chồng mặt nạ giấy bồi chuẩn bị xuất đi, phòng bên là nơi gián giấy ngổn ngang với nhiều đồ đạc để làm nghề. Một không gian làm nghề không lẫn vào đâu được, những chiếc mặt nạ mới xong công đoạn gián giấy, hay đang tô màu dở dang….được phơi la liệt trước cửa nhà và ngoài hiên. Trên nền nhà, cầu thang, mái hiên… cũng đều có vết dính của màu sơn.
Hiện nay, 2 vợ chồng ông Hòa là những người duy nhất còn làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội. Hơn 20 mẫu mặt lạ hình: trâu, ngộ không, thị nở, thằng hề… do chính đôi bàn tay khéo léo của 2 vợ chồng ông tạo ra. Tuy có nhiều sản phẩm mặt nạ nhái lại các sản phẩm của gia đình ông nhưng vẫn còn kém xa về chất lượng, màu sắc, mẫu mã…
Vào mỗi dịp Trung thu, ghé qua các cửa hàng ở Hàng Mã, Hàng Lược… bên cạnh nhưng đồ chơi truyền thống khác như: đèn ông sao, trống tay, đèn kéo quân thì người mua không khó để tìm thấy những chiếc mặt nạ giấy bồi của gia đình ông Hòa. Mỗi năm khi Trung thu đến gia đình ông lại bán ra thị trường hơn 2000 chiếc mặt nạ giấy bồi. Mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi có giá giao động từ 25.000 – 50.000 đồng.
|
Không gian để làm nghề của gia đình ông Hòa tuy có nhỏ nhưng ở đây lại chứa đựng một tình yêu nghề, một niềm tự hào rất lớn về nghề truyền thống của gia đình – làm mặt nạ giấy bồi. |
|
Bằng sự kế thừa và tìm tòi, tới nay nhà ông Hòa đã có thể tạo ra 21 mẫu hình mặt nạ giấy bồi khác nhau như: Ngộ không, trâu, hổ, thị nở… |
|
Bột sắn nấu chín là chất kết dính giữa những lớp giấy lại với nhau để tạo ra hình mặt nạ như khuân. |
|
Tỉ mỉ, khéo tay.. trong từng chi tiết để đưa giấy vào khuân sao cho tạo được những đường nét giống với hình khuân. Mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi phải đảm bảo ít nhất 6 - 7 lớp giấy để tạo độ cứng cáp. |
|
Căn phòng nhỏ với ti tỉ đồ đạc và vật phẩm để làm ra chiếc mặt nạ giấy bồi này. |
|
Mặt nạ giấy bồi sau khi hoàn thiện công đoạn thô phải được phơi nắng tự nhiên chứ không được dùng máy sấy, vì dùng máy sấy sẽ làm cong và biến dạng mặt nạ. |
|
Mặt nạ giấy bồi được phủ bằng lớp sơn tổng hợp. Cách pha màu cũng đòi hỏi sự chính xác cao mới tạo được màu tươi và đẹp cho mặt nạ. |
|
Những sản phẩm mặt nạ giấy bồi của gia đình ông Hòa được nhiều người biết đến bởi mẫu mã đẹp và màu sắc rực rỡ… |
|
Những đứa trẻ trong khu phố cũng thường xuyên đến nhà ông Hòa để chơi và đùa nghịch cùng những chiếc mặt nạ gián giấy. |
|
“Được nhìn thấy trẻ nhỏ đeo những chiếc mặt nạ do chính mình làm ra tôi thấy phấn khởi và thích lắm” – Ông Hòa chia sẻ những lời tâm huyết với niềm đam mê nghề truyền thống của gia đình. |
Trần Kháng