Câu chuyện về 81 ngày đêm trong mùa hè lịch sử bên dòng sông Thạch Hãn

17/09/2013 10:55
Trần Lê - Xuân Hoà
(GDVN) - Dòng sông Thạch Hãn được mệnh danh là cái "cối xay thịt" người trong 81 ngày đêm trong mùa hè đỏ lửa 1972 và để lại bao chiến tích của quân và dân ta.
Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng lịch sử không thể nào quên những ngày hè của năm 1972 máu lửa, hàng ngàn chiến sĩ đã bất chấp hiểm nguy, bí mật vượt sông Thạch Hãn để lập nên những chiên công hiển hách. Đã không biết bao nhiêu người trong số họ đã vĩnh viễn hóa thân cùng sông núi cỏ cây nơi thành cổ ác liệt này...
Đã bao lần tìm về với mảnh đất lịch sử nhưng lắng lại trong lòng tôi vẫn là những tâm trạng khác nhau. Còn nhớ  mấy câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm”… 

Dòng sông Thạch Hãn đã trải qua nhiều chiến tích lịch sử hào hùng và cũng đầy bi thương của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm
Dòng sông Thạch Hãn đã trải qua nhiều chiến tích lịch sử hào hùng và cũng đầy bi thương của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm

Sông Thạch Hãn là con sông dài và đẹp nhất tỉnh Quảng Trị. Sông bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn. Dòng sông chảy từ hướng Đông và Đông Bắc, gặp sông Rào Quán lại chảy về hướng Đông rồi ngược lên phía Bắc, nhập với sông Cam Lộ tại ngã ba Dã Độ rồi lại quay về hướng Đông, đổ ra cửa Việt Yên.

 Không chỉ từ xưa mà cho đến cả bây giờ, sông Thạch Hãn vẫn là mạch máu giao thông đường thủy rất quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Sông Thạch Hãn còn là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, dòng sông mang sứ mệnh lịch sử ấy chứa biết bao nhiêu máu xương của chiến sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập tự do của tổ quốc. 

Về Thạch Hãn trong một buổi chều mưa của tiết trời tháng 8 sừng sững trước mắt tôi là tượng Đài Mai Quốc Ca, ghi dấu cuộc chiến đấu của các anh- những chiến sỹ trẻ làm sống dậy tinh thần đấu tranh quật cường trong thời chiến. Tượng đài tọa lạc bên bờ Bắc in bóng xuống dòng Hãn, là tượng đài mô phỏng 20 giọt máu của trung đội Mai Quốc Ca. 

Gần 40 năm trôi qua, thời gian gần một nữa đời người nhưng những câu chuyện về các anh, những người lính dũng cảm hiến dâng tuổi xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn sống mãi trong lòng những người dân nơi đây,… Ngược dòng lịch sử tìm về với những chiến công vang dội, người cựu chiến binh năm xưa Lê Văn Thắng đã kể cho tôi nghe những trận đánh ác liệt, những cái chết lặng lẽ bên dòng sông một thời… Nhập một chén trà, với khuôn mặt trầm kha giọng ông trầm bỗng nhớ lại ký ức năm xưa:

Tượng đài tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ Trung đội Mai Quốc Ca vào năm 1972
Tượng đài tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ Trung đội Mai Quốc Ca vào năm 1972

Đêm mùng 9 rạng sáng mùng ngày 10/4/1972, Trung đội quân giải phóng mang tên trung đội trưởng Mai Quốc Ca gồm 20 chiến sĩ thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 do Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa chỉ huy. Các anh đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng cùng chung một nhiệm vụ là mang 100 kg bộc phá, thọc sâu chiếm giữ và đánh sập cầu Quảng Trị, nhằm cắt đường viện trợ của địch từ phía Nam ra các căn cứ quân sự ở Ái Tử, Đông Hà; tạo điều kiện để các cánh quân của ta tiêu diệt lực lượng mạnh nhất của địch ở chiến trường Quảng Trị. Sợ mục tiêu không được bị lộ cả trung đoàn hành quân lặng lẽ trong đêm.

Rạng sáng ngày 10/4/1972, tiểu đội đầu tiên của Trung đội Mai Quốc Ca xuất kích thì vướng mìn Cờ-lây-mo của địch. Địch hốt hoảng khẩn cấp điều động một lực lượng lớn với ba tiểu đoàn lính tinh nhuệ có máy bay, xe tăng và pháo binh yểm trợ tạo thành một gọng kìm lớn bao vây Trung đội Mai Quốc Ca. Cả trung đội lọt thỏm giữa vòng vậy của địch. 
Với tinh thần "1 thắng 100", 20 chiến sĩ quân giải phóng đã chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên quyết bám trụ, đẩy lùi những đợt tiến công điên cuồng của địch từ nhiều phía. Hết đợt này đến đợt khác, các chiến sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng quyết không chịu khuất phục. Quần nhau với giặc suốt từ rạng sáng cho đến quá nữa trưa thì cả 19 anh em trong trung đội hi sinh, còn lại một người bị thương nặng và bị địch bắt.

Khi tiếng súng ngừng hẳn, chúng xếp các anh nằm thành hàng ngang, phơi nắng để thị uy tinh thần những người dân hướng về cách mạng, chúng vẫn khép chặt vòng vây không cho bất cứ người dân nào đến mang xác các anh về mai táng. 

“Thế đấy các cháu ạ! Chúng tàn nhẫn và nhẫn tâm đến tột cùng, tội ác của chúng không thể diễn tả được bằng lời”, giọng ông nghẹn đi.

Cuộc đấu tranh kéo dài suốt một ngày đêm của nhiều nông dân ở thôn Nhan Biều, thôn An Đông nhưng địch vẫn ngoan cố. Từ mờ sáng ngày 11/4/1972, cuộc giằng co giữa nhân dân và lính ngụy diễn ra hơn năm giờ đồng hồ. Đông đảo bà con tập trung ngay đầu cầu Quảng Trị, hô vang khẩu hiệu đòi được chôn cất thi thể các anh. Quân địch nổ súng, dùng báng súng đánh đập nhưng bà con kéo tới ngày càng đông. Cuối cùng họ cũng đưa được thi thể 19 chiến sĩ về mai táng tại mép sông ở bến Nhan Biều, phía Bắc sông Thạch Hãn. 

Kết thúc câu chuyện mắt ông rưng rưng, có lẽ ông cũng đang nhớ về các anh. Ông nói: sau ngày non sông thống nhất, hài cốt các anh đã được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) trong một khuôn viên chung, trên mỗi ngôi mộ đều có tấm bia ghi chung dòng chữ "Liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca". Đến tháng 3/2007, ngành Lao động-Thương binh Quảng Trị cùng với Sư đoàn 304 đã cử cán bộ đi đến nhiều địa phương để xác minh cụ thể tên tuổi của 19 anh hùng liệt sĩ . 

Để ghi nhớ công ơn các anh hùng - liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca, ngay tại nơi các anh hy sinh, tỉnh Quảng Trị cùng phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải đã xây dựng một đài tưởng niệm. 

Cụm tượng đài với hình tượng của một trái tim lớn, bên trong có 20 trái tim đỏ tươi soi bóng xuống dòng sông Thạch Hãn như một biểu tượng bất diệt của tinh thần chiến đấu quả cảm. Bên dưới tượng đài có một tấm bia hình trái tim khắc ghi tên tuổi, quê quán của 19 anh hùng liệt sĩ.

Người chiến binh còn lại của Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca tên là Vũ Quang Thành (SN 1953), trú tại thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Anh Thành nhập ngũ vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 634 thuộc tỉnh đội Thanh Hóa. Sau một thời gian huấn luyện, được điều động vào tăng cường cho Sư đoàn chủ lực 304 đóng quân ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày 14/9/1971, anh được biên chế vào Trung đội 2, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Sau khi bị địch bắt, anh được địch đưa đi chữa trị tại quân y viện Nguyễn Tri Phương - Huế. Sau đó được đưa vào bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng, để tiếp tục chữa trị trong suốt thời gian 2 tháng. Khi sức khỏe anh bắt đầu bình phục, địch đã chuyển anh từ trại giam Non Nước (Đà Nẵng) vào nhà lao Bạch Đằng để tra xét. 

Cho đến ngày 10/3/1973, sau Hiệp định Paris được ký kết, anh được trả tự do. Sau năm 1974 anh trở về quê hương và lập gia đình với chị Trịnh Thị Huệ. Có điều kiện, cựu chiến binh Vũ Quang Thành trở lại mãnh đất Quảng Trị để thắp nén tâm hương nguyện cầu cho linh hồn của các anh siêu thoát. 
Để tưởng nhớ công ơn của các anh vào những ngày tháng Bảy người dân khắp cả nước đổ về Quảng Trị thắp cho người quá cố những nén hương thơm, hoa cứ trôi bồng bềnh trên dòng sông cùng với thời khắc là những ngọn nến được thắp lên tri ân các thế hệ đã ngã xuống.
Trần Lê - Xuân Hoà