Có bao che khi xử lý tham nhũng không?
Ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, toàn ngành đã triển khai 4.724 cuộc thanh tra hành chính và 89.281 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 283.183 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.225 tỷ đồng, 452 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 4.934 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.109 tỷ đồng, 44,5 héc-ta đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 431 tập thể, 819 cá nhân.
Trong những tháng đầu năm 2013, ngành Thanh tra phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 115 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng nhận định, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu, với các nguyên nhân chủ yếu: Người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo phòng chống tham nhũng; Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng; Kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số địa phương làm chiếu lệ;
Một số quy định của pháp luật liên quan tới phát hiện, xử lý tham nhũng mang tính hình thức, thiếu tính khả thi; Thể chế chính sách quản lý về kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, chưa giảm được các thủ tục không cần thiết có thể làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là ở lĩnh vực quảng lý đất đai, tài nguyên, khoán sản, đầu tư xây dựng, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước những bất cập này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Công luận, dư luận thế giới và trong nước đánh giá về hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng thế nào?
“Mình đọc báo cáo thì thấy có nhiều tiến bộ, nhưng đôi khi đọc, xem thông tin thì thấy buồn lắm. Báo cáo của Chính phủ chưa thấy đề cập đến các đánh giá của dư luận, báo chí”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. |
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, chưa thấy nói rõ trong lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng có tiêu cực, bỏ sót, có bao che không? Có tham nhũng trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng không? Tình hình bỏ sót bao che trong lực lượng chống tham nhũng có không? Trách nhiệm của các cơ quan đấu tranh, phòng ngừa thế nào? Cơ quan thanh tra làm hết sức chưa, cơ quan điều tra làm hết trách nhiệm chưa, cơ quan kiểm sát hoàn thành nhiệm vụ chưa? Hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của các ban nội chính có báo cáo không? Nếu không viết vào báo cáo thì trình bày trước Quốc hội, trước dân thế nào?
Ông Phan Trung Lý thì nêu quan điểm, dư luận xã hội phản ánh rất nhiều về tham nhũng, nhưng kiểm tra xử lý thì số vụ rất ít; kiểm tra xử lý và thu hồi lại tài sản của Nhà nước cũng chưa thực sự hiệu quả.
Ông Lý kiến nghị: “Tội phạm càn ngày càng phức tạp, tinh vi và phức tạp, cho nên biện pháp của chúng ta cũng ngày càng phải tinh thông hơn. Quy định về xử phạt với tội phạm tham nhũng thì rất nhiều, nhưng cái chính là thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao? Các cơ quan phòng chống tham nhũng phải có nhiều biện pháp để cơ quan chuyên trách nâng cao trách nhiệm hơn, khi phát hiện tham nhũng phải xử lý dứt khoát, nhanh chóng và công bố với dư luận”.
Cán bộ sai phạm tiền tỷ tại sao đình chỉ vụ án?
Có chung nhận định với Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đặt thẳng câu hỏi: Có tiêu cực trong chính lực lượng phòng chống tham nhũng không?
“Có những vụ việc thanh tra, kiểm toán phát hiện sai phạm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, sai phạm hàng nghìn héc-ta đất, có xử lý thu hồi không đáng kể so với con số thiệt hại, vậy có vấn đề gì ở đây? Phát hiện sai phạm thì hàng nghìn vụ, nhưng xử lý theo luật chống tham nhũng thì chỉ một vài vụ không đáng kể, vậy con số đó có thật không?
Tôi biết là phía các Viện Kiểm sát, có những vụ việc không đáng đình chỉ, nhưng vẫn vận dụng Khoản 1 Điều 25 để đình chỉ, thậm chí tham nhũng lên tới 2-3 tỷ đồng, mà vẫn đình chỉ, thế thì có tiêu cực hay không? Rồi có những vụ việc đưa ra xử thì áp dụng hình phạt nhẹ, cho hưởng án treo. Người dân trộm cắp một hai triệu thì có khi bị phạt tù, nhưng cán bộ sai phạm tiền tỷ thì lại đình chỉ điều tra, vậy có vấn đê gì không?”, ông Hiện nói.
Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. |
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc KSor Phước chỉ rõ, đúng là đã có rất nhiều ý kiến nói rằng, người dân trộm cắp vài triệu thì bị đi tù, còn cán bộ nhà nước tham nhũng, làm thất thoát nhiều tỷ đồng thì bình yên vô sự, hoặc là bị xử rất nhẹ, không tương xứng với sai phạm.
Ông Phước bức xúc: “Tất cả những vụ việc xử lý không nghiêm đều có dấu hiệu của tham nhũng. Năm nay diễn biến tham nhũng xảy ra ở cả những lĩnh vực chính sách, xóa đói giảm nghèo, chính sách cho người có công, giáo dục và y tế cũng có tham nhũng… như vậy là tình trạng bây giờ đã rất phức tạp. Có những dự án thủy điện chưa có đánh giá đầy đủ về tác động môi trường thì đã cho triển khai, tại sao lại bỏ qua những quy định bắt buộc, vậy thì có tiêu cực không? Tôi đề nghị không chỉ nêu trách nhiệm của các Bộ trưởng, mà phải đưa cả trách nhiệm của người đứng đầu các tỉnh, để các đoàn đại biểu nắm được thông tin”.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho biết, có những vụ việc xảy ra hàng năm trời, thậm chí vài năm sau mới phát hiện ra là thực trạng rất đáng lo ngại, cho thấy có sơ hở trong quản lý nhà nước.
“Tôi đề nghị thời gian tới ngành thanh tra làm thật tập trung, quyết liệt, nhất là với các dự án cầu đường. Đối với các vụ án lớn sai phạm hàng trăm tỷ, tôi đề nghị học theo cách làm của Ban Kiểm tra Trung ương là 3-4 tháng công bố thông tin một lần, để nhân dân biết, và phải làm rõ là tại sao chậm xử lý? Thí dụ vụ việc sai phạm của Dương Chí Dũng từ đó đến giờ tại sao không có thông tin, xử lý lâu quá, làm như vậy khiến nhân dân hoài nghi vào chế độ, vào vai trò của những người lãnh đạo”, ông Phước nói.