Cơ quan chức năng địa phương đã gửi mẫu dấu chân của con thú lạ đi giám định, nhưng hiện chưa có kết luận chính xác “thú lạ” là loại thú gì? Hàng đêm, người dân khu vực quanh sân bay Liên Khương, sống trong sợ hãi với nỗi lo nơm nớp bị mãnh thú tấn công.
Chiều nay, ngày 18/9/2013, cung cấp thông tin cho PV Giáo dục Việt Nam qua điện thoại, ông Nguyễn Danh Tuyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, cơ quan này đã cử cán bộ bảo tồn của Chi cục kết hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng tiếp cận hiện trường, lấy mẫu dấu chân mãnh thú để nghiên cứu, điều tra để có phương án xử lý thích hợp.
Trước đó, các cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng – tỉnh Lâm Đồng liên tục nhận được phản ánh cấp bách từ những người dân khu vực thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp của huyện này về việc có mãnh thú xuất hiện trong vùng. Đây là khu vực dân cư tập hợp nhiều thành phần dân tộc: Hoa, Kinh và Châu Mạ… nằm ngay sát phía sau sân bay Liên Khương – Đà Lạt.
Dấu chân mãnh thú "lạ" trên vườn rau của các hộ dân nơi đây. |
Theo lời tường thuật của bà con nơi này, suốt mấy ngày gần đây, nhiều người liên tục phát hiện 2 con mãnh thú, 1 to và 1 nhỏ thường di chuyển cùng nhau về khu vực dân cư trong thôn để rình bắt gia cầm. Các nhân chứng cho biết, trong bóng tối, con mãnh thú lớn có kích thước nhìn bằng mắt thường khoảng gần bằng con bê 4 – 5 tuổi, và con thú nhỏ có vóc dáng chỉ bằng 1 nửa và thường chạy theo sau con thú lớn.
Tin mãnh thú xuất hiện và ngày càng lan rộng không chỉ trong xã Liên Hiệp. Người thì cho biết đã nhìn thấy thú đang ngồi, người lại chỉ thấy 2 ánh mắt sáng to như bóng đèn... Có người còn cho biết ban đêm con thú còn lãng vãng trong sân nhà mình.
Những thông tin trên, kết hợp với việc có gần chục hộ dân bị thú lạ bắt mất gia cầm đã gây nên nỗi hoang mang, kinh sợ trong cộng đồng dân cư nơi đây.
Mãnh thú bắt đi những con ngan nhà ông Lý Cỏng Gìn chỉ còn để lại xơ xác lông. |
Ông Lý Cỏng Gìn, một người dân địa phương, cho biết chỉ trong 2 đêm, gia đình ông bị con “thú lạ” bắt mất 6 con ngan và 1 con gà. Ông Gìn kể: rạng sáng 14/9, khi đang yên giấc vợ chồng ông nghe tiếng ngan, vịt kêu loạn xạ. Ông mở cửa rọi đèn thì thấy một con vật lạ, lớn gần bằng con bê, lao tới đớp gọn con ngan nặng hơn 3,5 kg. Con chó của gia đình ông sợ chết khiếp, chui xuống gầm giường, run bần bật.
Khi trời sáng vợ chồng ông Gìn phát hiện trên mặt sân đất dày đặc vết chân thú có vuốt lớn nhỏ xen kẽ nhau.
Trong khi đó, hàng xóm của ông Gìn là bà Nguyễn Thị Hoa kể lại rằng, đêm 16/9, khu chăn nuôi ngỗng của gia đình bà 2 lần bị “thú lạ” đột nhập. Nhưng do gia đình bà mới gia cố chuồng, nên con thú chỉ bắt được 1 con gà trống.
Hoặc như những lời kể rằng: khi nghe tiếng ngỗng, vịt kêu, liền mở cửa bước ra xem thì không còn thấy con nào nữa… là những câu chuyện gây xôn xao cả một làng quê.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên vườn rau của nhiều hộ dân gần khu vực sân bay Liên Khương còn lưu lại rất nhiều dấu chân của đôi thú lạ này. Như trên vườn rau của gia đình anh Lương Xuân Phóng, sáng nay 18/9/2013, dày đặc vết chân thú với dấu chân lớn, có đường kính khoảng 13 cm, còn dấu chân nhỏ rộng khoảng 6 cm. Điều lạ là các vết chân nhỏ và lớn đi song song và rất thẳng hàng.
Dấu chân thú lớn nhỏ xen kẽ nhau đi thẳng hàng |
Theo phản ánh của người dân, từ khoảng cách 20m đã nhìn thấy 2 con thú, một lớn và một nhỏ, có đầu giống con mèo, lông nền màu mốc vằn, con lớn cao gần 1m… Những nông dân có kinh nghiệm trong thôn Liên Hiệp đều khẳng định đó là 2 mẹ con báo hoa mai. “Rất nhiều con chó trong vùng khi ngửi thấy mùi con thú này là cúp đuôi bỏ chạy” - một người dân thuật lại.
Nhiều người trong các thôn kế bên cũng cho biết, những ngày gần đây thường mất ngan, gà trong chuồng. Nghi do bị thú bắt nhưng do họ không tận mắt nhìn thấy nên không rõ là chó hay chồn cáo.
Theo ông Lê Xuân Minh – một người dân cố cựu ở đây cho biết, ban đầu ông và hàng xóm cứ nghĩ ngỗng bị chó bắt. Nhưng khi quan sát trên vườn rau, thấy nhiều chân thú khá lớn còn in dấu, nên mọi người nghi ngờ thủ phạm không phải là chó hoang.
Ông Minh cho biết thêm, vì sự xuất hiện của đôi thú lạ như trên mà người dân nơi đây đi làm khoảng 16 giờ là lũ lượt kéo nhau về rồi đóng kín cửa, không dám ra ngoài. Thậm chí, nhiều hộ dân có con nhỏ phải đưa đi gửi ở thị trấn Liên Nghĩa, cách nhà gần 5 km để đề phòng bất trắc.
Chính quyền địa phương đã yêu cầu Hạt kiểm lâm huyện Đức Trọng cùng kiểm tra hiện trường theo trình báo của người dân. Kết quả là trong khu nhà, vườn của những hộ trình báo đều có những dấu vết tương tự nhau, một vài vị trí còn vương vãi lông ngan, gà và ngũ tạng của gia cầm được cho là bị thú ăn dở. Dấu chân thú được ghi nhận tới sát hàng rào của sân bay Liên Khương.
Hoang mang vì "thú lạ". |
Nhận định của nhiều người dân nơi đây, có thể những con thú này sống trong khu vực thuộc sân bay Liên Khương quản lý vì khu đất này còn những lùm cây cổ thụ rậm rạp.
Hôm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tổ chức thông báo đến các UBND xã Liên Hiệp, N’Thôn Hạ và thị trấn Liên Nghĩa để người dân có biện pháp đề phòng thú dữ, không nên ra đường khi ít người, nhất là ban đêm và không được săn bắn.
Theo ông Nguyễn Danh Tuyên, với kích cỡ, hình dáng dấu chân thú được như người dân miêu tả và cán bộ Phòng Bảo tồn thuộc chi cục báo cáo sơ bộ về, có thể khẳng định 2 con thú này hoặc thuộc nhóm báo lửa hoặc thuộc nhóm báo hoa mai. Tuy nhiên, để có kết quả chắc chắn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải gửi mẫu dấu chân về Vườn Quốc gia Cúc Phương nhờ các chuyên gia nơi đây giám định.
Và, trong lúc mọi sự vẫn chưa rõ ràng, chính quyền địa phương còn đang lúng lúng về phương cách xử lý thích hợp thì hàng đêm, bà con nơi đây đang sống trong sợ hãi với nỗi lo nơm nớp bị mãnh thú tấn công.