Theo đó, phóng viên của tờ Bloomberg đã tiếp cận với một người bán bán trung thu tại ki-ốt trên vỉa hè một con phố sầm uất ở Hà Nội vào thời điểm sức mua đang mạnh nhất. Tuy nhiên, người bán hàng tên là Nguyễn Thị Hạnh (52 tuổi) cho biết: "Tôi rất lo lắng về việc bán hàng ế ẩm này có thể anh hưởng tới tiền thưởng của tôi trong năm nay".
Người phụ nữ này nói rằng mỗi chiếc bánh nhân đậu xanh chỉ có giá 36.000 đồng nhưng doanh số bán hàng vẫn chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.
Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh Bloomberg |
Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT Kinh Đô (hãng sản xuất bánh trung thu lớn nhất Việt Nam), dự đoán doanh số bán hàng mùa trung thu năm nay sẽ "tốt", nhưng nhà phân tích chứng khoán Sài Gòn Nguyễn Thị Thùy Giang thì ít lạc quan hơn. Triển vọng ngành công nghiệp tiêu dùng là "không tích cực" do sức bán chậm và nhu cầu yếu.
Theo Bloomberg, sức mua bánh trung thu giảm sút trong thời điểm mua sắm nhộn nhịp nhất của lễ hội là một bằng chứng nữa phản ánh sự thắt chặt chi tiêu của người dân trong bối cảnh khó khăn về kinh tế.
Tờ báo này còn cho biết, nhiều người tiêu dùng còn cắt giảm mua sắm các mặt hàng khác như xe hơi, TV Plasma đến thực phẩm... đã gây thêm áp lực lên các công ty bị đè nặng bởi nợ xấu, thị trường bất động sản ảm đạm.
Tờ báo này còn cho biết, nhiều người tiêu dùng còn cắt giảm mua sắm các mặt hàng khác như xe hơi, TV Plasma đến thực phẩm... đã gây thêm áp lực lên các công ty bị đè nặng bởi nợ xấu, thị trường bất động sản ảm đạm.
"Mọi người đang mua sắm ít hơn gần như tất cả mọi thứ", Bloomberg dẫn lời bà Lê Thị Hào (46 tuổi), người đã bị mất công việc dọn dẹp trong một nhà máy sản xuất thực phẩm năm ngoái khi công ty cắt giảm sản lượng và hiện đang bán trái cây trên vỉa hè, cho biết. "Gia đình tôi chỉ có đủ khả năng ăn thịt 10 ngày một lần", bà Hảo nói.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường TNS trên 500 hộ gia đình đô thị vào cuối năm ngoái thì người tiêu dùng cũng đang cắt giảm một số mặt hàng cần thiết khác như thực phẩm và giấy vệ sinh. 79% người dùng lên kế hoạch chi tiêu ít hơn cho các sản phẩm chăm sóc gia đình và 25% cắt giảm cho các chi tiêu tiện ích.
Kế toán Trần Thị Hồng Mai, một nhân viên bị cắt giảm 40% lương vào cuối năm ngoái đã buộc phải điều chỉnh mức chi tiêu của mình một cách kinh tế nhất. Thay vì mua các nhãn hiệu thời trang nước ngoài đắt tiền, cô may quần áo tại các cửa hàng địa phương. Cô cũng nấu cơm trưa mang đến văn phòng làm việc để ăn mỗi ngày. Trong lễ hội trung thu năm nay, chị Mai cũng mua bánh trung thu tại một ki-ốt trên vỉa hè thay vì mua của một thương hiệu sang trọng như cô đã từng làm trước kia.
Chị Mai chia sẻ sau khi chọn một hộp 4 bánh trung thu có giá 140.000 đồng: "Tôi chỉ chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu như sữa và sách dành cho con cái trong thời gian này”.
Nhận xét về tình hình trên, Bloomberg dẫn lời Alan Phạm - chuyên gia kinh tế của Tập đoàn VinaCapital có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: "Nếu mọi người không chi tiêu, các doanh nghiệp không thể tiêu thụ được hàng hóa của họ, doanh thu sẽ giảm và các khoản nợ của họ lại kéo dài thêm. Sự sụt giảm doanh số bán lẻ "là một nguy cơ đối với nền kinh tế. Tăng tưởng GDP sẽ không thể phục hồi nếu sự sụt giảm quá lớn".
Lâm Giang