Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, đại diện chủ tàu Sima Sapphire và Công ty bảo hiểm Spica đã đến thăm hỏi gia đình các ngư dân bị nạn trên con tàu TG 92819TS. Cũng tại đây, đại diện chủ tàu đã thu thập thêm thông tin về hoàn cảnh cụ thể của từng nạn nhân cũng như thiệt hại tài sản, tinh thần mà họ đang gánh chịu để có thể xây dựng phương án bồi thường hợp lý hơn.
Đại diện chủ tàu Sima Sapphire chia buồn với gia đinh ông Nguyễn Ánh - thuyền trưởng tàu cá TG92819 TS |
Tại nhà ông Nguyễn Văn Hơn, chủ tàu cá bị nạn, đại diện các đơn vị trên đã trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi sức khoẻ của 8 thuyền viên may mắn được cứu sống trở về với gia đình. Các đơn vị cũng đã đến thăm hỏi và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân bị chết và mất tích; đồng thời mong nhận được sự đồng cảm, hợp tác của gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn đáng tiếc vừa qua.
Trước mắt, đại diện tàu Sima Sapphire hỗ trợ ban đầu những thuyền viên bị thương 1 triệu đồng/người và hỗ trợ 3 triệu đồng/người đối với gia đình những thuyền viên tử vong và còn đang mất tích.
Được biết, trước đó lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình các ngư dân bị nạn trên biển. Tỉnh Tiền Giang đã thông qua mức hỗ trợ ban đầu cho mỗi nạn nhân tử vong gần 12 triệu đồng. Còn đối với 8 thuyền viên may mắn thoát hiểm nhưng bị thương, Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang cũng chi hỗ trợ ban đầu là 1 triệu đồng/người.
Do các thuyền viên trên tàu Sima Sapphire gồm nhiều quốc tịch nên công tác thẩm tra gặp nhiều khó khăn trong công tác phiên dịch |
Trong nỗ lực tìm kiếm các thuyền viên mất tích còn lại, hôm qua, Ban Chỉ huy phòng chống lục bão tỉnh Tiền Giang đã thuê thêm 5 ghe cào của ngư dân Tiền Giang và Kiên Giang ra khu vực tàu bị nạn để tham gia tìm kiếm.
Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, đã có văn bản gửi đến Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Cà Mau đến Ninh Thuận, thông báo cho ngư dân đang hoạt động đánh bắt thuỷ sản ngoài khơi phối hợp tìm kiếm và thông tin kịp thời khi phát hiện thi thể các ngư dân trôi dạt trên biển.
Tại Vũng Tàu, ông Phạm Hiển - Giám đốc Vungtau MRCC, cho biết: Trong cả ngày hôm qua, 20/9, Vungtau MRCC đã huy động thêm hơn 20 tàu cá của ngư dân phối hợp với các tàu của Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng cùng hai tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 272 và SAR 413 để đẩy mạnh công tác tìm kiếm 5 nạn nhân còn đang mất tích.
Công tác tìm kiếm 5 thuyền viên còn mất tích vẫn đang hết sức khẩn trương |
Dù lực lượng cứu hộ đã mở rộng phạm vi tìm kiếm lên bán kính 50 hải lý từ vị trí tàu cá bị đâm chìm, nhưng đến cuối ngày lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân nào.
Cũng trong hôm qua, Tổ điều tra đặc biệt của Cảng vụ Hàng hải Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng đã tiến hành giải mã các thông tin “hộp đen” mà tàu Sima Sapphire ghi lại ở thời điểm trước, trong và sau khi đâm va với tàu cá TG 92819TS để xác định nguyên nhân của vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng này.
Theo ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu: Do thủy thủ đoàn làm việc trên tàu Sima Sapphire đến từ 5 quốc gia khác nhau (gồm: Ukraina, Iran, Myanmar, Malaysia và Philippines) nên công tác phiên dịch gặp nhiều khó khăn. Hiện, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đang liên hệ với các cơ quan ngoại giao đề nghị hỗ trợ phiên dịch để giải mã các thông tin trong “hộp đen” của tàu Sima Sapphire.