Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:

"1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ là chưa đúng thực tế"

23/09/2013 06:39
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là nhận định của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trước kết luận sơ bộ của đoàn giám sát được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đưa ra tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.
Mới đây Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, dù có nhiều dư luận về hiệu quả làm việc nhưng qua phân loại chỉ có khoảng trên dưới 1% cán bộ, công chức không hoàn thành công việc được giao. Trong báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, một số lượng không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức hiện không đáp ứng được yêu cầu công việc, ảnh hưởng hiệu quả hoạt động công vụ.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình: "Tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%" (Ảnh: Nguyễn Hưng).
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình: "Tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%" (Ảnh: Nguyễn Hưng).
Số liệu của chương trình giám sát về chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban Pháp luật cho biết tính đến hết năm 2012 có hơn 64.000 người chưa qua đào tạo chuyên môn, chiếm trên 12%. Quá nửa số cán bộ, viên chức chưa được đào tạo lý luận chính trị. Ở cấp xã, tỷ lệ cán bộ, công chức dưới đại học chiếm trên 3/4 và hơn 50% chưa qua đào tạo quản lý nhà nước. Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng thừa nhận chất lượng đội ngũ công chức là vấn đề được xã hội quan tâm, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước cũng đề cập. Qua thực trạng được đoàn giám sát nêu, cùng ý kiến cho rằng 1/3 số cán bộ, công chức “có cũng như không” nên gần đây Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, ngành tiến hành phân loại. “Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%. Tới đây sẽ có tổng kết rõ hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X
Liên quan đến vần đề này trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X cho rằng, tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1% như Bộ Nội vụ công bố là chưa sát với thực tế.

“30% số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về”

“Tình trạng chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

“Tôi còn nhớ trước đó đầu năm 2013, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bộ máy có tới 30% số công chức làm việc không đem lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào. Tuy chưa không có con số chính xác nhưng thực tế chắc chắn số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ lớn hơn con số trên dưới 1% như Bộ Nội vụ đưa ra” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết.

Từ đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng Bộ Nội vụ cần có sự đánh giá, kiểm tra một cách nghiêm túc đưa ra con số cụ thể số lượng công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ để từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức.

“Bộ Nội vụ với nhiệm vụ trách nhiệm của mình cần vào cuộc đánh giá một cách nghiêm túc thực sự con sô cán bộ công chức, viên chức chưa hoàn thành nhiệm vụ hiện nay lớn hơn rất nhiều” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.

Một nghịch lý đang diễn ra nhiều địa phương hiện nay khi nhiều cán bộ có đủ bằng cấp, đươc cơ quan củ đi học bồi dưỡng nhưng khi trở về giao việc thì không làm được. Hiện tượng người không làm được việc lại cử đi học khiến chất lượng đội ngũ cán bộ công chức trong nhiều cơ quan hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, thực tế hiện nay nhiều cơ quan nhà nước trong việc lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ, hay như tuyển chọn cán bộ nguồn nhưng không dựa trên năng lực thực tế mà chỉ phục thuộc vào bằng cấp. Thậm chí có việc “mắc ngoặc” lợi ích nhóm với nhau vì vậy người giỏi thực sự không được đi học còn người năng lực kém dù có cho đi đào tạo nhưng sau này sẽ không làm được việc.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên nhân của hiện tượng trên xuất phát từ việc tuyển chọn cán bộ dựa quá nhiều vào hình thức dựa trên bằng cấp mà không xuất phát từ năng lực thực tế. Cùng với đó câu chuyện cán bộ công chức, viên chức học giả bằng thật đã dư luận xã hội nói đến nhiều.

“Trong lúc này đặt ra vấn đề cần kiểm tra một cách nghiêm túc, chặt chẽ không thể lấy tiêu chuẩn cứng là phải có bằng cấp mới được tuyển dụng hoặc phải có bằng này bằng kia mới được cử đi học bồi dưỡng, nâng cao trình độ mà phải dựa trên năng lực thực tế và đạo đức trong công việc dẫn đến việc đi học, được đi bồi dưỡng nhưng về lại không làm được việc” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

Đánh giá về đề xuất của Bộ Nội vụ nhằm nâng cao đội ngũ công chức, viên chức bằng việc nghiên cứu thêm hình thức phỏng vấn để tuyển được người có năng lực, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm. Tuy nhiên theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước quan trọng nhất là đội ngũ người tuyển lựa cán bộ công chức viên chức phải có động cơ trong sáng là tuyển chọn người có năng lực thực sự vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

“Không quan trọng hình thức tuyển chọn mà là ở người tuyển chọn có công tâm làm hết trách nhiệm hay không, đây nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ các địa phương cũng như lãnh đạo các cơ quan công vụ trong việc lựa chọn cán bộ công chức viên chức cần phải chặt chẽ nghiêm túc trong quá trình thực hiện” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kết luận.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chế độ công chức của chúng ta hiện nay vẫn nặng tính bao cấp, nên chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ.

“Chúng ta hiện đang có 2,8 triệu công chức, nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không? Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung, mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí công chức. Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” – Phó Thủ tướng phát biểu.


Hoàng Lực