Ông Vũ Mão chỉ rõ 5 điểm “cốt tử” để bắt “sâu tham nhũng”

01/10/2013 11:02
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Ai cũng nhìn thấy rất rõ tình trạng các công trình hàng trăm tỷ trúng thầu giá thấp, nhưng cho tới khi hoàn thiện thì đội giá lên vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ. Người ta cố lý giải rằng do giá tăng, nhưng người dân không tin đâu”.

Tại phiên họp thứ 21 của Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ bức xúc vì số vụ việc tham nhũng chuyển sang xử lý hình sự quá ít, đa số vụ việc phát hiện là tham nhũng vặt, khiến cho dư luận phải đặt một dấu hỏi nghi ngờ về năng lực chống tham nhũng của các cơ quan công quyền. Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm VPQH khẳng định, chống tham nhũng của chúng ta hiện nay chưa thành công, đồng thời chỉ rõ 5 điều “cốt tử” trong phòng chống tham nhũng:

Vấn đề thứ nhất: Hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng cần được hoàn chỉnh hơn nữa

Lâu nay, chúng ta mới chỉ coi trọng tới các văn bản có liên quan trực tiếp tới phòng chống tham nhũng. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta phải đổi mới tư duy. Phòng chống tham nhũng có liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, cho nên phải đươc đề cập trong tất cả các văn bản pháp luật có liên quan. Tôi lấy thí dụ, Luật đất đai hầu như không có nội dung nào đề cập tới việc phòng chống tham nhũng, còn có quá nhiều sơ hở cho nên mới nảy sinh tham nhũng và có nhiều vụ khiếu kiện phức tạp vượt cấp như hiện nay.
Vì vậy, theo tôi khi thảo luận, đặt vấn đề thông qua Luật Đất đai phải nói rõ những vấn đề nhức nhối, và đưa ra các biện pháp chống tham nhũng ngay từ khi làm luật. 
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Muốn chống tham nhũng phải làm luôn từ khi xây dựng luật.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Muốn chống tham nhũng phải làm luôn từ khi xây dựng luật.

Đối với các luật trong lĩnh vực kinh tế còn có quá nhiều sơ hở. Thí dụ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư… rõ ràng còn quá nhiều khiếm khuyết cho nên mới có tham nhũng, đút lót, ăn chia vô nguyên tắc. Ai cũng nhìn thấy rất rõ tình trạng các công trình hàng trăm tỷ trúng thầu giá thấp, nhưng cho tới khi hoàn thiện thì đội giá lên vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ.

Người ta cố lý giải rằng do giá tăng, nhưng người dân không tin đâu. Bây giờ, thông tin xã hội rất rộng, trình độ của người dân đã rất cao rồi, đâu phải muốn nói gì thì nói, dân người ta biết cả đấy, chỉ có điều là họ có nói ra hay không.


Đối với các luật trong lĩnh vực lao động, y tế, về giáo dục cũng còn có quá nhiều bất cập. Nạn tham nhũng đã chui vào từng tế bào của hệ thống cơ thể.

Đối với các luật trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước...cũng còn nhiều vấn đề chưa ổn. Bộ máy công quyền kém hiệu lực và tham nhũng. Vì thế đều cần phải có những bổ sung nội dung về phòng chống tham nhũng.

Nếu coi tham nhũng là nguy cơ, là quốc nạn thì chúng ta phải luôn luôn thường trực trong ý thức mình và thể hiện qua các văn bản pháp luật một cách hoàn chỉnh để phòng chống tham nhũng. Đấy cũng là nâng cao ý thức xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Một vấn đề khác, cần được phân tích sâu sắc. Đó là tình trạng “luật khung” còn đang khá phổ biến. Do chỉ là “luật khung” nên mới cần phải có các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của các Bộ. Xung quanh vấn đề này có nhiều câu chuyện đáng nói. Không ít trường hợp Thông tư của Bộ trái với luật của Quốc hội. Đây cũng là mảnh đất mầu mỡ cho lợi ích nhóm mọc lên như nấm sau cơn mưa.

Tham nhũng rất có thể nảy sinh từ đó. Do vậy, cần phải siết lại thông tư của các Bộ. Chính ông Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã thừa nhận chưa quản lý được Thông tư của các Bộ tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời cho biết sẽ có đề nghị với Quốc hội kiểm tra lại vấn đề này.

Chúng ta nói xây dựng Nhà nước pháp quyền nhưng hiện nay các văn bản luật của ta chưa đủ tầm, phải sốc lại vấn đề này, tức là ngay khi thảo luận về các dự thảo luật đã phải chú ý ngay tới những điều khoản phòng chống tham nhũng, ngăn chặn từ khâu đầu tiên thì những bước tiếp theo sẽ đạt được kết quả cao hơn.

Vấn đề thứ hai: Các cơ quan nhà nước cần làm tốt hơn và chịu trách nhiệm đến cùng

Tôi lấy thí dụ như vụ Vinashin, Vinaline. Đây là những vụ việc rất nghiêm trọng, đến bây giờ vẫn chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Ngoài người đứng đầu Chính phủ thì người đứng đầu các Bộ hữu quan chịu trách nhiệm đến đâu. Đấy là vấn đề cần thiết nhưng cái lớn hơn, cái quan trọng hơn là phân tích cho rõ nguyên nhân để tìm ra các giải pháp khắc phục.

Tôi nhớ lại, ở kỳ họp gần cuối của Quốc hội khoá XII, có đại biểu đã đề nghị thành lập Uỷ ban lâm thời để xem xét vụ Vinashin. Nhưng không được chấp nhận. Đó là điều rất đáng tiếc.
Trong vụ việc này, bên cạnh trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, cũng cần nói tới trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội. Rõ ràng rằng, các cơ quan Quốc hội chưa thực sự thể hiện được vai trò giám sát. Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có trách nhiệm gì không, cũng phải làm rõ chứ?


Rồi vai trò của Tổng Kiểm toán Nhà nước đâu? Tại sao một vụ án sai phạm lớn như Vinashin mà Kiểm toán Nhà nước lại vô can? Quốc hội cần phải quyết định  báo cáo công khai trước toàn dân.

Vấn đề thứ ba: Chất lượng và hiệu quả của việc kê khai tài sản

Kê khai tài sản là rất quan trọng. Qua việc kê khai tài sản, ta có thể đánh giá chính xác đương sự có tham nhũng hay không. Lâu nay cách kê khai tài sản là thế này: Đương sự kê khai và văn bản đó được đưa vào tập hồ sơ để tham khảo.

Bản kê khai này không có sự xác nhận của cơ quan có trách nhiệm việc nên đúng sai đến đâu thì không xác định được. Số tài sản kê khai thường ít hơn rất nhiều so với cái mà đương sự đang sở hữu. Cách làm như vậy, rất hình thức – đây là lỗ hổng trong công tác phòng chống tham nhũng. Không ít trường hợp, cán bộ về hưu mới lộ ra có nhà to, xe hơi đẹp.

Họ có nhiều mẹo lắm, nếu không đi đến cùng thì làm sao phát hiện ra được. Tôi đồng tình với nhận định của ông Ksor Phước tại phiên họp thứ 21 của Thường vụ Quốc hội vừa qua “Đó là những con cá lớn, ở đó là hàng trăm tỷ đồng chứ không phải vài chục triệu đồng”.

Tôi đề nghị cần nghiên cứu, nếu Luật phòng chống tham nhũng không đủ sức chuyển tải các nội dung và trình tự thủ tục của việc kê khai tài sản thì nên có
Luật kê khai tài sản. Luật quy định rõ:

Một là các khoản thu nhập phải kê khai như tiền lương; các khoản thu ngoài lương như quà tặng từ trong nước; quà tặng từ các chuyến đi thăm nước ngoài; bất động sản; chứng khoán...

Hai là thủ tục xem xét xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với tài sản của người kê khai để đạt tới sự minh bạch, công khai. Nếu làm được như vậy thì đây sẽ là mũi đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng.

Ba là trình tự và thủ tục xử lý đối với những người kê khai không đúng.

Vấn đề thứ tư: Cần xác định rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức  lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) của Đảng và Nghị quyết 35  của Quốc hội khoá XIII, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành ở Quốc hội và HĐND cấp tỉnh. Kết quả đạt được rất đáng hoan nghênh và trân trọng, đồng thời còn nhiều vấn đề rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn nữa.

Chúng ta nhớ lại, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII đã ban hành Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Mặt trận đã làm tốt vai trò chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt ở xã, phường ,thị trấn. Tuy nhiên, Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã bãi bỏ Điều 26 của Pháp lệnh số 34. Đó là điều rất đáng tiếc.

Tôi kiến nghị, nên tổng kết Pháp lệnh 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nâng thành Luật của Quốc hội về vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở (ít nhất là ban hành một Nghị quyết của Quốc hội). Trong đó, giao cho Mặt trận việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt các cấp. Từ đó chuyển việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sang cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhận. Quốc hội sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Mặt trận để tham khảo và làm cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp hiện hành.

Vấn đề thứ năm: Muốn chống tham nhũng có kết quả, cần phải đi đến cùng của mỗi vụ việc

Lâu nay, nhân dân rất không hài lòng với cách giải quyết các vụ tham nhũng không đến nơi đến chốn và đã để lại nhiều dư luận xấu. Hiện nay, nhân dân đang chờ đợi việc giải quyết các vụ đang nổi cộm như, vụ những người đứng đầu ở 4 doanh nghiệp công ích nhà nước ở TPHCM; vụ làm giả xét nghiệm ở BV Hoài Đức; vụ tráo thủy tinh thể ở BV Mắt Hà Nội… cần phải xử lý rốt ráo, phải làm rõ họ đã chia nhau bao nhiêu tiền, chính sách bị hổng chỗ nào?

Cần phát huy cách làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng cần phải có định kỳ báo cáo, thông tin tới toàn thể nhân dân. Ngay tại phiên họp thứ 21 của Thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã bức xúc trước tình trạng xử lý không đến nơi đến trốn, làm chậm chạp, nhiều vụ xử nhẹ, lạm dụng các tình tiết để giảm nhẹ tội cho người tham nhũng.

Một điểm nữa cần lưu ý là tình hình lãng phí cũng rất nghiêm trọng. Trong lãng phí có tham nhũng, mà chủ yếu xảy ra ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Có thể thấy ngay từ một thí dụ nhỏ, ấy là trên một đoạn đường có đến 3 đơn vị đào bới ở 3 thời điểm gần nhau: Giao thông, điện lực, cấp thoát nước. Họ không làm cùng một lúc là vì muốn độc lập dự án thì mới dễ ăn chia.

Gần đây, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Bùi Quang Vinh cũng đã nói: "Nhiều lúc Thủ tướng bức xúc vì sao đường ở miền núi lại làm to kinh khủng đến 60-70m. Chủ trương này ai quyết định? Hay việc xây chợ tràn lan ở nông thôn, ở miền núi; làm xong thì để kệ đấy, không ai đến buôn bán cũng chẳng sao. Thật là quá lãng phí. Cần khắc phục ngay, không thể để, cứ đưa ra chủ trương đầu tư từ một cấp nào đó rồi phải lao theo. Đây là điều vô cùng lãng phí”.

Ngọc Quang