Mỹ có nguy cơ phải đóng cửa một phần các cơ quan chính phủ Obama

30/09/2013 15:04
Nguyễn Hường (nguồn Telegraph)
(GDVN) - Chính phủ Mỹ có thể sẽ phải ngừng hoạt động lần đầu tiên trong 20 năm qua nếu cuối ngày hôm nay (30.9), Thượng viện nước này không thể thông qua dự luật ngân sách chính phủ cho năm tài chính mới dự kiến sẽ bắt đầu từ đầu từ ngày 1/10.
Theo quy định, nếu các thành viên Thượng viện không bỏ qua được các bất đồng và tìm được tiếng nói chung để không thông qua được dự luật trên, chính phủ hiện nay của Tổng thống Barack Obama sẽ phải đóng cửa một phần các cơ quan hành chính vì không có kinh phí hoạt động.
Điều đó đồng nghĩa với việc 800.000 nhân viên công chức nhà nước sẽ phải làm việc không lương cho đến khi dự luật được thông qua, ngân sách được phân bổ. Nhiều dịch vụ công sẽ bị đóng cửa.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ
Tòa nhà Quốc hội Mỹ

Nhiều nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa lo sợ rằng việc chính phủ liên bang ngừng hoạt động sẽ gây tổn hại cho vị thế của đảng này trong bối cảnh đang hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới.
Trong khi đó, nhiều người Mỹ lo ngại rằng sự cố này cũng sẽ gây tác động làm đình trệ nền kinh tế Mỹ đang phục hồi khó khăn sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời cho phép cấp kinh phí hoạt động 986 tỷ USD cho chính phủ liên bang tới ngày 15/12, nhưng với điều kiện đảng Dân chủ phải đồng ý trì hoãn một năm chương trình cải cách chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Obama, còn được gọi là "Obamacare," đồng thời hủy bỏ đánh thuế (2,3%) đối với các thiết bị y tế từ ngày 1/1/2015.
Đề nghị của đảng Cộng hòa đã ngay lập tức bị bác bỏ bởi ông Obama, người nhiều lần nói rằng ông sẽ không thỏa hiệp về các thành tựu lập pháp trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình mà đảng Cộng hòa vẫn phản đối.
Nhà Trắng cho biết sẽ phủ quyết đề xuất dự luật tạm thời của Hạ viện, trong khi các nhà lãnh đạo trong đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện đã hứa sẽ từ chối đề nghị trên trong cuộc hội đàm vào chiều ngày 30.9 theo giờ địa phương, 8-10 giờ trước khi đưa ra một quyết định quan trọng để chính phủ tránh việc phải ngừng hoạt động.
Khi thời hạn càng đến gần mà sự chia rẽ giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa còn sâu sắc đã làm tê liệt hoạt động của Washington trong những năm gần đây một lần nữa lại được phơi bày.
Cuộc chia rẽ trong Quốc hội Mỹ về ngân sách cho năm tài chính tiếp theo xuất phát từ những bất đồng liên quan tới đạo luật "Obamacare" của chính quyền Obama. 
Chính quyền Obama cho biết việc thực hiện đạo luật "Obamacare" trong đó có việc đánh thuế các thiết bị y tế, sẽ vừa giúp tạo nguồn kinh phí hoạt động cho chính phủ, vừa đảm bảo các binh sỹ Mỹ sẽ vẫn được trả lương ngay cả trong trường hợp chính phủ phải ngừng hoạt động. 
Ông Obama cho biết ông sẽ đàm phán về các khoản chi ưu tiên, nhưng sẽ không chấp chấp thuận thay đổi "Obamacare".
"Không ai được đe dọa đức tin về tín dụng của Mỹ chỉ để đạt được các nhượng bộ về ý thức hệ. Không ai được làm tổn thương nền kinh tế và hàng triệu người dân vô tội của chúng ta chỉ vì có một vài luật mà họ không thích", ông Obama cho biết trong bài phát biểu hồi tuần trước.
Khi thời hạn cuối cùng đang đến gần, ngày 29/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đã hối thúc Thượng viện "hành động kịp thời" và thông qua dự luật ngân sách chính phủ khẩn cấp nhằm ngăn ngừa tình trạng đóng cửa một phần các cơ quan công quyền lần đầu tiên kể từ năm 1996.
Nguyễn Hường (nguồn Telegraph)