Từ Syria tới Biển Đông, sức mạnh hải quân đã quay trở lại

01/10/2013 06:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Đô đốc Gary Roughead, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ nhận xét: "Bạn sẽ thấy một sự nhấn mạnh lớn hơn nhiều về việc sử dụng các lực lượng trên biển để tạo ra hiệu ứng. Bạn đang nhìn thấy nó ở Địa Trung Hải với Syria, và bạn nhìn thấy nó ở Thái Bình Dương và Trung Đông."
Đô đốc Gary Roughead, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ.
Đô đốc Gary Roughead, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ.
Sau một phần tư thế kỷ của những cuộc chiến tranh mặt đất ở Trung Đông làm giảm chi tiêu quân sự dành cho hải quân, sức mạnh biển đã quay trở lại thịnh hành với sự nổi lên của Trung Quốc và ngay cả phương Tây khi tỏ ra miễn cưỡng triển khai bộ binh trong các cuộc xung đột như Syria. Sự quan tâm ngày một lớn hơn đối với sức mạnh hải quân đang được cảm nhận từ các hành lang quân sự của Washington đối phó với nạn cướp biển ở châu Phi cho đến các nhà máy đóng tàu ở châu Á. Đô đốc Gary Roughead, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ nhận xét: "Bạn sẽ thấy một sự nhấn mạnh lớn hơn nhiều về việc sử dụng các lực lượng trên biển để tạo ra hiệu ứng. Bạn đang nhìn thấy nó ở Địa Trung Hải với Syria, và bạn nhìn thấy nó ở Thái Bình Dương và Trung Đông." Ấn Độ hồi tháng trước ra mắt tàu sân bay đầu tiên được đóng trong nước và hàng chục tàu sau đó sẽ được hoàn thành trên toàn thế giới trong thập kỷ tới, trong đó có 2 chiếc của Mỹ, 2 chiếc của Anh, 1 tàu sân bay của Nga tân trang cho Ấn Độ và một hoặc một vài tàu sân bay bản địa đầu tiên được Trung Quốc chế tạo. Năm 2014 Hải quân Mỹ giành được nguồn ngân sách lớn nhất trong số các quân binh chủng, Lầu Năm Góc yêu cầu dành 155 tỉ USD cho Hải quân trong tổng số 527 tỉ USD dự toán ngân sách năm cho quốc phòng, trong đó không bao gồm ngân sách dự phòng cho Iraq và Afghanistan. "Sức mạnh biển ngày càng quan trọng", Chuẩn Đô đốc Robert Kamemsky, Chỉ huy trưởng lực lượng tàu ngầm NATO phát biểu. Washington đang di chuyển tàu chiến từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương trong một phần chiến dịch đối phó với sức mạnh hải quân Trung Quốc có ngân sách dành cho quốc phòng đang tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Tháng 9 vừa qua chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu nước này với thông báo kế hoạch tăng 1,4 tỉ USD thông qua mua bán cổ phần để huy động vốn xây dựng tàu chiến. Lần đầu tiên Bắc Kinh khai thác thị trường vốn để tài trợ cho việc mở rộng khả năng quân sự của mình. Lo lắng của các quốc gia láng giềng có tranh chấp trên biển với Trung Quốc đang khiến các nước này phải tập trung nâng cấp sức mạnh hải quân. Nhật Bản trong năm tới sẽ chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất trong 22 năm qua với việc mua tàu tuần tra và trực thăng, xây dựng lực lượng thủy quân lục chiến. Úc phát triển hải quân bao gồm cả các tàu chiến mới và Việt Nam đang mua tàu ngầm của Nga trong khi Philippines mua 2 tàu tuần tra cũ của Mỹ và một tàu chiến cũ của Pháp. Đô đốc George Zambellas thuộc Hải quân hoàng gia Anh nói trong một hội chợ vũ khí ở London: "Hải quân đã quay trở lại"

Hồng Thủy