“Trận đánh” của ngành giáo dục: Không chấp nhận đội ngũ nhà giáo à ơi!

02/10/2013 07:56
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - “Lựa chọn khâu giáo viên để làm bước đột phá, làm bước đầu tiên trong suốt “trận đánh” đổi mới giáo dục, tôi cho đó là hướng đi đúng đắn, khâu giáo viên nhất thiết phải đi trước một bước chứ không thể đợi tới 2016 mới bắt đầu làm”.

Quan điểm trên của TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên hiệp các Hội khoa học & Kĩ thuật Hà Nội. Trước thềm đổi  mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo, TS. Nguyễn Tùng Lâm đã dành cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam một cuộc phỏng vấn nhỏ xung quanh khâu đào tạo giáo viên, đây là khâu mà theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận bởi đó chính là "máy cái" (máy chủ - PV) để tạo ra các sản phẩm.

“Không chấp nhận đội ngũ nhà giáo à ơi”

PV: Thưa TS. Nguyễn Tùng Lâm, ông có nhận xét gì về việc Đề án đổi mới giáo dục sắp tới sẽ lựa chọn khâu đầu tiên để tiến hành đổi mới là giáo viên?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chọn điểm đột phá là giáo viên trong đổi mới căn bản lần này, tôi cho đó là định hướng đúng, đổi mới để tạo ra chất lượng toàn diện phải đồng bộ, nhiều khâu từ cơ sở vật chất, nhà trường, chương trình, sách  giáo khoa, đội ngũ nhà giáo, công tác quản lí, trong đó phải ưu tiên đi trước một bước chứ không đợi 2016 mới làm.

Giải quyết đội ngũ phải làm trước một bước, thậm chí làm ngay trong năm học này. Ở đây Bộ trưởng có đặt vấn đề giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, tạo những phương pháp mới để cho học sinh chiếm lĩnh kiến thức, tức là ở đây chúng ta phải đào tạo lại giáo viên, cụ thể phải nâng cao tay nghề nhà giáo, lấy tiêu điểm của đội ngũ nhà giáo là tay nghề nhà giáo.

TS. Nguyễn Tùng Lâm
TS. Nguyễn Tùng Lâm


- Như Tiến sĩ nói thì việc đổi mới từ khâu giáo viên phải làm ngay từ năm nay chứ không chờ tới sau 2016 mới làm, nhưng cụ thể ở đây phải đổi mới yếu tố nào từ nhà giáo?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Hiện nay ngành giáo dục đếm thành tích đạt chuẩn đại học, cao đẳng, gần như cấp học nào cũng vượt quy định. Đổi mới chúng ta phải quan niệm đây đổi mới tay nghề nhà giáo, vì từ trước tới nay đào tạo của chúng ta không phù hợp so với tình hình mới.

Tay nghề nhà giáo không lầm lẫn với trình độ được, không thể vì cái bằng mà cho xuê xoa, mà phải là chuyên môn, là năng lực sư phạm, vì tay nghề rất quan trọng cho đổi mới. Theo tôi, chúng ta đổi mới từ đào tạo rồi mới đến tuyển chọn, ai không đáp ứng đạt yêu cầu thì phải làm lại, học lại, không chấp nhận một đội ngũ à ơi, ai cũng dạy được, chỉ cần qua trường sư phạm là đi dạy tới lúc về hưu, thậm chí hiện nay ở mầm non không qua trường sư phạm cũng đi dạy. Nhà giáo hơn ai hết ở tất cả các cấp học phải đạt trình độ nhất định mới được đứng lớp.

Vấn đề sử dụng giáo viên phải đi liền với đãi ngộ, nếu chúng ta đòi hỏi nhà giáo mà không có đãi ngộ đi theo để cho giáo viên sống bằng đồng lương của họ thì rất khó đổi mới.

- Ở đây chúng ta cũng phải nhìn nhận, thực trạng giáo viên của ta mặc dù nhanh chóng phát triển về số lượng nhưng chất lượng theo đánh giá là đang đi xuống, giáo viên không chủ động trong việc bồi dưỡng chuyên môn cho mình. Tiến sĩ có chia sẻ gì với đội ngũ này trước thềm đổi mới?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Vai trò của nhà giáo không phải chúng ta đổi mới mới cần tới nhà giáo, bản chất của nhà trường và khâu trung tâm là nhà giáo, chúng ta có thay đổi mọi thứ nhưng nhà giáo không thay đổi thì chúng ta cũng không có cái gì, ngược lại, chúng ta có đội ngũ nhà giáo mà chương trình chưa tốt, sách giáo khoa chưa tốt họ vẫn làm được, bằng tay nghề của họ họ vẫn làm được.

Có đội ngũ nhà giáo giỏi thì chúng ta sẽ có được một thế hệ học sinh tương lai. Nếu một bên là thầy và trò, một bên là các trạng thái, nếu thầy giỏi và trò giỏi đó là điều tuyệt vời nhưng tôi cho rất ít. Nếu thầy giỏi nhưng trò kém, đó là bình thường. Nhưng sang trạng thái nữa thầy kém mà trò giỏi đó là điều bi quan, nhưng vẫn cứu vớt được. Tôi chỉ sợ là tới lúc trò kém và thầy kém thì không còn gì để nói.

Vì vậy, không ai có thể thay thế được người thầy, là người quyết định trực tiếp nhất tới chất lượng giáo dục.

Vậy thực chất đội ngũ của chúng ta đang ở tình trạng nào, thưa Tiến sĩ?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tôi có nghiên cứu và đưa ra những loại hình giáo viên như sau: Có thể loại thứ nhất là những người thầy cực giỏi, rất tâm huyết với nghề, hoàn toàn say mê với nghề, khả năng dẫn dắt học trò, trong điều kiện nào họ cũng thi đua dạy tốt, học tốt, không có vụ lợi, nhưng loại này ngày càng giảm đi vì những người giỏi vào sư phạm rất ít, vì thế để cứu lại chất lượng ngành giáo dục chúng ta phải tăng số lượng giáo viên giỏi lên.

Loại nữa có năng lực nhưng lại không say mê với nghề, nơi nào động viên tốt thì họ làm, ở đây nếu đãi ngộ tốt, quản lí tốt thì họ vẫn quay về. Còn số đông là những giáo viên rất cần cù, chăm chỉ, chịu khó nhưng năng lực có hạn, làm việc không hiệu quả. Thứ nữa là số giáo viên mất phẩm chất, không có năng lực nhưng số đó còn ít.

Đây là 3 hạn chế lớn của nhà giáo, trong khi đào tạo tay nghề phải giải quyết những khâu này, nhưng hạn chế của nhà giáo hiện nay là mắc bệnh nói nhiều, diễn thuyết, không nghe ai cả, mắc bệnh chủ quan, lúc nào cũng cho mình là giỏi. Hạn chế nữa là làm việc không chuyên nghiệp, thất thường. Tai hại nhất là không được trang bị kĩ về tâm lí học, giáo dục học, không làm đúng đường lối quan điểm giáo dục mà chỉ làm theo ý thích, như vậy là rất nguy hiểm.

Dùng người giỏi để đào tạo tay nghề nhà giáo

Như trên ông đã khẳng định, đổi mới lần này lựa chọn khâu đổi mới từ giáo viên là đúng đắn, xác định được hướng đi nhưng còn băn khoăn cách làm để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất. Tiến sĩ có ý tưởng gì không?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Thật vậy, đào tạo tay nghề cũng phải thay đổi, chúng ta không đào tạo theo lý thuyết nữa. Trước nay chúng ta bồi dưỡng giáo viên theo lý thuyết tức là mời giáo sư này, giáo sư kia dạy tràn lan đại hải, giáo viên dự 1-2 giờ hết rồi đi về. Bộ bồi dưỡng xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện về trường rồi cuối cùng cũng chẳng được là bao.

Bồi dưỡng là phải nâng được nhận thức, quan điểm, trình độ mới nhưng phải chỉ cho họ làm thế nào, mà chỉ cho họ làm thế nào thì phải là người giỏi. Phải đào tạo những giáo viên giỏi, trang bị lại nhận thức cho họ để sắp xếp. Quan điểm của tôi phải dùng người giỏi để bồi dưỡng cho giáo viên chứ không thể dùng học vị. Từng tỉnh thành, từng quận huyện phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bồi dưỡng phải cuốn chiếu (trao đổi lại nhận thức, thực hành tự trải nghiệm và sau đó kiểm tra lây bằng chứng chỉ, quyết định bậc lương).

Có làm như thế thì nhà giáo thường xuyên tích lũy và học suốt đời được, nếu ai không có tay nghề sẽ lòi ra ngay. Hiện nay tiền lương cho giáo viên chỉ đủ để trả số giờ lên lớp theo chuẩn nhà nước, còn giáo dục nhân cách phải làm nhiều việc, giáo viên thực hiện rất nhiều chương trình ngoại khóa, vậy khi người nào làm được việc đó phải trả lương, nhất là lương chủ nhiệm, phải coi đó là một chức danh trong nhà trường và phải được ưu đãi. Lúc đó người ta mới lao vào công tác giáo duc, chứ hiện nay giáo viên chủ nhiệm bắt nạt người trẻ, người rỗi việc làm, những người không làm được việc gì thì đi làm chủ nhiệm, đó là cực kì nguy hiểm.

Trong Đề án có đề cập tới phương thức giáo dục mới, tức là người thầy không chỉ dạy kiến thức mà nhiệm vụ chính sẽ là tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức  để hình thành năng lực và phẩm chất của mình. Tiến sĩ đánh giá đây là phương thức mới hay cũ?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Bản chất của việc học là tự học, là hứng thú học, biết cách học, nề nếp học và học có hiệu quả. Nhưng để học sinh thích học thì thầy phải làm gì? Trò làm gì? Đây là một câu chuyện gian khổ, vì hiện nay học sinh chỉ học ứng phó với thi, giáo viên không có năng lực dạy học.

Tự học là bản chất của việc học, hiện nay chúng ta đang đánh mất bản chất. Tuy là câu chuyện cũ nhưng phải làm mới, ai năng lực giỏi là biết tự học, người thầy chỉ là một phần tác động mà thôi.

Phải coi như đây là một trận đánh giáo dục rất gian nan. Nhưng tôi cần 2 người phải thay đổi nhanh, đó là những người đứng đầu nhà nước, đứng đầu ngành giáo dục phải thay đổi, chứ nếu chúng ta vẫn làm nửa vời như trước kia, vẫn sợ trách nhiệm thì làm sẽ không được, tiếp theo người đứng đầu các tỉnh nếu để cho giáo dục tỉnh mình kém phải chịu trách nhiệm.

Thủ tướng cũng phải chịu trách nhiệm bao giờ đưa giáo dục Việt Nam tới chỗ này, chỗ kia, Thủ tướng phải cam kết, phải trả lời, bằng những nguồn lực nào để đưa giáo dục đi lên.

Tiến sĩ có lo lắng không khi nguồn ngân sách chúng ta hạn hẹp cho phát triển và đổi mới giáo dục?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tiền không lo theo quan điểm của tôi, tiền để giải quyết những cái hết sức bài bản. Tiền cũng cần ngay cho trường sở nhưng trường sở chưa cần tới mức đó, chúng ta đang chấp nhận trường sở còn chưa đều, nhưng bây giờ chúng ta chỉ cần thầy giỏi. Nước mình hiện nay tham nhũng nhiều lắm, tiền nhiều thì rải nhiều, chưa hẳn tiền nhiều đã  giải quyết được. Đối với giáo dục trước mắt chỉ cần tiền cho đội ngũ, đào tạo lại đội ngũ. Đội ngũ này phải đào tạo lại từ 3-5 năm mới xong được. Chưa kể các trường sư phạm phải thay đổi.

Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Xuân Trung (thực hiện)