TQ tham vấn COC để "giảm sóc" Biển Đông ở hội nghị thượng đỉnh Đông Á?

02/10/2013 07:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Trang Quốc Thổ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc đại học Hạ Môn cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ không thống trị các cuộc họp này (APEC, hội nghị thượng đỉnh Đông Á) vì Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức "tham vấn" COC tại Tô Châu tháng trước.
Trang Quốc Thổ, đại học Hạ Môn.
Trang Quốc Thổ, đại học Hạ Môn.
Tờ Bưu điện Hoa Nam ngày 2/10 nhận định, Bắc Kinh đang sử dụng các cuộc họp quan trọng trong khu vực để khởi động "cuộc tấn công quyến rũ" nhằm vào các nước láng giềng phía Nam. Hai hội nghị quan trọng sẽ cung cấp cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao rộng lớn hơn, đó là phát triển quan hệ với các nước láng giềng phía Nam và chống lại trục chiến lược của Mỹ. Bắc Kinh sẽ tập trung giới thiệu sự đổi mới của mình ở khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy giao dịch thương mại cũng như tìm cách giành lợi thế trong các tranh chấp lãnh thổ với láng giềng. Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ dự hội nghị APEC và thăm chính thức Indonesia, Malaysia trong tuần này, chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên kể từ khi tiếp quản quyền lãnh đạo. Tuần tới, ông Lý Khắc Cường sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei trước khi đi thăm Thái Lan và Việt Nam. Các động thái ngoại giao của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tuyên bố yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ông Lý Khắc Cường đã nói rằng Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình "với các bên liên quan trực tiếp", đồng thời kêu gọi mở rộng thương mại khu vực và cơ sở hạ tầng. Trang Quốc Thổ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc đại học Hạ Môn cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ không thống trị các cuộc họp này (APEC, hội nghị thượng đỉnh Đông Á) vì Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức "tham vấn" COC tại Tô Châu tháng trước. "Các quốc gia ASEAN đã đạt được một số đồng thuận về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)", Trang Quốc Thổ nhận xét, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ không phải là trọng tâm chính của cuộc họp như năm ngoái mặc dù Philippines và Việt Nam sẽ nêu vấn đề này ra trước hội nghị. Như vậy có thể thấy cái gọi là "thiện chí" của Bắc Kinh trong việc ngồi vào bàn "tham vấn" COC trên thực tế ngoài mục tiêu câu giờ, hoãn binh tiến trình đàm phán, ký kết COC còn nhằm mục đích "giảm sóc", hoãn xung chiến lược trong việc phải đối mặt với các chất vấn về tình hình Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Trước đó Washington cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh quan trọng này, biết rằng sẽ không thể né tránh, Bắc Kinh đành dùng kế "tham vấn" COC để giảm tối đa áp lực từ dư luận khu vực cũng như cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Hồng Thủy