Trong một phát biểu vào đầu năm 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định rằng, có tới 30% công chức không có cũng được vì họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào.
Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 20/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại cho biết, sau một thời gian đề nghị các bộ ngành tiến hành phân loại, kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy, tỉ lệ cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ là trên dưới 1%.
Con số 1% khiến dư luận bất ngờ. Vậy thực sự hiệu quả làm việc của hơn 2,8 triệu công chức, viên chức Nhà nước hiện nay ra sao, đã thực sự khiến người dân hài lòng hay chưa? PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã có buổi trao đổi trên VTV về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia |
- Thưa ông, bắt đầu với con số 1%, ông có bình luận gì về con số 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ mới đưa ra?
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển: Theo tôi con số 1% có lẽ được hiểu theo rất nhiều chiều cạnh khác nhau và khiến dư luận không hài lòng lắm. Bởi vì như thế này, Phó Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, thay mặt Thủ tướng nói rằng hơn 30%. Bộ Nội vụ là cơ quan giúp việc cho Chính phủ về việc đánh giá công chức lại đưa ra con số 1%. Thế là hai con số vênh nhau.
Còn thứ 2, tình trạng xã hội bây giờ thủ tục hành chính phiền hà, chứng tỏ chất lượng công chức yếu kém. Vừa rồi tôi cũng nghe Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phàn nàn nhiều về chuyện chỗ nào cũng có tiêu cực. Vài hôm gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có trả lời các cử tri ở Ba Đình cũng có nói, tham nhũng như là ngứa ghẻ, có nghĩa là nó tràn lan. Vậy thì con số 1% này là không đủ tin cậy.
Tôi cho rằng, là nếu hỏi ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ căn cứ vào những cái gì để đánh giá là 1%, tôi nghĩ ông ấy sẽ rất khó trả lời.
- Vậy theo ông căn cứ vào đâu vì ngoài Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì theo tôi được biết, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến cũng đã từng phát biểu trong phiên chất vấn Quốc hội vào năm 2012 đó là, đánh giá khái quát thì 30% cán bộ làm được việc, 30% phải cầm tay chỉ việc và hơn 30% còn lại cầm tay chỉ việc vẫn không biết làm. Con số 30% và 1% là khoảng cách rất lớn, theo ông tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển: Tôi cho rằng các cơ quan đánh giá đều mang tính định tính chứ chưa mang tính định lượng. Định lượng thì phải có cách phân tích khoa học. Cách đánh giá cán bộ của ta lâu nay rất chung chung. Ví dụ như cuối năm, các cơ quan thường bình xét thi đua, mỗi người sẽ viết một bản kiểm điểm. Phần đầu là tư tưởng chính trị, phần này ai cũng ghi yêu đất nước, yêu chủ nghĩa xã hội, trung thành với chế độ….
Phần thứ hai là công việc thì ai cũng ghi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bên trên giao phó. Nếu những con số này mà đưa lên Bộ Nội vụ thì đương nhiên người ta đánh giá 1% là đúng theo đánh giá từ bên dưới. Như vậy tôi cho rắng, cách thức đánh giá cán bộ của mình quá cổ điển, mà đây là cổ điển dở chứ không phải cổ điển hay.
Năng lực làm việc của cán bộ, công chức còn kém lại thêm động cơ chưa trong sáng, vòi vĩnh nhũng nhiễu để kiếm chác làm cho người dân cảm thấy “hành chính” chính là cái “hành là chính”. |
- Theo ông, cách thức đánh giá cán bộ như vậy sẽ để lại kết quả như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển: Theo tôi cách đánh giá công chức như hiện nay nếu kéo dài thì không tốt, không muốn nói là nó không có tác dụng gì cho sự phát triển của nền công vụ. Tôi ví dụ thế này, một cơ quan tại sao lại tuyển 4 người chứ không phải là 5 người, và tại sao lại không phải là 3 người?
Thế là anh phải mô tả công việc, bộ phận này cần từng này người bởi vì họ phải đảm nhiệm từng này công việc. Nếu không làm được như thế thì làm sao anh biết được là 1%, 5% hay bao nhiêu %?
- Dư luận hiện nay đang khá xôn xao trước câu chuyện nước Mỹ đóng cửa Chính phủ và có đến khoảng 800 nghìn nhân viên Chính phủ có thể mất việc. Nhiều người so sánh về con số cán bộ công chức Nhà nước của nước Mỹ với hơn 300 triệu dân và hiệu quả công việc họ làm được. So sánh với nước ta thì quả là khập khiễng nhưng không thể không so sánh được. Vậy ý kiến của ông thế nào?
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển: Chuyện nước Mỹ đóng cửa là quan hệ giữa lập pháp và hành pháp, đó là cái rất hay và mình không nên đánh giá như thế là không tốt. Mình có thể hiểu hình dung là Chính phủ sẽ trả tiền cho công chức. Nhưng Chính phủ không có tiền thì những người công chức sẽ không có tiền để sống. Đó là logic bình thường. Nhưng ở nước Mỹ họ không bao giờ để công chức rơi vào tình trạng khủng hoảng như vậy.
Theo tôi là như thế này. Từ mâu thuẫn giữa lập pháp và hành pháp, một số lĩnh vực của công vụ đã dự trù, dự liệu là khi hành pháp và lập pháp có mẫu thuẫn thì những chỗ đó sẽ xử lí thế nào? Tôi nói ví dụ, nhà hộ sinh thì bác sỹ không thể nói là hôm nay không có lương nên không đỡ đẻ. Người ta đã dự liệu ra những tình huống đó và đây cũng không phải lần đầu tiên nước Mỹ như vậy.
- Nước ta hiện có 2,8 triệu công chức, viên chức. Nếu tính cả những người hưởng lương từ ngân sách là hơn 7,5 triệu người. Đó là con số rất lớn và là ghành nặng lớn cho ngân sách nếu số người đó làm việc không hiệu quả?
PGS, TS Nguyễn Đức Khiển: Nếu các chị có điều kiện đi tham khảo ở nước ta hiện nay, những người hưởng lương từ Nhà nước, có nghĩa tiền do nhân dân đóng góp là quá nhiều. Tôi cũng là người nghiên cứu nhiều năm trong hành chính.
Không biết câu nói của tôi có bảo đảm hay không nhưng tôi chưa thấy có nước nào số người hưởng lương từ Nhà nước, có nghĩa là những người mà nhân dân phải bỏ sức lao động ra để nuôi cả hệ thống chính trị. Từ chi bộ cho đến tổ trưởng dân phố rồi đến trưởng thôn, những chức vụ mà những năm 1960 – 1980, vẫn có chức vụ đấy nhưng không được hưởng lương.
Giờ cái gì cũng gán lương cho họ, hình như là nếu không có tiền họ sẽ không làm.Tình trạng quản lí của mình là như vậy. Đây là trường hợp thứ nhất.
Trường hợp thứ 2 là cơ quan công quyền của mình, một cơ quan hành chính xin biên chế rất dễ. Tôi ở cơ quan tôi biết. Năm nay thì 100 suất, sang năm đến cuối năm anh tổ chức lại xin thêm khoảng 2 chục suất nữa và nói đi nói lại là vẫn được 2 chục suất đó. Một cán bộ ở cơ quan công quyền được rót một phần ngân sách của Nhà nước vào đó, càng có nhiều công chức họ lại càng có nhiều ngân sách. Đây là lỗ hổng của cơ quan công quyền. Nói rất nhiều nhưng không có giải pháp thì không thể sửa chữa được.
Ý thứ 3, chúng ta xã hội hóa quá yếu kém, chậm chạp. Theo tôi nước ta bây giờ quá nhiều trường công, quá nhiều bệnh viện công. Tôi được biết có một Bộ có đến 80 trường công thì không hiểu sao một Bộ lại nhiều trường đến như vậy? Thế làm gì mà bộ máy không cồng kềnh, ngân sách không mất nhiều?
- Nếu có chuyện 30% công chức không có cũng được thì tại sao lại không cắt giảm, có khó khăn gì trong việc cắt giảm hay không?
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển: Cắt giảm hay không là do thể chế bởi vì người ta không cắt giảm cũng không việc gì thì không ai người ta cắt giảm cả. Ví dụ như một người thủ trưởng cơ quan đã lấy người ta vào cách đây vài ba năm, giờ tự nhiên lại bảo anh chị thừa nên phải ra à?
Như vậy ở đây có cái rất không hay vì nhỡ đâu, người ta hỏi căn cứ vào đâu mà ông bảo thừa thì bản thân người lãnh đạo ở Việt Nam rất khó trả lời. Vì cách tính biên chế và cách sử dụng con người của chúng ta nó là như thế.
Ở nhiều nước khác, ví dụ tôi làm thủ trưởng, tôi được quyền lấy cấp dưới. Anh muốn lấy thế nào thì lấy, miễn là người thủ trưởng của tôi giao việc cho tôi tốt. Nhưng nếu tôi làm không tốt thì người ta sẽ nói rằng là ngày mai, cái ghế này của anh người khác sẽ ngồi.
Thế nhưng ở ta quy trình thủ tục hết sức rườm rà, văn bản làm lúc nào cũng hết sức chặt chẽ. Cuối cùng xã hội vẫn được hưởng một nền công vụ cồng kềnh như vậy.