EVN: Một số kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa chính xác

09/10/2013 11:49
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Sau những Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về những sai phạm dẫn đến tăng giá điện thời gian, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cho rằng: Một số kết luận chưa chính xác.
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây đã đưa ra một loạt sai phạm của EVN. Đáng chú ý nhất là việc EVN đầu tư các nhà máy nhưng lại kèm theo các hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” với nhiều tiện nghi như bể bơi, sân tennis… nhưng lại tính vào tổng mức đầu tư nguồn điện. Qua đó, nguồn đầu tư này sẽ được tính vào giá điện, là nguyên nhân khiến giá điện liên tục tăng.

Tuy nhiên, "phản pháo" kết luận này, EVN cho biết: Do các nhà máy điện có công suất lớn hầu hết được xây dựng ở cách xa khu dân cư và thành phố nên cần có khu Quản lý vận hành sửa chữa, trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân nhằm huy động kịp thời công nhân khi xảy ra sự cố.

EVN "phản pháo" kết luận của Thanh tra Chính phủ
EVN "phản pháo" kết luận của Thanh tra Chính phủ

Đây là những nhà ở công vụ, do vậy khi công nhân không làm việc ở nhà máy sẽ phải trả lại nhà, còn biệt thự đơn lập, song lập cho các chuyên gia sinh sống khi không dùng nữa sẽ chuyển thành nhà khách.

Trong khi đó với các công trình thể thao cao cấp như bể bơi, sân tennis.. EVN cho rằng việc này giúp giảm độ căng thẳng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho nhân viên để duy trì ca trực tiếp theo.

"Hiện nay, trong các Nghị định về Quản lý đầu tư của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành không nêu cụ thể có danh mục Khu quản lý vận hành sửa chữa, nhà công vụ, nhưng vì những lý do trên nên việc xây dựng khu quản lý vận hành, sửa chữa, nhà công vụ cho cán bộ công nhân của các nhà máy điện là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế", văn bản của EVN nêu rõ.

EVN cũng khẳng định, nguồn vốn đầu tư khu chung cư, nhà công vụ phục vụ vận hành, công trình thể thao được trích từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng và hạch toán riêng không đưa vào giá thành bán điện.

Về việc vốn đầu tư ngoài Công ty mẹ (EVN) được hiểu là việc EVN dùng vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, truyền tải, phân phối điện theo cơ chế, quy định của Nhà nước. Theo báo cáo của EVN do trước đây, khi còn là Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, các đơn vị này đều thuộc tổng công ty.

Tuy nhiên, khi chuyển sang mô hình Tập đoàn, có sự thay đổi: Công ty mẹ là một pháp nhân; các công ty con, công ty liên kết cũng là pháp nhân như công ty mẹ. Mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con, công ty liên kết thông qua hình thức công ty mẹ đầu tư vốn vào công ty con, công ty liên kết.

“Như vậy, ở đây chỉ là sự thay đổi mô hình hoạt động còn bản chất các khoản đầu tư của EVN vào các Cty con, Cty liên kết sản xuất kinh doanh điện, không phải là khoản đầu tư mới ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện”, EVN khẳng định.

Về kết luận EVN giao chỉ tiêu kinh doanh lỗ năm 2011 cho các Tổng công ty, EVN cho biết: “Do năm 2010, 2011 EVN gặp rất nhiều khó khăn như nhu cầu phụ tải tăng cao trong khi nắng hạn thiếu nước, ngành Điện phải huy động lượng dầu rất lớn để phát điện nên 2 năm liên tiếp EVN lỗ tổng cộng 12.000 tỷ đồng”.

Theo quy trình xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, hằng năm EVN giao các chỉ tiêu cho các Tổng công ty, các đơn vị trong Tập đoàn. Năm 2011 do khó khăn nên EVN đã giao chỉ tiêu lỗ cho các đơn vị để các đơn vị phấn đấu giảm lỗ so với lỗ kế hoạch.

“Việc hạch toán giá thành của EVN luôn tuân thủ các quy định của nhà nước và đã được các tổ chức thanh tra, kiểm toán xác nhận” - đại diện EVN nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số vấn đề Thanh tra Chính phủ đề cập như mua sắm xe ô tô vượt quy định, đầu tư hàng triệu USD cho đào tạo thạc sĩ nhưng bằng không được thừa nhận… không được EVN đưa ra.
Hồng Minh (Tổng hợp)