Vì sao 6 doanh nghiệp phải giải trình giá sữa?

10/10/2013 07:28
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Trong số 6 doanh nghiệp bị Bộ Tài chính yêu cầu kê khai giá sữa trên hầu hết là các doanh nghiệp phân phối, sản xuất các mặt hàng sữa chiếm thị phần lớn trên thị trường. Ở góc độ nào đó, do nắm thị phần lớn nên giá sữa đều bị chi phối bởi các “ông lớn” này.
Ngay khi Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá (ngày 4/10), Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cùng vào cuộc để quản lý giá sữa và sản phẩm sữa theo quy định của Luật Giá trên địa bàn.

Trong công văn của Bộ Tài chính nêu rõ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài chính thực hiện việc quản lý giá đối với mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 30/2013/TT-BYT ngày 4/10/2013 về việc ban hành Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá.

Cục Quản lý giá yêu cầu 6 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sẽ phải kê khai giá trước 20/11/2013.
Cục Quản lý giá yêu cầu 6 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sẽ phải kê khai giá trước 20/11/2013.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý giá cũng có công văn số 227a/CQLG-NLTS yêu cầu 6 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa gồm: Công ty Cổ phần thương mại và phát triển ORGANIC Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (sữa Abbot), Công ty TNHH sữa Nestle Việt Nam, Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam... phải kê khai giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với Cục Quản lý Giá  trước ngày 20/11/2013. 

Yêu cầu 6 doanh nghiệp phải kê khai giá sữa

Yêu cầu 6 doanh nghiệp phải kê khai giá sữa

Giá bán lẻ sữa Similac, Nestle, Enfa chênh giá nhập khẩu tới... 500%

Giá bán lẻ sữa Similac, Nestle, Enfa chênh giá nhập khẩu tới... 500%

Không chỉ yêu cầu các doanh nghiệp này phải kê khai giá sữa, Cục Quản lý giá còn yêu cầu 6 doanh nghiệp trên phải giải trình nguyên nhân tăng giá sữa từ đầu năm tới nay. Đây được xem biện pháp mạnh của cơ quan quản lý nhằm tích cực quản lý giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo số liệu từ Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho thấy trong tính từ đầu năm đến nay, đã có 5 doanh nghiệp sữa gửi thông báo tăng giá từ 2% - 16% cho cơ quan này.

Tháng 1, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng từ 15-%16%, đồng thời Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến (nhà phân phối sản phẩm của Mead Johnson Nutrition Việt Nam) tăng giá 3 mặt hàng 9% - 10%.

Tháng 2 lại có thêm 2 doanh nghiệp tăng giá sữa là Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam - tăng 31 mặt hàng từ 2% - 9,5% và Công ty TNHH Friesland Campina - tăng thêm 9% một số mặt hàng.

Tháng 5, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng với mức 8% từ ngày 10/5... Lý do mà các doanh nghiệp này đưa ra là các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tiền lương... tăng.

Theo thống kê khác, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, giá sữa đã tăng tới 4 lần, mức tăng thêm từ 8 - 9% tùy loại, có loại tăng tới 15%. Từ ngày 1/8, một số hãng sữa ngoại đã tăng giá nhẹ. Dutch Lady đã gửi thông báo đến các nhà phân phối về việc tăng 6.000 đồng/thùng sữa (giá niêm yết trên hóa đơn giá trị gia tăng).

Lý giải nguyên nhân tăng giá ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Nestlé Việt Nam cho biết từ năm ngoái đến nay Nestlé chưa tăng giá lần nào trong khi các chi phí khác đều tăng nên lần này công ty điều chỉnh mức giá. Trong khi đó đại diện sữa Abbott cho rằng việc tăng giá là theo tình hình chung của thị trường. “Các yếu tố chính ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa gồm chi phí nguyên vật liệu và tình hình lạm phát", đại diện Abbott cho biết.

Trong số 6 doanh nghiệp bị Bộ Tài chính yêu cầu kê khai giá sữa trên hầu hết là các doanh nghiệp phân phối, sản xuất các mặt hàng sữa chiếm thị phần lớn trên thị trường. Ở góc độ nào đó, do nắm thị phần lớn nên giá sữa đều bị chi phối bởi các “ông lớn” này. Dẫn đến việc khi một doanh nghiệp tăng giá sẽ kéo theo doanh nghiệp khác tăng giá lên.

Nhận định điều này ông Nguyễn Duy Đạt - Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Quốc tế (Khoa Thương mại Quốc tế, Đại học Thương mại Hà Nội) cho biết: Sở dĩ hiện nay, các hãng sữa có thể tăng giá liên tục là do cấu trúc của thị trường sữa có tính độc quyền cao (tạm gọi là độc quyền nhóm), trong đó người bán (các hãng sữa) có sức mạnh thị trường lớn trong việc ấn định giá.
Thực tế, thị trường sữa Việt Nam bị chi phối bởi vài hãng sữa lớn. Các hãng này với sức mạnh về thương hiệu, R&D (nghiên cứu và phát triển), hệ thống phân phối, các chuyên gia…, nên dễ dàng nắm vị thế dẫn đầu trên thị trường.

Chỉ ra bất cập, TS.Nguyễn Ngọc Sơn, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết bản thân Luật Giá hiện nay không can thiệp được vào các hành động liên quan đến việc tăng giá, ép giá. Luật Giá chủ yếu đặt ra cơ chế liên quan đến minh bạch giá, ngăn chặn tình trạng đưa thông tin không chính xác về giá. Đối với mặt hàng sữa, Luật Giá cũng chỉ đưa vào diện bình ổn giá để hỗ trợ giá chứ không phải là cơ chế kiểm soát, định giá.

Một trong những kẽ hở mà các hãng sữa "lách" là nhập nguyên liệu về kê khai là sữa bột để chỉ phải chịu mức thuế 3 - 5%, sau đó pha thêm các chất dinh dưỡng, hương liệu… và đổi thành thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung. Như vậy, họ không phải đăng ký kê khai giá với cơ quan chức năng. Nếu khai là thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng thì phải chịu thuế suất 10 - 15%.
Hồng Minh (Tổng hợp)