Mỹ, Nga và Trung Quốc đang dốc sức chạy đua máy bay vũ trụ

11/10/2013 07:58
Việt Dũng
(GDVN) - Tháng 9/2013, Trung Quốc và Mỹ công bố chương trình vũ trụ tương lai, trong khi Nga công bố chương trình MRKS-1...
Máy bay không gian-mặt đất/máy bay vũ trụ Mỹ (tưởng tượng)
Máy bay không gian-mặt đất/máy bay vũ trụ Mỹ (tưởng tượng)

Trang mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 8 tháng 10 đăng bài viết nhan đề "Khái niệm máy bay vũ trụ của Trung-Mỹ-Nga cho thấy bắt đầu cuộc chạy đua vũ trụ của ba bên" của tác giả Richard Fischer - nhà nghiên cứu cao cấp, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và đánh giá quốc tế Mỹ.

Bài viết cho rằng, ba nước Trung Quốc, Mỹ, Nga đều đang nghiên cứu phát triển máy bay vũ trụ không mang theo con người, bay dưới quỹ đạo và có thể tái sử dụng, những máy bay vũ trụ này có thể bay với tốc độ siêu thanh.

Tháng 9 năm 2013, Trung Quốc và Mỹ đã ra tuyên bố về chương trình vũ trụ hoặc phát triển máy bay hàng không vũ trụ tương lai, Nga đã công bố chương trình MRKS-1 của họ. Theo báo chí các nước, điều này có nghĩa là, ba nước Trung Quốc, Mỹ, Nga có thể đã triển khai một cuộc chạy đua máy bay vũ trụ, mục tiêu của họ là tiến hành khai thác quân sự và thương mại đối với vũ trụ trong tình hình giảm mạnh chi phí.

Cao Hồng Vệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn khoa học công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc nghĩ rằng, có thể nghiên cứu phát triển hệ thống vận tải qua lại giữa không gian-mặt đất, có thể tái sử dụng. Tháng 9, Cao Hồng Vệ đã có bài phát biểu liên quan tại Đại hội hàng không vũ trụ quốc tế khóa 64 tổ chức tại Bắc Kinh.

Phương án máy bay vũ trụ X-33 của Mỹ
Phương án máy bay vũ trụ X-33 của Mỹ

Theo bài viết, trước khi Trung Quốc ra tuyên bố vào tháng 9, tại Đại hội hàng không vũ trụ quốc tế năm 2006, mọi người có thể hiểu rõ tham vọng nghiên cứu phát triển phương tiện hàng không vũ trụ mang theo con người của Trung Quốc. Khi đó, hai kỹ sư đến từ viện nghiên cứu công nghệ tên lửa đẩy của Trung Quốc đã miêu tả về 2 khái niệm máy bay vũ trụ. Cái thứ nhất là một máy bay vũ trụ mang theo con người phóng thẳng đứng từ 120-140 tấn, tải trọng hiệu quả của nó là 7 tấn, phóng bằng tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh-5 mới.

Cái thứ hai là máy bay vũ trụ hoạt động dưới quỹ đạo 100 tấn. Nó sẽ phóng một tên lửa đẩy giai đoạn 2, tên lửa này có thể đưa tải trọng hiệu quả 1 tấn lên quỹ đạo. Năm 2010, một kỹ sư của Đại học công nghiệp Tây Bắc, trung tâm quan trọng nghiên cứu liên quan đến máy bay vũ trụ Trung Quốc cho biết, đối với "nghiên cứu phát triển tên lửa đẩy tương lai tương đối gần", chương trình máy bay vũ trụ dưới quỹ đạo càng có ý nghĩa thực tế.

Bài viết chỉ ra, chương trình máy bay vũ trụ dưới quỹ đạo có thể tái sử dụng của Nga do Trung tâm hàng không vũ trụ Khrunichev lãnh đạo. Khái niệm MRKS-1 tưởng tượng chế tạo một loại máy bay vũ trụ giai đoạn 1 phóng thẳng đứng có thể tái sử dụng, nó có thể sử dụng tốc độ siêu thanh đạt tới vị trí dưới quỹ đạo, từ đó phóng 1 tên lửa đẩy không thể tái sử dụng, đưa tải trọng hiệu quả lên quỹ đạo.

Phương án máy bay vũ trụ X-34 của Mỹ
Phương án máy bay vũ trụ X-34 của Mỹ

Chương trình có liên quan công nghệ máy bay vũ trụ có thể tái sử dụng gần đây của Mỹ do Cơ quan nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng lãnh đạo. Ngày 17 tháng 9, cơ quan này đã tuyên bố một chương trình máy bay không gian mang tính thử nghiệm (XS-1). XS-1 sẽ là một loại "phương tiện không người lái toàn diện có thể tái sử dụng", tốc độ bay là 10 Mach (tương đương 10 lần tốc độ âm thanh).

Mục tiêu của chương trình này là, giảm chi phí đưa tải trọng hiệu quả tương đối nhỏ lên vũ trụ xuống còn 1/10 so với ban đầu, tức là chi phí mỗi lần bay thấp hơn 5 triệu USD. Chương trình này cũng có ý "thể hiện công nghệ bay siêu thanh trên vũ trụ tương lai với Chính phủ và các cơ quan dân sự".

Phương án máy bay không gian của Anh
Phương án máy bay không gian của Anh
Việt Dũng