Mỹ hạ thủy TSB Gerald R. Ford, Trung Quốc kém 40 năm

13/10/2013 14:51
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ vừa hạ thủy tàu sân bay thế hệ mới đầu tiên Gerald R. Ford, trong khi Trung Quốc đang lúng túng khắc phục điểm yếu của Mỹ 40 năm trước.
Tàu sân bay thế hệ mới đầu tiên Gerald R. Ford Mỹ được đổ nước, hạ thủy
Tàu sân bay thế hệ mới đầu tiên Gerald R. Ford Mỹ được đổ nước, hạ thủy


Tàu sân bay Gerald R. Ford hạ thủy

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 12 tháng 10 dẫn mạng Hải quân Mỹ cho biết, ngày 11 tháng 10 năm 2013, tàu sân bay Gerald R. Ford mới nhất của Mỹ đã hạ thủy  thành công ở nhà máy đóng tàu Newport News của Công ty công nghiệp Huntington Ingalls ở bang Virginia. Bến tàu đã đổ nước cho tàu sân bay Gerald R. Ford, chiếc tàu khổng lồ có lượng giãn nước 100.000 tấn này lần đầu tiên đã nổi lên mặt nước. Lễ hạ thủy cũng đã mời con gái của Tổng thống Gerrard Ford, bà Susan Ford bấm nút đổ nước tại bến tàu.

Tàu sân bay Ford là tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Ford đầu tiên thế hệ mới của Hải quân Mỹ, đặc trưng lớn nhất của nó là trang bị phóng điện từ. Nhiều loại công nghệ mới cao áp dụng cho tàu sân bay này như hệ thống phóng điện từ máy bay chiến đấu (trước đây đều phóng bằng hơi nước), hệ thống phân phối điện công suất lớn mới (lò phản ứng hạt nhân, hệ thống đẩy bằng điện), radar mảng pha quét điện tử chủ động, hệ thống phòng thủ laser..., được trang bị máy bay chiến đấu F-35, được cho là tàu sân bay mạnh nhất thế giới hiện nay.

Ngoài ra, theo mạng “Thông tin khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc” ngày 10 tháng 10, việc Mỹ để nổi tàu sân bay Gerald R. Ford lần này là để chuẩn bị cho lễ đặt tên vào ngày 9 tháng 11 năm 2013.

Tàu sân bay Gerald R. Ford
Tàu sân bay Gerald R. Ford

Theo bài báo, tàu sân bay Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên của tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp CVN-78, lượng giãn nước sẽ đạt 112.000 tấn, đã lắp các hệ thống hoàn toàn mới như phóng điện từ, thiết bị cản, kiến trúc trên đảo tàu, thiết kế lò phản ứng hạt nhân và radar sóng ngắn đôi.

Tàu sân bay Gerald R. Ford bắt đầu được chế tạo từ tháng 11 năm 2009, đến ngày 3 tháng 10 năm 2013 đã hoàn thành công tác lắp ráp 4 cánh quạt (bằng đồng) nặng 30 tấn, đường kính mỗi cánh quạt là 21 thước Anh (6,4 m), trong 3 năm tới sẽ tiến hành công tác lắp ráp kết cấu, gồm đường ống, hệ thống điện, nhà bếp, nhà ăn... Mỹ có kế hoạch triển khai con tàu này nhanh nhất là vào năm 2015.

Đánh dấu tiêu chuẩn công nghệ của tàu sân bay thế hệ mới

Liên quan đến tàu sân bay Mỹ, ngày 12 tháng 10, Tân Hoa xã đăng bài viết của tướng học giả Trần Hổ cho rằng, trong thời gian gần đây, tàu sân bay Gerald R. Ford đã trở thành đề tài nóng hổi. Với tính chất là tàu chiến mặt nước cỡ lớn mới nhất thế giới, tàu sân bay Ford sẽ có tác động mới và to lớn đối với sản xuất trang bị hải quân hiện nay. Rất nhiều phương tiện truyền thông từng đưa tin công nghệ của tàu sân bay Ford tiên tiến như thế nào, trong đó có thiết bị dò tìm điện tử, thiết kế tàng hình mặt tàu, đảo tàu và rất nhiều điều chỉnh phần mềm tác chiến.

Trần Hổ dẫn lời của tướng học giả Doãn Trác so sánh tàu sân bay Ford với tàu sân bay lớp Nimitz cũ, cho rằng, tàu sân bay Nimitz một ngày đêm có thể tấn công hơn 200 mục tiêu, còn tàu sân bay Ford ít nhất phải gấp ba, tức là trong một ngày đêm tấn công gần 1.000 mục tiêu. Do đó, sức chiến đấu của tàu sân bay Gerald R. Ford đã được tăng cường to lớn.

Tàu sân bay Gerald R. Ford
Tàu sân bay Gerald R. Ford

Theo bài viết, công nghệ của tàu sân bay Gerald R. Ford tiên tiến ở chỗ nào, đương nhiên không cần phải nói nhiều. Nhưng, tướng học giả Trần Hổ Trung Quốc lại quan tâm so sánh khoảng cách giữa Trung Quốc với Mỹ về trang bị công nghệ hiện nay.

Theo bài viết, so với tàu sân bay Gerald R. Ford, tàu sân bay Trung Quốc thực sự có khoảng cách, chỉ riêng bản thân tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc là “người đi sau”, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hiện còn đang trong quá trình hình thành sức chiến đấu, còn Mỹ là nước công nghiệp và nước sử dụng tàu sân bay lớn nhất thế giới, đã bước vào giai đoạn rất hoàn thiện, đồng thời đang không ngừng nâng cấp trình độ công nghệ tàu sân bay mới nhất.

Sự ra đời của tàu sân bay Gerald R. Ford thực sự đánh dấu tiêu chuẩn công nghệ của tàu sân bay thế hệ mới. Không khó để nhìn thấy, tàu sân bay của Trung Quốc có khoảng cách to lớn với Mỹ, có thể là 30 năm, thậm chí lâu hơn. Ở một cấp độ cao hơn, công nghệ quốc phòng của Trung Quốc cũng tồn tại khoảng cách to lớn với Mỹ. Khoảng cách về công nghệ tàu sân bay phần nào cũng đã đại diện cho khoảng cách chung của công nghệ quốc phòng, khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc với trình độ tiên tiến của thế giới.

Trung Quốc phải học hỏi nhiều

Theo bài viết, có nhiều người cho rằng, mấy năm gần đây, việc xây dựng hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc đã có sự phát triển vượt bậc, có rất nhiều thông tin về sự tiến triển liên tục của tàu chiến mới. Nhưng, Trung Quốc vẫn ở trong quá trình "học bù", đuổi theo.

Bà Susan Ford, con gái của Tổng thống Gerrard Ford bấm nút đổ nước tại bến tàu.
Bà Susan Ford, con gái của Tổng thống Gerrard Ford bấm nút đổ nước tại bến tàu.

Bỏ qua tàu sân bay, nhìn vào sự phát triển của tàu khu trục cỡ vừa, cỡ lớn, có người cho rằng, tàu khu trục 052D Trung Quốc đã có thể tranh cao thấp với tàu chiến Aegis của Mỹ, nếu chỉ nhìn vào vũ khí trang bị và thiết bị điện tử trên tàu, có lẽ phải thừa nhận nhất định, nhưng thân tàu vẫn có khoảng cách với trình độ tiên tiến của thế giới.

Hiện nay, Trung Quốc đang phải tìm cách giải quyết nhiều vấn đề của tàu sân bay, nhất là động cơ, vấn đề giảm xóc, giảm tiếng ồn, duy trì khả năng sẵn sàng và độ tin cậy mức cao của tàu…  Những vấn đề này là những vấn đề mà Quân đội Mỹ đã gặp và giải quyết cách đây 30 năm, thậm chí 40 năm.

Hiện nay, đặc điểm kỹ thuật/công nghệ nổi bật của tàu chiến mặt nước cỡ vừa của Mỹ đã chuyển sang tàu chiến mặt nước tốc độ cao, chẳng hạn tàu tuần duyên (như USS Freedom), đã chuyển sang đẩy phun nước, đẩy hoàn toàn bằng điện, đã tạo ra khoảng cách với vấn đề mà Trung Quốc gặp phải hiện nay.

Không chỉ là tàu chiến Hải quân tồn tại vấn đề tương tự, máy bay cũng như vậy. Máy bay thế hệ thứ tư của Trung Quốc đã ra đời, đang được tiến hành bay thử, trong khi đó máy bay chiến đấu cùng thế hệ của Mỹ đã ra đời vào thập niên 90 của thế kỷ trước. So sánh tất cả các lĩnh vực công nghệ của vũ khí trang bị, không thể không thừa nhận Trung Quốc tồn tại khoảng cách 30 năm trở lên với Mỹ.

Bà Susan Ford, con gái Tổng thống Gerald R. Ford xem tàu sân bay thế hệ mới đầu tiên trước khi hạ thủy.
Bà Susan Ford, con gái Tổng thống Gerald R. Ford xem tàu sân bay thế hệ mới đầu tiên trước khi hạ thủy.

Vì vậy, thông qua sự ra đời của tàu sân bay Gerald R. Ford, trước hết cần xem xét là khoảng cách trong xây dựng hiện đại hóa quốc phòng hiện nay của Trung Quốc với trình độ tiên tiến của thế giới. Ngoài xem xét khoảng cách, theo bài viết trên báo Trung Quốc, "cần có ý thức về nguy cơ nhất định, phải bảo vệ sự phát triển kinh tế, phải bảo vệ chủ quyền, lợi ích, quyền lợi quốc gia, phải đóng góp cho hòa bình của thế giới và khu vực".

Susan Ford, con gái của Tổng thống Gerald R. Ford
Susan Ford, con gái của Tổng thống Gerald R. Ford
Ngày 10 tháng 10 năm 2013 (giờ địa phương), binh sĩ Hải quân Mỹ cắt bánh gato chúc mừng trước tàu sân bay Gerald R. Ford hạ thủy
Ngày 10 tháng 10 năm 2013 (giờ địa phương), binh sĩ Hải quân Mỹ cắt bánh gato chúc mừng trước tàu sân bay Gerald R. Ford hạ thủy
Tình hình chế tạo tàu sân bay Gerald R. Ford trước khi hạ thủy
Tình hình chế tạo tàu sân bay Gerald R. Ford trước khi hạ thủy
Việt Dũng