Cước 3G tăng, vì sao khách hàng phản ứng dữ dội?

15/10/2013 06:38
Hồng Minh
(GDVN) - Sau khi hai nhà mạng MobiFone và Viettel tăng cước dịch vụ 3G trọn gói lên đến 40% so với giá hiện nay đã khiến khách hàng phản ứng dữ dội nguyên nhân chính là chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với giá trị đồng tiền khách hàng chi ra.
Theo thông báo trên website chính thức của hai nhà mạng này, mức cước gói 3G trọn gói của MobiFone (MIU) và Viettel (MiMax) sẽ được điều chỉnh tăng lên 70.000 đồng/tháng (giá hiện tại là 50.000 đồng/tháng).

Với 70.000 đồng/tháng, khách hàng sẽ được hưởng mức dung lượng 600 MB ở tốc độ truy cập 3G chiều tải lên tối đa là 8 Mbps, chiều tải xuống 2 Mbps. Vượt quá mức dung lượng trên, tốc độ truy cập sẽ xuống mức trung bình thấp. Gói cước truy cập 3G trọn gói cho đối tượng học sinh - sinh viên cũng tăng lên mức 50.000 đồng/tháng. Mức giá cước mới sẽ được áp dụng từ ngày 16/10/2013.

Khách hàng phản ứng dữ dội việc nhà mạng tăng giá cước 3G
Khách hàng phản ứng dữ dội việc nhà mạng tăng giá cước 3G

Lí do tăng cước được phía Viettel đưa ra là: “Theo quy định của Bộ Thông tin - truyền thông, giá cước data 3G phải được quản lí dựa trên cơ sở giá thành và việc điều chỉnh giá cước lần này là động thái đưa giá bán tiệm cận dần với giá thành”.

Ngay sau thông tin hai nhà mạng này tăng giá cước 3G trên hàng loạt diễn đàn khách hàng đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ quyết định tăng giá cước lần này của các nhà mạng. Trong đó chủ yếu là chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với chi phí bỏ ra. Cùng với đó cộng đồng mạng đang cùng nhau tẩy chay bỏ dịch vụ 3G.

Phát triển nhờ đi ngược xu thế

Dịch vụ 3G xuất hiện ở Việt Nam từ cuối năm 2009, nhưng mới chỉ bắt đầu nở rộ với số lượng người dùng tăng mạnh kể từ khi các nhà mạng đua nhau giảm giá các dịch vụ này. Tại thời điểm hiện tại, giá cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn gần 10 lần so với Trung Quốc và kém khoảng 40 lần so với các nước châu Âu.

Các nhà mạng chấp nhận bỏ tiền đầu tư lớn mở rộng hạ tầng, nâng cấp hệ thống, giảm giá thành liên tiếp tung ra các gói cước 3G hấp dẫn với những đợt khuyến mại khủng. Trong thời gian ngắn, nhờ nỗ lực đua ngược dòng bão giá của các nhà mạng, số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ 3G tăng chóng mặt. Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những nước có giá cước 3G hấp dẫn nhất thế giới.  

Tuy nhiên sau khi có được lượng khách hàng ổn định, nhà mạng lại quay lại tăng giá sử dụng phí 3G theo biểu đồ hình tháp “chỉ tăng không có giảm”. Tháng 4/2013 vừa qua gói cước dịch vụ 3G đã được các nhà mạng âm thầm tăng giá cước lên đến 25%. Cộng với đợt tăng lần này lên đến 40%. Có thể thấy các nhà mạng đang đi ngược với xu thế chung của phí dịch vụ viễn thông trên thế giới là giảm giá thành để thu hút người dùng.

“Đắt có xắt ra miếng”?


Lâu nay các nhà mạng vẫn thường cho rằng giá cước điện thoại di động và 3G ở Việt Nam quá rẻ, dẫn đến việc nhà cung cấp không thể đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ được. Tuy nhiên như người ta nói “của rẻ là của ôi” hay “đắt xắt ra miếng”, giá cước dịch vụ 3G trên thế giới và khu vực cao hơn ở Việt Nam thì ngược lại từ tốc độ đường truyền và ổn định đường truyền đều cực kỳ cao.

Bạn đọc Phước An đăng một ví dụ thực tế trên Tuổi trẻ: Khi sang Malaysia xem đội tuyển U-19 đá vòng loại châu Á và gặp anh Hoài Ân, người đã có sáng kiến phục vụ giới hâm mộ bóng đá nước nhà bằng cách tự quay và phát trực tiếp lên YouTube cả ba trận đấu của đội U-19 Việt Nam (trong đó có trận U19 Việt Nam găng 5 – 1 U19 Australia đã thu hút cả trăm ngàn người xem). Và chỉ với gói có dung lượng 4 Gb với giá 90 Ringgit (khoảng 630.000 đồng VN), Hoài Ân đã truyền lên YouTube cả ba trận đấu cũng chỉ hết có một nửa.

“Tốc độ đường truyền thì khỏi chê, nhanh cực kì chứ không chậm rì rì như dịch vụ 3G ở Việt Nam. Tính ra giá cước dịch vụ có cao hơn Việt Nam chút ít nhưng chất lượng tốt nếu so với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam không bằng 1/4 so với Malaysia thì giá cước 3G Việt Nam đang “đắt mà không xắt ra miếng”, Bạn đọc Phước An chia sẻ.

Từ đó bạn đọc Phước An cho rằng việc nhà mạng tăng giá cước dịch vụ 3G trong khi chất lượng dịch vụ không tương xứng sẽ khiến khách hàng khó “nuốt” trôi.

Chất lượng dịch vụ kém

Bên cạnh chất lượng đường truyền, điều khiến khách hàng sử dụng dịch vụ 3G của các nhà mạng Việt Nam bức xúc chính là chất lượng dịch vụ thể hiện ở cách tính giá cước và những “nhập nhèm” trong đăng ký gói cước. Có trường hợp khách hàng đã đăng ký gói cước trọn gói nhưng không hiểu vì lý do kỹ thuật hay nguyên nhân nào khác nhà mạng vẫn để thuê bao sử dụng gói cước dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu dẫn đến giá cước tăng lên tiền triệu chỉ trong vài ngày. 

Đi kèm theo các dịch vụ này là lượng tin nhắn rác khủng khiếp mà khách hàng mạng di động tại Việt Nam bị làm phiền. Theo số liệu của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đứng thứ 6 về phát tán tin nhắn rác, là đích tấn công của các tin tặc thế giới đổ vào Việt Nam.

Theo số liệu 8/2013, Việt Nam là nước phát tán tin nhắn rác, với số lượng tin nhắn được phát tán hàng ngày là 140 tỉ tin, trong đó 70% là thư rác, có nghĩa là Việt Nam phát 3,3 tỉ tin nhắc rác 1 ngày, tương đương 2 triệu máy tính, thì mỗi máy tính phát tán gần 2.000 tin nhắn rác/ngày. Đây là một số liệu rất lớn. Đi kèm theo tin nhắn rác là sự khó chịu, phản cảm mà khách hàng phải chịu mỗi ngày.

Theo một nghiên cứu thì chỉ số hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ 3G nói chung giảm từ 71 điểm năm 2011 xuống 64 điểm năm 2012. Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy, khách hàng hài lòng với độ rộng của vùng phủ sóng (84 điểm), song vẫn chưa thực sự hài lòng về tốc độ đường truyền của các nhà mạng (55 điểm). Bởi vậy, không ít người đã tính đến chuyện tẩy chay 3G ở Việt Nam. 

Trước thực tế này, các nhà mạng nên tính toán đến việc tăng chất lượng dịch vụ, chất lượng đường truyền trước khi tăng giá cước, nhất là trước đối thủ tiềm tàng là dịch vụ OTT.
Hồng Minh