Nga chào bán Su-35, sắp bàn giao Vikramaditya, lo sao chép

16/10/2013 13:51
Đông Bình
(GDVN) - Bộ trưởng QP Nga thăm Brazil chào bán máy bay, tháng 11 tới bàn giao tàu sân bay cho Ấn Độ, lo ngại nước ngoài sao chép vũ khí gây thiệt hại cho Nga.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga


Nga chào bán máy bay Su-35 cho Brazil

Từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 10, đoàn đại biểu Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu dẫn đầu đến thăm Peru và Brazil, thảo luận vấn đề quân sự và hợp tác kỹ thuật quân sự.

Trong thời gian thăm Brazil, Nga không chỉ chào bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Brazil, mà sẽ còn đề nghị hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như T-50. Máy bay chiến đấu T-50 sẽ bắt đầu được biên chế cho Không quân Nga vào năm 2016.

Bài báo cho biết, Nga còn đang hợp tác với Công ty TNHH hàng không Hindustan (HAL) nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ thứ năm, hai bên đã hoàn thành công tác thiết kế sơ bộ, hiện đang bàn bạc hợp đồng thiết kế chi tiết tiếp theo.

Chương trình mua sắm máy bay chiến đấu F-X2 của Brazil sẽ chi 4 tỷ USD để mua sắm 36 máy bay chiến đấu tiên tiến từ nước ngoài, thay thế cho máy bay chiến đấu F-5 do Mỹ chế tạo và máy bay chiến đấu Mirage do Pháp chế tạo.

Trong danh sách đấu thầu hiện có 3 loại - máy bay chiến đấu Rafale của Công ty Dassault Pháp, máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet của hãng Boeing Mỹ và máy bay chiến đấu JAS-39NG Gripen thế hệ tiếp theo của Công ty Saab Thụy Điển.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-35
Máy bay chiến đấu đa năng Su-35

Vào tháng trước, máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ gần như đã thắng thầu, nhưng, sau đó việc cơ quan tình báo Mỹ tiến hành nghe trộm Văn phòng Tổng thống Brazil bị tiết lộ, gây tức giận cho Brazil, quyết định đấu thầu máy bay chiến đấu mới bị đẩy lùi đến năm 2015, sau cuộc bầu cử vào năm 2014.

Nga sẽ bàn giao tàu sân bay Vikramaditya cho Ấn Độ vào tháng 11 tới

Tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản cho biết, ngày 14 tháng 10 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp Nga, ông Rogozin tuyên bố, sau khi hoàn thành cải tạo, tàu sân bay Đô đốc Gorshkov (hay  Ấn Độ gọi là Vikramaditya) sẽ bàn giao cho Ấn Độ vào tháng 11 năm 2013.

Tàu sân bay Đô đốc Gorshkov được Ấn Độ đổi tên là tàu Vikramaditya, là tàu sân bay thứ hai của Ấn Độ. Tờ "Sankei Shimbun" cho rằng, đối với sự phát triển của Hải quân Trung Quốc, Ấn Độ đang tập trung nâng cao năng lực tác chiến biển xa. Tàu sân bay Vikramaditya sẽ mang theo 30 máy bay hải quân trong đó có MiG-29 rời Nga về Ấn Độ vào ngày 30 tháng 11, dự kiến tháng 2 năm 2014 sẽ đến cảng Mumbai, Ấn Độ.

Rogozin cho biết, biên chế thủy thủ sau khi tàu sân bay này hoàn thành cải tạo là trên 2.000 người, tốc độ cao nhất đạt 29,2 hải lý/giờ. Ngoài 2 tàu sân bay Viraat và Vikramaditya, tàu sân bay nội địa đầu tiên Vikrant cũng đã hạ thủy vào tháng 8 năm 2013, sẽ đưa vào hoạt động trong tương lai.

Ấn Độ sắp được Nga bàn giao tàu sân bay Vikramaditya
Ấn Độ sắp được Nga bàn giao tàu sân bay Vikramaditya

Vào năm 2004, Ấn Độ và Nga đã ký hợp đồng giao dịch tàu sân bay. Do tiến triển công trình cải tạo chậm chạp, đổi mới trang bị dẫn đến phải tiến hành các cuộc đàm phán mới, thời gian bàn giao tàu sân bay Vikramaditya đã quá chậm so với kế hoạch ban đầu là năm 2008.

Theo báo Nga, tàu sân bay Vikramaditya cuối cùng phải có bỏ ra chi phí khoảng 2,3 tỷ USD. Nga cung cấp thân tàu không hoàn lại, Ấn Độ đã bỏ ra chi phí cải tạo và mua máy bay hải quân.

Putin không hài lòng với việc nước ngoài sao chép vũ khí Nga

Gần đây, trong hoạt động xuất khẩu vũ khí trang bị cho các nước, Nga đã ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống sao chép, nhất là khi đối mặt với năng lực sao chép của Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa dẫn hãng tin RIA Novosti ngày 14 tháng 10 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tăng cường mức độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà chế tạo vũ khí Nga trên thị trường vũ khí thế giới. Ông đã có phát biểu như trên trong một hội nghị của Ủy ban hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài của Nga vào ngày 14 tháng 10 năm 2013.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, hiện nay thị trường vũ khí quốc tế tràn ngập hiện tượng sao chép phi pháp thiết kế vũ khí của người khác, Chính phủ Nga cần bảo vệ có hiệu quả sản phẩm tích hợp nhiều công nghệ của Nga và bản quyền sở hữu trí tuệ của chúng, bảo đảm quyền lợi của các nhà sản xuất vũ khí, các nhà thiết kế, chế tạo vũ khí Nga.

Súng trường AK-47 Nga
Súng trường AK-47 Nga

Mặt khác, ông Putin còn kêu gọi tăng cường bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ cấp phép sản xuất ở nước ngoài trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, điều này không chỉ phải bao trùm lên các hợp đồng ký kết với các nước như Đông Âu thời kỳ Liên Xô cũ, mà còn phải bảo vệ các phiên bản vũ khí trang bị mới nhất của Nga.

Theo thống kê của các chuyên gia có liên quan, nước ngoài sao phép vũ khí khiến cho Nga tổn thất gần 6 tỷ USD mỗi năm và làm cho hình tượng quốc gia của Nga bị thiệt hại. Ví dụ điển hình nhất là súng trường tấn công Kalashnikov, nó được sản xuất bất hợp pháp ở ít nhất 15 quốc gia, điều này đã trở thành một vấn đề đặc biệt ở Đông Âu.

Tên lửa HQ-9 Trung Quốc sao chép S-300 Nga

Liên quan đến dư luận phổ biến coi tên lửa HQ-9 của Trung Quốc là phiên bản sao chép của tên lửa S-300 Nga, tờ "Hoàn Cầu" đã dẫn trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 14 tháng 10 cho rằng, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 (phiên bản xuất khẩu là FD-2000) Trung Quốc thắng thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, “đánh bại” tên lửa Patriot của Mỹ, S-400 của Nga và Aster của châu Âu.

Tên lửa phòng không S-300, Nga bán cho Trung Quốc
Tên lửa phòng không S-300, Nga bán cho Trung Quốc

Tên lửa của hệ thống HQ-9 Trung Quốc dài 6,51 m, còn tên lửa 48N6 của hệ thống S-300 dài 7,5 m. Tầm bắn tối đa của hệ thống vũ khí Trung Quốc là 125 km, bắn cao 180 km, tầm bắn đối với mục tiêu đạn đạo là 7-25 km, độ cao bắn là 2.000-15.000 m, quá tải tối đa khi cơ động tên lửa đạt 22G. Hệ thống tên lửa HQ-9 áp dụng radar SJ-212, là phiên bản cải tiến của radar SJ-202.

Số lượng tên lửa mang theo ở thiết bị phóng HQ-9 tương đương với S-300, có 4 ống phóng, dựa vào máy tạo hơi nước, áp dụng phương thức bắn lạnh (cold launch). Thiết bị bắn lắp ở xe việt dã 4 bánh do Trung Quốc tự chế. Tên lửa bắn cách nhau khoảng 5 giây. Mỗi lữ đoàn tên lửa HQ-9 có 6 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn trang bị 1 xe chỉ huy, 1 radar điều khiển hỏa lực, 8 thiết bị bắn, số lượng tên lửa sẵn sàng là 32 quả.

Tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc chế tạo
Tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc chế tạo

Phiên bản xuất khẩu của HQ-9 là FD-2000 áp dụng radar điều khiển hỏa lực HT-233, sử dụng sóng ngắn C (300MHZ), mỗi trận địa ăng ten có 1.000 phaser trở lên, công suất trung bình là 60 kW, công suất cao nhất đạt 1 megawatt, khoảng cách tìm kiếm tối đa đối với mục tiêu như máy bay là 120 km trở lên, phạm vi quét của chùm sóng là 120 độ so với chiều ngang, 65 độ so với chiều thẳng đứng, nhiều nhất có thể đồng thời theo dõi 100 mục tiêu trên không và phân phối ứng phó 50 mục tiêu trong số đó.

Đông Bình