Cần làm rõ thiệt hại từ các dự án thủy điện

16/10/2013 07:50
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công thương đã trình bày báo cáo của Chính phủ, kết quả rà soát các công trình thủy điện (TĐ): Loại bỏ 424 dự án; Không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; Tạm dừng có thời hạn 136 dự án; Tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình TĐ, trong đó 268 dự án đang vận hành, 205 dự án đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 trong tổng số 1.239 dự án đã được quy hoạch.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, chất lượng quy hoạch TĐ, đặc biệt là TĐ nhỏ rất hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư.

Các dự án, vị trí TĐ tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì 2 lý do chính: Hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm; Có tác động xấu đến môi trường và KT-XH.

Cần làm rõ những thiệt hại từ việc đầu tư xây dựng thủy điện ồ ạt thời gian qua. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Cần làm rõ những thiệt hại từ việc đầu tư xây dựng thủy điện ồ ạt thời gian qua. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Số lượng các dự án TĐ nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về công suất của các dự án này không nhiều (khoảng 26%) và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án này bị loại bỏ khỏi quy hoạch (418 dự án). Số liệu trong Báo cáo cho thấy số dự án TĐ nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch là tương đối lớn (khoảng 37% tổng số dự án trong quy hoạch). Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, KT-XH và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch TĐ nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Có trường hợp trên cùng lưu vực sông, nhiều dự án TĐ lớn và nhỏ đều bị loại bỏ hoặc phải tiếp tục rà soát.

Bên cạnh đó còn một vấn đề bất cập khác là có giai đoạn việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Tại một số dự án, công trình TĐ, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực, trong khi đó trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.

Công tác quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình TĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.

“Chế tài xử phạt vi phạm quy định về an toàn đập, kiểm định đập chưa ban hành kịp thời, chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư dự án TĐ có năng lực chuyên môn và tài chính đều hạn chế. Ngoài ra, thông tin, số liệu về điều kiện tự nhiên thường không đầy đủ và thiếu cập nhật do hạn chế nguồn lực đầu tư cho giai đoạn điều tra, khảo sát khu vực dự án”,  ông Dũng cho hay.

Trong thời gian qua, dự án TĐ Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị ĐBQH và dư luận xã hội. Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch.

Ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: “Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân đồng thời rút ra những những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”.

Đồng quan điểm này, ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bày tỏ: “Cần phải nêu rõ các sự cố trong các nhà máy thủy điện đang vận hành, xem có sự cố gì, dư luận thì nhiều nhưng lâu nay chỉ lẻ tẻ, bây giờ cần đi vào cụ thể. Các sự cố đó kết luận thế nào, nguyên nhân từ đâu, do quy hoạch, thiết kế hay quá trình vận hành không nghiêm túc? Gây thiệt hại thế nào?”.

Ông Phước cũng cho rằng, làm thủy điện xuất phát từ yêu cầu trong chiến lược phát triển điện năng của đất nước. Tuy nhiên, khi làm sẽ nảy sinh một số vấn đề: Thu hẹp diện tích rừng, vì bao giờ cũng làm trên cao, rừng tổn thất; Thứ hai là di dân ra khỏi lòng hồ, đất sản xuất của dân bị mất thì xử lý thế nào; Hậu quả với hạ lưu, bình thường điều tiết tự nhiên, nhưng bây giờ điều tiết qua hiệu quả kinh tế thì sẽ ra sao. Ngay cả phòng chống xâm nhập mặt cùng phụ thuộc vào điều này, có một phần lớn diện tích bị ảnh hưởng kéo theo… do đó phải thấy bức tranh toàn cảnh về tác động của thủy điện.

 “Trong báo cáo này chưa nhắc gì đến việc thời gian qua có bao nhiêu công trình gây ra thiệt hại, tác động xấu mà khác với dự tính ban đầu. Báo cáo trước Quốc hội cần đưa ra một con số tổng quan chung”, ông Phước kiến nghị:.

Tiếp thu những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đánh giá đây là những ý kiến xác đáng và cơ các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây.

Ngọc Quang