Công nghiệp quốc phòng TQ có nhu cầu nhập khẩu lớn sợi carbon

17/10/2013 14:25
Đông Bình
(GDVN) - Công nghiệp sợi carbon Trung Quốc đang đối mặt với thử thách lớn do công nghệ lạc hậu và đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài.
Một dây chuyền sản xuất vật liệu sợi carbon Trung Quốc
Một dây chuyền sản xuất vật liệu sợi carbon Trung Quốc

Tờ tuần san "Liêu Vọng"Trung Quốc  ngày 15 tháng 10 cho biết, sự phát triển ngành sợi carbon của Trung Quốc đang đối mặt với cục diện khó khăn, đòi hỏi phải nắm chắc cơ hội, tăng cường định hướng vĩ mô, tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ then chốt, thúc đẩy phát triển lành mạnh ngành sợi carbon.

Sợi carbon là vật liệu mới mang tính chiến lược không thể thiếu trong xây dựng quốc phòng và kinh tế quốc dân. Ngành sợi carbon Trung Quốc đã trải qua tự nghiên cứu phát triển lâu dài, đã phá vỡ sự phong tỏa trang bị kỹ thuật của các nước, công nghiệp hóa sợi carbon đã đạt được những thành quả ban đầu, nhưng hiện nay đối mặt với sự lạc hậu về công nghệ then chốt/quan trọng, ứng dụng lạc hậu, giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh yếu.

Nếu không thể đột phá "núi cổ chai", thay đổi hiện trạng, ngành sợi carbon của Trung Quốc sẽ bị suy yếu trước thế tấn công của ngành sợi carbon quốc tế, thậm chí mất đi cơ hội tốt và bị phá sản.

Sợi carbon là một loại vật liệu có tính năng vật lý ưu việt, có thể chịu được nhiệt độ cao mà không mất đi cường độ, có tác dụng chống ăn mòn tốt với chua, kiềm thông thường, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như hàng không, vũ trụ và công nghiệp quân sự quốc phòng, dụng cụ thể thao.

Linh kiện máy bay sử dụng vật liệu composỉte như sợi carbon
Linh kiện máy bay sử dụng vật liệu composỉte như sợi carbon

Do tính chất đặc biệt của nó, công nghệ sản xuất này thuộc loại vật liệu được các nước chú ý bảo mật và có tính nhạy cảm chính trị trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từng bị cấm bán cho các nước xã hội chủ nghĩa. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, do hàm lượng công nghệ cao của sợi carbon và thu được lợi nhuận cao, các nước phương Tây vẫn tiến hành cấm vận đối với Trung Quốc, nhất là sợi polylcrylonitril (PAN), cho dù Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu sợi carbon từ thập niên 60 của thế kỷ trước, hoàn toàn không muộn so với Nhật Bản, Mỹ, nhưng do nhiều nguyên nhân trong đó có "cách mạng văn hóa", chương trình nghiên cứu phát triển có liên quan bị dừng lại. Trong thời gian đó, Nhật Bản lại đặc biệt coi trọng nghiên cứu và phát triển.

Hơn 10 năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung đầu tư cho chương trình sợi carbon, đuổi theo các nước phát triển, nhưng vẫn còn rất lạc hậu. Năm 2000, Trung Quốc chỉ có một số doanh nghiệp của các tỉnh như Sơn Đông, Cát Lâm phát triển sản phẩm sợi carbon, quy mô sản xuất hàng năm chỉ mấy chục tấn, trình độ sản phẩm lạc hậu. Sau năm 2005, do được Nhà nước Trung Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ, ngành sợi carbon của Trung Quốc được đẩy nhanh phát triển.

Với tính chất là nền tảng của sợi carbon, sợi polylcrylonitril (PAN) có vai trò then chốt quyết định tính năng của sợi carbon, chỉ có sợi PAN tính năng cao mới có thể sản xuất được sợi carbon tính năng cao. Tháng 11 năm 2008, theo đánh giá của một hội nghị khoa học, trình độ sợi PAN lạc hậu là "nút cổ chai" lớn nhất, hội nghị đã xác định rõ phương hướng nghiên cứu phát triển công nghệ sợi carbon.

Thùng xe ô tô sử dụng vật liệu composite sợi carbon
Thùng xe ô tô sử dụng vật liệu composite sợi carbon

Nhiều năm qua, vật liệu sợi carbon chất lượng cao được Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm để ứng dụng đặc biệt cho các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, công nghiệp quân sự, sản xuất sợi carbon có tính chất công nghiệp đã được đưa vào chương trình 863, 973 quốc gia. Các cơ quan nhà nước Trung Quốc như Ủy ban Phát triển và Cải cách, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công nghiệp và Thông tin đều đã gia tăng mức độ ủng hộ đối với việc sản xuất công nghiệp sợi carbon.

Quy hoạch phát triển ngành vật liệu mới 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc đã coi sợi carbon là chương trình phát triển trọng điểm. Do được sự ủng hộ của chính sách quốc gia, ngành sợi carbon của Trung Quốc đều có sự tiến triển mạnh về công nghệ then chốt, trang bị, sản xuất có tính chất công nghiệp và ứng dụng, trang thiết bị công nghiệp hóa (lớp nghìn tấn) lần lượt được triển khai và đầu tư sản xuất, đã sơ bộ xây dựng được dây chuyền sản xuất từ sợi polylcrylonitril, sợi carbon đến vật liệu composite và thành phẩm.

Nhưng tình hình lạc hậu tổng thể về trình độ trang bị và công nghệ sản xuất sợi carbon của Trung Quốc hoàn toàn không có sự thay đổi căn bản, không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu trong các lĩnh vực cấp cao như công nghiệp quân sự quốc phòng và hàng không vũ trụ.

Tàu vũ trụ Thần Châu Trung Quốc sử dụng vật liệu sợi carbon
Tàu vũ trụ Thần Châu Trung Quốc sử dụng vật liệu sợi carbon

Theo bài báo, chỉ riêng công ty TORAY của Nhật Bản đã có năng lực sản xuất gần 10.000 tấn, tương đương với toàn bộ hơn 30 doanh nghiệp của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc chỉ có thể sản xuất ổn định sản phẩm theo tiêu chuẩn T300, các sản phẩm có các tiêu chuẩn cao T700, T800 thì mới có sự đột phá về công nghệ chế phẩm quan trọng, một số doanh nghiệp sản xuất sợi carbon còn đang tiến hành nghiên cứu công nghệ ứng dụng công trình. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể sản xuất các dòng sản phẩm như T700, T800, T1000, T1100.

Phó hội trưởng Hiệp hội công nghiệp sợi hóa học Trung Quốc Triệu Hướng Đông cho biết, mấy năm qua ngành sợi carbon của Trung Quốc tiến bộ rất nhanh, nhưng nói chung, còn chưa hoàn toàn nắm được công nghệ lõi sợi carbon, có khoảng cách khá lớn với trình độ công nghiệp hóa có sức cạnh tranh quốc tế.

Cùng với sự phát triển của ngành sợi carbon Trung Quốc, một số mâu thuẫn ở cấp độ sâu cũng từng bước nổi lên. Một mặt, Trung Quốc mỗi năm phải chi vốn lớn nhập khẩu hơn chục nghìn tấn sản phẩm sợi carbon để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế. Mặt khác, các doanh nghiệp sợi carbon Trung Quốc sản xuất không đủ, sợi carbon sản xuất hàng năm chỉ hơn 2.000 tấn, chỉ phát huy được 1/10 năng lực sản xuất, rất nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động.

Thuyền máy thử nghiệm tàng hình tốc độ cao Mỹ sử dụng vật liệu sợi carbon
Thuyền máy thử nghiệm tàng hình tốc độ cao Mỹ sử dụng vật liệu sợi carbon

Hiện tượng này bộc lộ một số vấn đề trên các phương diện sau: Một là mô hình phát triển ngành lạc hậu. Triệu Hướng Đông cho biết, doanh nghiệp sản xuất sợi carbon nước ngoài và các nhà sản xuất lĩnh vực ứng dụng quan trọng của sợi carbon như ô tô, hàng không vũ trụ đã thiết lập quan hệ cung cầu ổn định và hợp tác phát triển rộng rãi, đã xây dựng dây chuyền sản xuất sợi carbon hoàn chỉnh.

Triệu Hướng Đông nói: "Sản xuất sợi carbon của nước ngoài hoàn toàn được kết hợp chặt chẽ với Viện nghiên cứu khoa học, ứng dụng ngành nghề và trang bị. Chẳng hạn, Công ty TORAY Nhật Bản, Trung tâm nghiên cứu phát triển vật liệu composite hàng không của họ được thiết lập ở gần hãng Boeing Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc có hiện tượng tách rời giữa nghiên cứu khoa học, tiến hành sản xuất, ứng dụng trong ngành sợi carbon. Chẳng hạn, mặc dù đã nhấn mạnh phải đột phá trở ngại công nghệ T700, T800, nhưng chúng tôi lại không biết, sau công nghệ này đã được phát triển thì sẽ dùng chúng như thế nào, dùng chúng cho linh kiện, bộ kiện gì".

Hai là, giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh trên thị trường tương đối thấp. Chẳng hạn sợi carbon GQ3522 (tương đương với T300 của Công ty TORAY Nhật Bản), một dây chuyền của doanh nghiệp sản xuất sợi carbon Trung Quốc có năng lực sản xuất cao nhất là 1.000 tấn (12K), tiêu chuẩn 12K trở xuống, sợi carbon trên 24K vẫn chưa có sản phẩm đưa ra thị trường.

Nhà máy Pháp sử dụng sợi carbon cường độ cao để chế tạo vỏ động cơ tên lửa xuyên lục địa.
Nhà máy Pháp sử dụng sợi carbon cường độ cao để chế tạo vỏ động cơ tên lửa xuyên lục địa.

Tốc độ vận hành sản xuất chậm, năng lực bảo đảm trang bị yếu, sản lượng thực tế thấp, tính "đều đều" và tính ổn định của sản phẩm kém, khiến cho sản phẩm của Trung Quốc có chi phí cao, sức cạnh tranh kém. Trong khi đó, một dây chuyền sợi carbon tiêu chuẩn lớp T300 của các doanh nghiệp sợi carbon với đại diện là Nhật Bản, có năng lực sản xuất (12K, 24K) đã đạt trên 2.000 tấn, sản phẩm gồm có 1K, 3K, 6K, 12K, 24K và các loại tiêu chuẩn của chùm sợi, chất lượng sản phẩm có tính ổn định cao.

Ba là các ông trùm quốc tế trong ngành có ý định gây sức ép với doanh nghiệp Trung Quốc. Những năm gần đây, giá bán sản phẩm sợi carbon cho Trung Quốc của thị trường quốc tế có xu thế giảm xuống. Sản phẩm T300 (12K) năm 2010 bán được 240.000 nhân dân tệ/tấn, giá năm 2012 giảm mạnh xuống còn 120.000 nhân dân tệ/tấn.

Theo bài báo, không có sự đầu tư xây dựng của doanh nghiệp Trung Quốc, giá sản phẩm của nước ngoài sẽ không giảm nhanh như vậy. Nhưng, đồng thời cũng thấy được, giá sản phẩm của nước ngoài giảm mạnh hoàn toàn không bình thường, đằng sau có động cơ "sâu" là gây sức ép với ngành sợi carbon Trung Quốc.

Hiện nay, do bị ảnh hưởng bởi hiện tượng phá giá của nước ngoài và cạnh tranh tiêu thụ không lành mạnh, các doanh nghiệp sợi carbon Trung Quốc cơ bản nằm trong trạng thái lỗ vốn toàn diện.

Sợi carbon là một trong những vật liệu tính năng cao của máy bay chiến đấu tàng hình, Trung Quốc luôn bị phương Tây phong tỏa xuất khẩu.
Sợi carbon là một trong những vật liệu tính năng cao của máy bay chiến đấu tàng hình, Trung Quốc luôn bị phương Tây phong tỏa xuất khẩu.
Đông Bình