Hoàn Cầu nói gì về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc?

17/10/2013 07:23
Hồng Thủy
(GDVN) - Cách đưa tin lập lờ của Thời báo Hoàn Cầu hòng khiến dư luận khu vực và cộng đồng quốc tế hiểu lầm rằng Việt Nam đang đi đêm với Trung Quốc bất chấp một thực tế Việt Nam luôn chủ trương nhất quán giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và không đi với nước này để chống nước kia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm chính thức Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm chính thức Việt Nam.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 16/10 có bài đánh giá, "tổng hợp báo chí nước ngoài" về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường theo hướng cố tình lái dư luận đánh đồng kết quả tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa 2 nước với vấn đề Biển Đông và nhằm vào bên thứ 3. Hoàn Cầu dẫn nguồn tin đài Tiếng nói nước Nga cho rằng việc Việt Nam và Trung Quốc nỗ lực quyết tâm "giải quyết vấn đề Biển Đông" một cách hòa bình "đã đập tan ý đồ của Philippines và Nhật Bản trong việc lôi kéo các nước có tranh chấp với Trung Quốc hình thành liên minh chống Bắc Kinh"?! Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường đến Việt Nam đã nói rất rõ những nguyên tắc chung nhất mà 2 bên đồng ý để giải quyết những bất đồng trên biển, thành lập tổ công tác hợp tác trong các vấn đề ít nhạy cảm trên biển, ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và những giải pháp tạm thời không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên. Cách đưa tin lập lờ của Thời báo Hoàn Cầu hòng khiến dư luận khu vực và cộng đồng quốc tế hiểu lầm rằng Việt Nam đang đi đêm với Trung Quốc bất chấp một thực tế Việt Nam luôn chủ trương nhất quán giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và không đi với nước này để chống nước kia. Theo đó, Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia về Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng việc thành lập tổ công tác hợp tác các vấn đề ít nhạy cảm trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc là một thành quả quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của ông Lý Khắc Cường.
11/18 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei vừa qua đã đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự.
11/18 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei vừa qua đã đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự.
Nghiêm trọng hơn, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia này xem động thái nêu trên đồng nghĩa với việc Việt Nam "hưởng hứng kêu gọi đàm phán trực tiếp, mặt đối mặt (song phương) với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông?! Dẫn lời tờ Độc Lập của Nga ngày 15/10, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng Việt Nam và Trung Quốc đã có lúc gần như bị đẩy đến bờ vực chiến tranh, nên những hiệp định đạt được lần này có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Tờ báo quay sang chỉ trích Mỹ khi cho rằng các vấn đề mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước láng giềng là do bàn tay của Mỹ vì Washington đang muốn "kiềm chế Trung Quốc." Tiếp tục dẫn nguồn tờ New York Times, Hoàn Cầu nói rằng chuyến công du Đông Nam Á của lãnh đạo Trung Quốc (ông Tập Cận Bình dự APEC và thăm Indonesia, Malaysia; ông Lý Khắc Cường dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei và thăm Thái Lan, Việt Nam) đã khiến vai trò của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến công du Đông Nam Á lần này trở nên mờ nhạt. Tờ New York Times được Hoàn Cầu dẫn nguồn đánh giá, những năm gần đây Việt Nam tăng cường phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Mỹ và đã đón tiếp nhiều quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc sang thăm. Cuối năm nay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ thăm Việt Nam. Những thỏa thuận chung Việt Nam và Trung Quốc vừa đạt được cho thấy Việt Nam không chỉ dũng cảm đối mặt với Trung Quốc mà còn (chủ trương) chung sống hòa bình với Trung Quốc. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với những thỏa thuận chung đã đạt được giữa hai bên là một thắng lợi trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, nhưng cách đưa tin lèo lái dư luận của tờ Thời báo Hoàn Cầu đang làm méo mó, biến dạng thành quả ấy nhằm chia rẽ các quan hệ hợp tác quốc tế và khu vực.

Trích "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc"

c. Về hợp tác trên biển

Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc", sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Theo tinh thần đó, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Ðoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc.

Hai bên nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có, gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Trên nguyên tắc "dễ trước khó sau", "tuần tự tiệm tiến", vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này và trong năm nay khởi động khảo sát chung ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nhanh chóng thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ, Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang..., tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.

Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Ðông.

Theo báo Nhân Dân.

Hồng Thủy