Thiếu sót, vi phạm trong Đề án "Kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ"

17/10/2013 16:01
Xuân Trung
(GDVN) - Các Bộ GD&ĐT, Kế hoạch đầu tư, Tài chính chưa thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 96/TB-VPCP về việc xây dựng kế hoạch phân bổ vốn tổng thể cho các tỉnh, thành phố (chậm gần 2 năm).

Trên đây chỉ là một trong những thiếu sót, vi phạm được Thanh tra Chính phủ nêu trong bản Kết luận việc thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 theo Quyết định số 20/2008  của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ GD&ĐT, Kế hoạch đầu tư, Tài chính và UBND các tỉnh Sơn La, Quảng Bình, An Giang.

Nhiều thiếu sót, vi phạm

Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong thời gian thực hiện Đề án trên Ban chỉ đạo Đề án ở Trung ương chậm ban hành Quy chế hoạt động (sau 2 năm kể từ ngày  được thành lập Ban chỉ đạo mới ban hành Quy chế hoạt động theo Quyết định số 881 ngày 4/3/2010 của Bộ GD&ĐT).

Bộ GD&ĐT thực hiện chưa đầy đủ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 20 của Thủ tướng. Cụ thể như: Xây dựng Đề án không xác định đầy đủ chính xác số liệu phòng học, nhà ở công vụ cho giáo viên cần được đầu tư, xây dựng trên thực tế...

Kiểm tra nhà công vụ cho giáo viên. Ảnh minh họa
Kiểm tra nhà công vụ cho giáo viên. Ảnh minh họa

Thực tế sau 4 năm thực hiện, mặc dù kinh phí đã cấp đủ theo yêu cầu của Đề án, nhưng kết quả chỉ đạt gần 60%, số phòng học chỉ đạt 31,7%, số phòng nhà ở công vụ cho giáo viên so với mục tiêu đề ra. Đề án này có giai đoạn thực hiện từ năm 2008 – 2010 nhưng sau khi phê duyệt Bộ GD&ĐT đề nghị cho thực hiện trong giai đoạn 2008 – 2012 (thêm 2 năm) đã được Thủ tướng đồng ý, chính vì vậy trong Đề án không xây dựng được kế hoạch, tiến độ thực hiện hàng năm, nên không có căn cứ để theo dõi, đánh giá, đôn đốc tiến độ thực hiện Đề án ở các địa phương.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, UBND các tỉnh Sơn La, Quảng Bình, An Giang xây dựng Đề án chưa chính xác về số lượng phòng học, nhà công vụ cho giáo viên, chưa sát với điều kiện thực  tế ở địa phương. Cho đến thời điểm thanh tra nguồn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ thực hiện Đề án được cấp 100% theo kế hoạch (riêng Sơn La đạt 76,2%), nhưng tỉ lệ triển khai xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên còn thấp, không đạt được mục tiêu đề ra. Tỉnh An Giang đạt 59,12% phòng học, 61,72% nhà công vụ, Sơn La đạt 53,3% phòng học, 30,3% nhà công vụ, tỉnh Quảng Bình đạt 42,2% phòng học và  38,6% nhà công vụ.

“Cả ba tỉnh không không huy động được nguồn ngân sách xã hội hóa, riêng tỉnh Quảng Bình không bố trí đủ vốn từ nguồn ngân sách địa phương theo yêu cầu của Đề án (Sơn La là 6,9%, Quảng Bình 35,6%), các tỉnh không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định” Kết luận thanh tra nêu rõ.

Công tác quyết toán dự án hoàn thành của ba tỉnh không thực hiện nghiêm quy định về quyết toán dự án tại Thông tư số 33 ngày 9/4/2007 của Bộ Tài chính, trong đó có nhiều công trình hoàn thành bàn gia đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán, tỉ lệ thanh quyết toán thấp (Sơn La 39,13%, An Giang 29,8%, Quảng Bình 12,7%), trong khi đó UBND tỉnh của 3 tỉnh hiện nay cũng chưa có giải pháp, cơ chế cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Đặc biệt UBND tỉnh Sơ La đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án có nội dung không đúng với mục tiêu của Đề án. Các chủ đầu tư đã sử dụng hơn 18,2 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để mua sắm trang thiết bị (bàn, ghế, đồ dùng giảng dạy) cho các phòng. Khi triển khai thiếu kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, nên có một số dự án không có khối lượng để giải ngân hoặc dự án đã được bố trí vốn nhưng không thực hiện được bị thu hồi vốn trái phiếu Chính phủ do hết thời hạn thanh toán số tiền trên 44 tỉ đồng (năm 2009), chưa tiến hành kiểm tra, rà soát, nghiệm thu các định giá trị nguồn vốn huy động tính vào giá trị công trình được quy định tại Thông tư số 46/2008 của Bộ Tài chính.

Các tỉnh khác cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm. Theo đó, tỉnh Quảng Bình sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ để thanh toán chi phí thiết kế mẫu với hơn 420 triệu đồng và làm vốn đối ứng Dự án GDTH cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Minh Hóa 762 triệu đồng là không đúng với mục tiêu của Đề án.

Tỉnh An Giang đã cho phép sử dụng 12 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ thuộc lĩnh vực thủy lợi để phân bổ cho các công trình thuộc Đề án nhưng chưa bố trí được kế hoạch vốn để hoàn trả.

“Những vi phạm trên trách nhiệm thuộc Ban chỉ đạo Đề án ở Trung ương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND các tỉnh Sơn La, Quảng Bình, An Giang” Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Chấn chỉnh về công tác quản lí

Những sai phạm trên Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Ban chỉ đạo Đề án ở Trung ương, Bộ GD&ĐT cùng với các Bộ, ngành ở Trung ương, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm ở các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc để chưa hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GD&ĐT chấn chỉnh công tác xây  dựng Đề án, lập kế hoạch và  thực hiện Đề án. Các Bộ Tài chính đôn đốc địa phương thực hiện quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước của các địa phương.

Các tỉnh Sơn La, An Giang, Quảng Bình ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc công tác quyết toán dự án hoàn thành ở địa phương, xử lí nghiêm các chủ đầu tư, các đơn vị vi phạm, có giải pháp huy động nguồn vốn xã hội hóa thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lí về kinh tế đối với UBND tỉnh Sơn La, yêu cầu tỉnh Sơn La bố trí vốn từ ngân sách địa phương để thanh toán số tiền gần 14,5 tỉ đồng cho các chủ đầu tư đã mua sắm trong thiết bị phòng học, nhà công vụ, hoàn trả số tiền trên cho nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Tỉnh Quảng Bình hoàn trả số tiền gần 1,2 tỉ cho nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do đã chi không đúng quy định tại dự án GDTH ở huyện Minh Hóa. Tỉnh An Giang cần báo cáo và xin ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính về việc tạm sử dụng 12 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ thuộc lĩnh vực thủy lợi để phục vụ cho Đề án.

Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với ngành giáo dục. Sau khi Đề án được Chính phủ phê duyệt, Ban chỉ đạo Đề án Trung ương đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đề án và tập huấn cho cán bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước, tổ chức  giao ban trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện đề án.

Thời điểm  thanh tra, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương (63 tỉnh, thành) đã được phân bổ 100%, nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa đạt 127% kế hoạch cả giai đoạn, triển khai xây dựng được hơn 84 nghìn phòng học, gần 68 nghìn phòng nhà công vụ cho giáo viên.

 

Xuân Trung