TP. HCM: Người dân đang vật lộn với dòng nước lụt

21/10/2013 07:06
Ngọc Luân
(GDVN) - Đến khoảng 18h chiều tối hôm qua, ngày 20/10/2013, mức đỉnh triều cường tại trạm Phú An (trên sông Sài Gòn) đã đạt đến mức kỷ lục: 1,65m. Sông Sài Gòn đã đạt đến đỉnh triều cao nhất trong vòng gần 60 năm qua. Cũng bắt đầu từ chiều hôm qua, nhiều tuyến phố tại đô thị lớn nhất nước đã biến thành sông. Người dân TP. HCM lại thêm một phen sống trong cảnh vật lộn với dòng nước lụt.

Đỉnh triều lịch sử - phố biến thành sông

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn ngày hôm qua đã đạt đến mức sấp sỉ 1,65m vào lúc khoảng 18h. Như vậy, mức triều này đã vượt qua cả đỉnh triều lịch sử của cùng kỳ năm trước là 1,62m – cũng vào chiều tối, ngày 18/10/2012.

Đỉnh triều mới này do các cán bộ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đo được tại trạm Phú An – sông Sài Gòn, đã lập nên một kỷ lục mới, cao nhất trong vòng gần 60 năm qua tại lưu vực sông Sài Gòn.

Triều cường dâng cao, người dân TP. HCM lại thêm một phen sống trong cảnh vật lộn với dòng nước lụt.

"Sống chung với lũ"
"Sống chung với lũ"

Trước đỉnh triều cường lịch sử này, nhiều khu vực tại TP. HCM đã bị ngập nặng và ngập sâu trên diện rộng. Đặc biệt, tại khu vực bán đảo Thanh Đa – quận Bình Thạnh, từ nhiều ngày nay, nước triều đã liên tục tấn công, tạo nên một sức ép rất lớn lên các đoạn bờ bao xung yếu ven sông Sài Gòn.

Theo ghi nhận của PV Báo Giáo Dục Việt Nam, suốt từ chiều đến tối ngày hôm qua, nhiều nơi đỉnh triều dâng cao đã tràn qua cả đê chắn hoặc các đoạn bờ bao thấp, tấn công vào các khu dân cư nằm trên vùng trũng, thấp của thành phố.

Mức nước dâng cao gây xáo trộn sinh hoạt của người dân Sài Gòn
Mức nước dâng cao gây xáo trộn sinh hoạt của người dân Sài Gòn

Sau đỉnh triều lịch sử này, mực nước vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao, khiến nhiều hộ dân phải chịu cảnh “sống chung với lũ”. Trong đó, ngập nặng nhất là tại các khu vực: quận Bình Thạnh, quận 8, quận 4, quận Tân Bình, quận 12, quận 2 và quận Thủ Đức…

Theo thông tin dự báo từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, triều cường sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.

Trong đó, sáng nay, ngày 21/10, đỉnh triều vẫn còn mức 1,6m, và đến chiều nay vào khoảng 18h đỉnh triều sẽ tăng lên khoảng 1,62m, do nước triều sẽ được cộng hưởng với dòng lũ từ thượng nguồn đổ về.

Đến ngày 22/10, đỉnh triều sẽ có hạ chút ít nhưng vẫn vượt mức báo động 3 (1,5m) và đạt khoảng 1,54m. Sau đó triều cường sẽ xuống dần đến mức báo động 2 (1,4m) và giảm dần trong các ngày tiếp theo.

Phố biến thành sông
Phố biến thành sông

Cũng theo cơ quan dự báo này, từ nay đến cuối năm,  TP. HCM sẽ còn đối mặt với nhiều đợt triều cường lớn nữa.

Lại vỡ bờ bao sông Sài Gòn

Trước đó, vào sáng ngày 19/10/2013, một đoạn bờ bao sông Sài Gòn bất ngờ bị nước sông đánh đổ, tràn vào ngập sâu hơn 1m trong khu dân cư. Sự cố trên khiến khu vực bán đảo Thanh Đa – quận Bình Thạnh, chìm trong mênh mông nước, cuộc sống của hàng chục hộ dân bị đảo lộn và nhiều tài sản của họ bị thiệt hại nặng do dòng nước lũ bất ngờ.

Tích cực gia cố bờ bao
Tích cực gia cố bờ bao

Theo cơ quan chức năng tại địa phương, bức tường bao cao hơn 1 mét, dài khoảng 10 mét trong khuôn viên nhà ông Ngô Văn Bảy, nằm sát bờ kênh Thanh Đa ngã đổ vì sức nước quá mạnh do triều cường lên nhanh.

Đến tối qua, khu vực này vẫn còn bị ngập nặng do ảnh hưởng của đợt triều cường mới. Người dân phải huy động nhau dùng thau, chậu, xô tát nước ra khỏi nhà và dọn dẹp hậu quả do dòng nước để lại.

Trả lời phỏng vấn nhanh của PV, ông Hồ Kỳ Lân - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh cho biết, trung tâm chống ngập đã đưa hai máy bơm công xuất lớn đến hiện trường hút nước. Hàng trăm bao tải cát, cừ tràm cũng được chuyển đến gia cố vào khu vực xảy ra sự cố nhằm chống ngập.

Tranh thủ triều cường tìm vớt cá
Tranh thủ triều cường tìm vớt cá

Được biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân và bảo vệ dân phố cùng các lực lượng tại chỗ đã tức tốc vận chuyển hàng trăm bao cát đến khu vực ngập lập rào chắn, ngăn nước,  đồng thời hỗ trợ người dân chuyển đồ đạc lên cao, hạn chế thiệt hại về tài sản.

Đại diện bà con trong khu vực, ông Hoàng Đình Bảo cho rằng, từ nhiều năm nay khu vực bờ bao nơi đây thường xuyên bị ngã đổ mỗi lúc có triều cường lớn. Vì vậy, người dân chỉ có nguyện vọng nhà nước phải xây dựng một tường bao mới thật chắc chắn để người dân không phải sống thấp thỏm trong lo âu vì thiếu an toàn nữa.

Việc học bị đảo lộn

Nhiều phụ huynh cho biết như vậy khi chờ đón con ở cổng Trường Hòa Bình. “Mưa ngập đến cổ xe, không mang xe đến thì không biết gửi ở đâu, còn mang xe vào thì chỉ vài bữa là đem đi sửa. Từ nhà đến trường hơn 1km, không thể đi bộ được nên đối với tôi việc đưa con đi học trong những ngày mưa thực là cực hình” - chị Trần Thị Giàu, 47 tuổi, nói.

Mưa thất thường, nước ngập cũng thất thường nên thầy cô giáo đều có những phương án dự phòng suốt mùa mưa. Nhưng dù đề phòng đến mức nào thì việc dạy, học không tránh khỏi bị đảo lộn. “Khối 4, 5 các cháu vẫn đi học bình thường dù mưa ngập nhưng khối 1, 2 thì các cháu nghỉ học nhiều lắm” - cô Trần Thị Thu Vân, giáo viên dạy lớp 4, kể. Nếu mưa buổi chiều thì sĩ số lớp học không thay đổi, nhưng nếu mưa buổi sáng thể nào cũng có một số cháu không đến trường vì bố mẹ không cõng đến lớp được. (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Ngọc Luân