Báo TQ: Thủ tướng Nhật Bản có thể đến thăm đền Yasukuni khi còn tại vị

22/10/2013 08:31
Việt Dũng
(GDVN) - Theo bài báo, ông Shinzo Abe đang chơi cờ trong cuộc đấu với TQ và Hàn Quốc, cho rằng, TQ và Hàn Quốc kém 1 nước cờ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh minh họa, nguồn báo Phương Đông, TQ)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh minh họa, nguồn báo Phương Đông, TQ)

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 20 tháng 10 có bài viết cố gắng nhai lại luận điệu tuyên truyền cho rằng, đối với ngôi đền Yasukuni, thế giới phương Tây cũng giữ thái độ cảnh giác. Bài báo dẫn tờ "Thời báo New York" ngày 18 tháng 10 cho rằng, đền Yasukuni là một "cứ điểm" tập trung của "phe cực hữu" Nhật Bản, điều này phần nào là do, bảo tàng thuộc đền Yasukuni mô tả Nhật Bản là một người giải phóng tốt bụng, cho rằng, họ muốn giải phóng châu Á khỏi thực dân phương Tây, nhưng bị tòa án tội phạm chiến tranh Tokyo sau Chiến tranh thế giới thứ hai gán cho cái mác "kẻ xâm lược".

Bài báo Trung Quốc còn cho biết, vào tháng 8, Jefferey Kingston, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu châu Á, Phân hiệu Nhật Bản, Đại học Temple, Mỹ từng viết bài nhan đề "Đền Yasukuni: Trung tâm kỷ niệm chiến tranh bảo thủ" đăng trên tờ "The Japan Times" cho rằng, đền Yasukuni là khu vực trung tâm Nhật Bản không "thức tỉnh" về hoạt động xâm lược từ năm 1931 đến năm 1945. Thăm đền Yasukuni không phải là tôn sùng quan niệm tự do và nhân quyền, mà là theo "chủ nghĩa quân phiệt".

Để cho có vẻ "khách quan", báo Trung Quốc "dẫn" "Đài truyền hình thời sự Đức" (?) ngày 18 tháng 10 đưa tin, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel Mỹ trước đó đến thăm Tokyo, có ý đã lựa chọn công viên nghĩa trang quốc gia Chidori ga Fuchi gần hoàng cung Nhật Bản, dâng hoa kính viếng những binh sĩ Nhật Bản đã hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ hai và những người dân thường gặp nạn, không lựa chọn đến thăm viếng đền Yasukuni đầy tranh cãi.

Các nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản thăm đền Yasukuni ngày 18 tháng 10 năm 2013
Các nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản thăm đền Yasukuni ngày 18 tháng 10 năm 2013

Báo Trung Quốc còn "dẫn lời" giảng viên Đại học Keio, Nhật Bản là Masato Kimura cho rằng, hành động của các quan chức cấp cao Mỹ nêu trên là nhằm "khuyên nhủ" Thủ tướng Shinzo Abe rằng, "Mỹ tuy chủ trương tăng cường đồng minh Nhật-Mỹ, nhưng hoàn toàn không thúc đẩy phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản".

Tuy nhiên, theo báo Trung Quốc, ngôi đền Yasukuni vẫn được "cánh hữu" Nhật Bản tôn trọng. Đặc biệt là sau khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền, xu thế cánh hữu thăm đền Yasukuni (báo Trung Quốc thường xuyên gọi một cách hằn học hoạt động tế lễ này là "bái quỷ") ngày càng diễn ra nhiều hơn.

Ngày 18 tháng 10, hãng Kyodo thống kê cho biết, trong hoạt động tế lễ thường lệ tháng 4 năm 2013, tổng cộng có 166 nghị sĩ đến lễ, xác lập kỷ lục cao nhất trong hoạt động tế lễ kể từ năm 1989. Số người đến viếng ngày 15 tháng 8 bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như bế mạc Quốc hội nên giảm xuống còn 102 người, nhưng so với quy mô những người đến viếng khoảng 50 người những năm gần đây, con số này hầu như gấp đôi.

Trang mạng BBC Anh cho rằng, các thành viên trong nội các Nhật Bản gồm các Bộ trưởng như Bộ trưởng Thông tin và Nội vụ Shinzo Yoshitaka, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề bắt cóc công dân Nhật Keiji Furuya, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Tomomi Inada đều là khách viếng thăm thường xuyên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đầu năm nay cũng đã đến thăm đền Yasukuni.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (trái) từng thăm đền Yasukuni
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (trái) từng thăm đền Yasukuni

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, "hoạt động thăm viếng là tự do cá nhân mỗi người", đồng thời bản thân ông Shinzo Abe cũng được cho là vẫn đang tìm thời cơ để thăm viếng đền Yasukuni.

Đài truyền hình TBS Nhật Bản ngày 18 tháng 10 cho biết, tuy cân nhắc đến mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc, ông Shinzo Abe lần này không đến thăm đền Yasukuni, nhưng ông vẫn giữ thái độ kiên trì đối với việc viếng thăm, sẽ tìm cơ hội trong thời gian tại nhiệm.

Hãng Kyodo cho biết, Trợ lý đặc biệt của Chủ tịch đảng Tự do Dân chủ (LDP), ông Hagiuda Kouichi ngày 18 đã bày tỏ với phía đền Yasukuni rằng, quan điểm của ông Shinzo Abe đối với đền Yasukuni hoàn toàn không thay đổi, ông luôn có cơ hội tiến hành thăm viếng.

Trang mạng BBC Anh cho rằng, ông Shinzo Abe lo ngại nếu ông thăm đền Yasukuni, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ lấy điều đó làm cớ để từ chối đối thoại, khiến cho lập trường "cánh cửa đối thoại lớn luôn luôn mở" mà ông Shinzo Abe nhấn mạnh với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ bị nghi ngờ.

Báo Trung Quốc dẫn “nhà phân tích” (không tên) cho rằng, sách lược của ông Shinzo Abe là, nếu hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục từ chối đối thoại cấp cao, ông sẽ có lý do chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng, ông không thăm viếng cũng không thể tiến hành đối thoại, cho nên trách nhiệm không thuộc về ông. Ông Shinzo Abe cho rằng, Trung Quốc và Hàn Quốc "cờ kém một nước", tiết lộ với những người xung quanh rằng ông sẽ đến thăm đền Yasukuni trong nhiệm kỳ của mình.

Trung Quốc lo Nhật Bản thực hiện các chiến thuật khác nhau để thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, thực hiện quyền tự vệ tập thể, tăng cường sức mạnh quân sự, tăng cường xuất khẩu vũ khí..., trở thành quốc gia bình thường, ngăn cản các tham vọng của Trung Quốc, nhất là trên hướng biển.
Trung Quốc lo Nhật Bản thực hiện các chiến thuật khác nhau để thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, thực hiện quyền tự vệ tập thể, tăng cường sức mạnh quân sự, tăng cường xuất khẩu vũ khí..., trở thành quốc gia bình thường, ngăn cản các tham vọng của Trung Quốc, nhất là trên hướng biển.
Việt Dũng