Vụ bác sĩ vứt xác xuống sông: Sự xuống cấp trầm trọng của y đức

25/10/2013 15:30
Đỗ Tuyết (tổng hợp)
(GDVN) -Vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người rồi ném xác xuống sông đang khiến dư luận hết sức bức xúc. Vụ việc này cộng với hàng loạt vụ việc “tai nạn nghề nghiệp” trong ngành y tế khiến mọi người không thể không nói đến vấn đề y đức trong ngành y tế hiện nay.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Tờ Petrotimes bình luận, qua vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường thì lại thấy một điều rằng, lãnh đạo Bộ Y tế đã “trút” tội này cho Sở Y tế Hà Nội, rồi sở lại đổ cho quận… thế là cứ “đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”. Và rồi, có lẽ sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về việc này cả.

Nói chuyện Sở Y tế Hà Nội, phòng Y tế quận không biết một thẩm mỹ viện hành nghề chui, trái chức năng như vậy… trẻ con không nghe được. Ai cũng thấy một thực tế rằng, bất cứ một cửa hàng kinh doanh nào mới ra đời thì lập tức sẽ có người đến “hỏi thăm”. Một người dân đổ vài thúng cát, vài trăm viên gạch ra đường là lập tức có thanh tra xây dựng của phường, quận xuống “hỏi han”, kiểm tra các loại giấy tờ thủ tục… Có thể nói không có một cái gì có thể qua mắt được các cơ quan chức năng.

Vấn đề là họ có làm theo đúng quy luật của pháp luật hay không mà thôi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Nơi nào biết nói, biết hiểu “vấn đề đầu tiên” là tiền đâu thì sẽ thoát. Thủ tục chưa hoàn thành thì cứ làm xong đi rồi giải quyết sau; hoặc phạt cho tồn tại… nghĩa là những người có trách nhiệm quản lý họ sẽ nghĩ ra đủ mọi kế, mọi mưu để “thông cảm” với đương sự.

Thẩm mỹ viện Cát Tường đã hành nghề mấy tháng nay, không thể không nói các cơ quan quản lý không biết. Họ biết hết đấy, nhưng họ cũng hiểu rất rõ chỗ nào cần phải “triệt” và chỗ nào cần phải “để”.

Để chấm dứt tình trạng “tít mù nó lại vòng quanh” như thế này, có lẽ chỉ cần một biện pháp rất đơn giản đó là cách chức ngay Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và Trưởng phòng Y tế quận. Bởi vì sinh ra các vị để các vị làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình mà các vị lại không biết thì để các vị làm gì. Còn nếu cao hơn nữa, và nếu như bà Bộ trưởng Bộ Y tế có tự trọng hơn nữa thì nên từ chức.

Chúng ta cũng nên học nước ngoài, khi một vụ việc nghiệm trọng xảy ra, bộ trưởng sẵn sàng từ chức ngay. Còn ở chúng ta, văn hóa từ chức xem ra quá xa lạ đối với rất nhiều quan chức. Tất nhiên chúng ta cũng thông cảm rằng, để leo lên được chức nọ chức kia thì họ đã phải phấn đấu bền bỉ rất lâu. Nhưng nếu như cứ hành xử theo kiểu “dĩ hòa vi quý” thế này thì sẽ chẳng bao giờ có ai chịu trách nhiệm cả, và chắc chắn những vụ như kiểu “ông Cát Tường” hoặc các vụ tiêm nhầm thuốc, vô trách nhiệm gây chết người như thời gian qua sẽ còn nhiều.

Nếu như không dám cách chức, không dám từ chức và cứ lấp liếm tìm cách đổ tội cho những nguyên nhân hoàn cảnh khách quan thì không bao giờ ngăn được nạn tiêu cực và không chỉ riêng ở ngành y tế mà còn ở rất nhiều ngành nghề khác.

Bộ trưởng nên đấm ngực và nói: “lỗi tại tôi”!
Theo tờ Sài Gòn tiếp thị chính sự kinh hoàng, phẫn nộ, lên án, đó là phản ứng chung của nhiều người trong những ngày qua về hành vi “vứt xác nạn nhân” để phi tang của Nguyễn Mạnh Tường. Đúng là chẳng còn gì để nói về việc làm phi nhân tính này, người bình thường hành động như thế đã không thể chấp nhận, huống hồ đây lại là một bác sĩ.

Thật ra chuyện bác sĩ hành động man rợ như thế không phải là cá biệt. Đầu những năm 2000, nước Anh rúng động khi cảnh sát phát hiện bác sĩ Harold Frederick Shipman giết chết 215 người trong quá trình hành nghề từ năm 1978 – 1998. Năm qua, cảnh sát Thái Lan cũng vào cuộc điều tra bác sĩ Supat Laohawattana, người bị tố cáogiết chết ít nhất bốn người rồi thiêu xác họ. Tháng 5 năm nay, báo chí Mỹ lật lại hồ sơ vụ bác sĩ Ali Salim người Pakistan, sống ở Ohio, bị cáo buộc hãm hiếp và sát hại một thai phụ hồi mùa hè 2012.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị bắt. (Ảnh: Tiền Phong)
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị bắt. (Ảnh: Tiền Phong)

So với những vụ việc nước ngoài trên, hành vi của Nguyễn Mạnh Tường dường như “chẳng thấm” vào đâu. Thế nhưng, trong bối cảnh một xã hội mà những bê bối y khoa ngày càng được phơi bày và nhân lên về mức độ như nước ta, tội ác của người bác sĩ Việt Nam – có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử y khoa nước nhà – lại đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu đó có phải là giới hạn cuối cùng cho sự chán chường của người dân về sự xuống cấp của ngành y tế chưa, hay còn phải chờ đến giới hạn nào nữa?

Có thể xem hành động “vứt xác nạn nhân” của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là đỉnh điểm cho sự xuống cấp y đức trong ngành y tế nước nhà. Vậy mà, tại cuộc họp Quốc hội hôm qua (24.10), nói về chuyện này, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ biết bày tỏ sự “xót xa, khổ tâm, day dứt” cùng những hứa hẹn và kêu gọi chung chung. Thật sự thất vọng với cách xử sự như thế.

Cứ tưởng sau hàng loạt vụ bê bối trong ngành y vừa qua, từ “nhân bản xét nghiệm”, “ăn phim X-quang”, “tai biến sản khoa”... và nay là cao trào “thủ tiêu xác nạn nhân”, người đứng đầu ngành y tế phải đấm ngực và nhận trách nhiệm về mình bằng câu nói “lỗi tại tôi”, thì bà bộ trưởng lại tiếp tục biện hộ cho ngành và đẩy trách nhiệm cho toàn xã hội.

Không ai phủ nhận ngành y tế nước nhà vẫn còn nhiều tấm gương sáng, chấp nhận sự hy sinh, thiệt thòi của nghề nghiệp mà không quan tâm đến đãi ngộ. Nhưng liệu những cái tốt này còn được duy trì bao lâu trước sự nhân lên của cái xấu, ngày càng tinh vi và biến tướng kinh hoàng?

Việc thanh tra toàn diện các cơ sở thẩm mỹ, đó là chỉ thị của lãnh đạo bộ Y tế gửi đi các địa phương sau câu chuyện Nguyễn Mạnh Tường. Hành động này chẳng khác gì chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” trước đó của bộ Y tế sau những sự cố tử vong sản phụ, tai biến sau chích ngừa, phòng mạch “chui” Trung Quốc. Những năm trước đây, có lẽ người dân còn tin tưởng vào những giải pháp xoa dịu dư luận như thế, nhưng hôm nay nhiều người đã quá chán ngán, cạn kiệt niềm tin về chúng./.


Đỗ Tuyết (tổng hợp)