Nếu không tìm thấy thi thể nạn nhân: Vụ án được xử lý thế nào?

26/10/2013 07:22
Phong Vũ
(GDVN) - Ngay sau khi phát hiện chị Lê Thị Thanh Huyền bị Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường ném xuống sông Hồng, lực lượng chức năng phối hợp với người dân tiến hành tìm kiếm thi thể nạn nhân 24/24, trong khu vực từ cầu Thanh Trì tới tỉnh Hà Nam.
Như đã đưa tin, ngày 22/10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người, thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc thẩm mỹ viện Cát tường, đồng thời là bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai). Buổi chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành dựng lại hiện trường vụ án. Trong đó có việc áp giải Nguyễn Mạnh Tường ra cầu Thanh Trì để chỉ nơi đã ném nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng. Ngay sau đó, các cơ qua chức năng đã triển khai lực lượng tìm kiếm thi thể chị Huyền. Tuy nhiên, tới nay, gần 4 ngày đã trôi qua nhưng thi thể người phụ nữ xấu số này vẫn chưa được tìm thấy.
Chiếc xuồng của lực lượng chức năng đang tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Chiếc xuồng của lực lượng chức năng đang tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Liên quan đến công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân, trao đổi với phóng viên, thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68 – Công an TP Hà Nội) cho biết: Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức lực lượng tìm kiếm thi thể nạn nhân xấu số 24/24. Theo đó, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức hai xuồng thay nhau tìm kiếm trên sông Hồng từ chân cầu Thanh Trì đến địa phận tỉnh Hà Nam. Phòng Cảnh sát đường thủy cũng phối hợp với lực lượng chức năng của các tỉnh có sông Hồng chảy qua để tiến hành tìm kiếm. Ngoài ra, Phòng cảnh sát đường thủy cũng phối hợp với các hộ dân có kinh nghiệm làm nghề đánh bắt cá lâu năm trên sông Hồng từ hạ lưu cầu Thanh Trì tới tỉnh Hà Nam tìm kiếm. Theo thượng tá Cương, thông tin PC68 nhận được, khi chị Huyền bị Nguyễn Mạnh Tường ném xuống sông từ cầu Thanh Trì, nạn nhân không bị trói tay. Ngoài lực lượng tìm kiếm của Phòng PC68 và người dân nói trên, như thể hiện muốn nhận một phần trách nhiệm về cái chết của chị Huyền, chiều ngày 24/10, Bệnh viện Bạch Mai đã cử một đội gồm 16 thợ lặn để tìm kiếm thi thể nạn nhân khu vực cầu Thanh Trì. Ngày hôm nay, đội thợ lặn này vẫn tiếp tục kiếm tìm nhưng cũng chưa phát hiện ra thi thể chị Huyền.
Đông đảo người nhà nạn nhân đứng trên bờ sông mong ngón tin tức từ đội thợ lặn vào tối 24/10.
Đông đảo người nhà nạn nhân đứng trên bờ sông mong ngón tin tức từ đội thợ lặn vào tối 24/10.

Trong khi đó, theo kinh nghiệm của một số người dân vạn chài trên sông Hồng thì nhiều khả năng thi thể chị Huyền đang bị chìm dưới đáy sông Hồng, bị bùn cát vùi lấp và chưa thể nổi trong khoảng 1 tuần tới.

Theo những người dân sông nước này phân tích thì đối với người nhảy sông tự tử, khi nhảy xuống sông vẫn còn thở, có ô xy trong phổi nên sau khi tử vong, thi thể nổi rất nhanh. Còn những người chết, bị ném xuống không vùng vẫy nên thi thể nhiều khả năng bị chìm xuống đáy sông và bị cát vùi lấp. Thêm vào đó, hiện nay đang vào mùa lạnh có thể cũng khiến thi thể nạn nhân phân hủy và nổi lâu hơn bình thường.

“Theo kinh nghiệm của tôi, thi thể chị Huyền có thể phải 9-10 ngày nữa mới nổi lên. Tôi đã rất nhiều lần vớt được thi thể người xấu số, có những người bị vùi sâu dưới lòng sông phải mất đến 21 ngày mới tìm thấy,” anh Quý, một người dân  làm nghề đánh bắt cá trên sông Hồng nhận định.

Nếu không tìm thấy thi thể nạn nhân: Vụ án được xử lý thế nào?

Theo Luật sư Hà Thị Thánh - Giám đốc Công ty Luật Song Thanh (Hà Nội), trong trường hợp không tìm thấy thi thể nạn nhân thì Cơ quan điều tra phải dựa vào lời khai của ông Nguyễn Mạnh Tường và các nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường, đồng thời xin ý kiến của cơ quan chuyên môn và căn cứ vào các chứng cứ khác để buộc tội các bị can.

Trong trường hợp này (không tìm thấy thi thể nạn nhân), vì không thể tìm thấy chứng cứ buộc tội nặng hơn nên phải áp dụng nguyên tắc kết tội theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, vì vậy ông Tường và đồng phạm có nhiều khả năng bị truy tố về "Tội vô ý làm chết người" hoặc "Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" hoặc "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác."

Theo Điều 242, Bộ luật hình sự, tùy vào mức độ mà người phạm “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác,” có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội danh này còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”, theo quy định tại Điều 99, Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Phong Vũ