Sau vụ bác sĩ ném xác xuống sông, hàng loạt thẩm mỹ viện bị 'sờ gáy'

27/10/2013 13:42
Phong Vũ
(GDVN) - Ngày 26/10 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội gồmThanh tra sở Y tế Hà Nội, Cảnh sát kinh tế và an ninh kinh tế thuộc Công an thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm tại một số phòng khám, phẫu thuật thẩm mỹ và các thẩm mỹ viện.
Cuộc kiểm tra liên ngành được triển khai vào thời điểm 5 ngày sau khi Công an TP Hà Nội phát hiện vụ việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường, đồng thời là bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai) khiến chị Lê Thị Thanh Huyền (ở 36 Hàng Thiếc) bị tử vong và ném thi thể nạn nhân xuống sông Hồng để phi tang.

Qua cuộc kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại một số cơ sở số phòng khám, phẫu thuật thẩm mỹ và các thẩm mỹ viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lực lượng chức năng cũng đã tạm giữ một số giấy tờ cùng các loại thuốc, dung dịch… có biểu hiện nghi vấn để phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý sai phạm.

Điển hình, sau khi kiểm tra tại Thẩm mỹ viện Phú Xuân (77 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này có tờ rơi tư vấn quảng cáo vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn. Với hành vi này, đoàn kiểm tra đã tạm thời giữ giấy phép hoạt động của thẩm mỹ viện này để xử lý theo quy định.

Thẩm mỹ Viện Phú Xuân - một trong những cơ sở thẩm mỹ có nhiều sai phạm bị phát hiện.
Thẩm mỹ Viện Phú Xuân - một trong những cơ sở thẩm mỹ có nhiều sai phạm bị phát hiện.

Ngoài sai phạm trên, thẩm mỹ viện Phú Xuân còn chưa niêm yết công khai giá các dịch vụ, đồng thời sắp xếp vật tư tiêu hao lộn xộn. Lực lượng chức năng cũng phát hiện lỗi tương tự tại phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thuộc Thẩm mỹ viện SentaMedi (số 2, ngõ 52 Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình).

Tại Thẩm mỹ viện Thu Lâm (40A Cửa Đông), đoàn thanh tra liên ngành phát hiện có rất nhiều lọ đựng sản phẩm không rõ nguồn gốc. Theo đó, cơ sở thẩm mỹ này có nhiều hũ lọ chức các loại bột màu vàng, xanh… bên ngoài không hề có nhãn mác mà chỉ có nhãn ghi tay thể hiện tác dụng như “nâng cơ” giúp nâng cơ mặt, chống chảy xệ, hoặc làm mềm mượt da tay…

Vào thời điểm kiểm tra, Thẩm mỹ viện Thu Lâm không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, cũng như giấy chứng nhận chất lượng các sản phẩm nói trên. Ngay lập tức, đoàn kiểm tra đã tậm gữ các loại sản phẩm này để phục vụ cho công tác điều tra.

Đáng chú ý, khi đoàn kiểm tra liên ngành tới Thẩm mỹ viện Sao Mai (số 99 Văn Cao, Hà Nội) để làm việc thì cơ sở này chỉ còn lại bảo vệ, các nhân viên đã nghỉ từ bao giờ không hay.  Theo như lời bảo vệ cho biết thì thẩm mỹ viện này đã bắt đầu gỡ biển và đóng cửa từ sáng hôm qua.

Theo bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Về cơ bản các cơ sở đã được cấp phép và có thẩm định của ngành y tế thường xuyên chịu sự kiểm tra, giám sát. Với cơ sở thẩm mỹ viện nếu chỉ thuần túy thực hiện các dịch vụ như chăm sóc da mặt, spa, các dịch vụ không chảy máu thì không chịu sự cơ quan quản lý y tế. Do đó, có tình trạng cơ sở đăng ký thẩm mỹ, hoặc treo biển thẩm mỹ nhưng thực tế  lại hành nghề quá mức cho phép.

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm, ngăn chặn các hậu quả xấu đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan cấp phép kinh doanh với cơ quan quản lý chuyên ngành y tế để kịp thời phát hiện, xử lý những cơ sở ngành nghề có điều kiện (khám chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ) không phép hoặc quá phạm vi cho phép.

Phong Vũ