Dù lo sợ nhưng chắc chắn rằng mong muốn làm đẹp nhờ "dao kéo" của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ vẫn là nhu cầu có thực. Câu chuyện sau đây là chia sẻ của chị V.T.V (36 tuổi), một người đã đánh đổi sự đau đớn, lo lắng suốt nhiều ngày sau phẫu thuật để được đẹp hơn đã gửi đến Tuổi Trẻ.
Hi vọng, câu chuyện của chị phần nào giúp cho những chị em đang có ý định, chuẩn bị đi làm đẹp có thêm thông tin về những gì mình có thể trải qua.
Cả người chị V.T.V bầm tím, đau nhức nhiều ngày sau phẫu thuật nâng ngực |
Nếu biết đau thế này, tôi đã không nâng ngực!
Nhìn những phụ nữ tươi tắn, tự tin hơn sau khi nâng cấp “vòng 1” ít ai hiểu họ đã từng phải chịu đau đớn như thế nào để có được vẻ đẹp nhân tạo ấy. Tôi cũng vậy. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản nhiều người làm được thì mình cũng làm được. Muốn tự tin hơn để diện những chiếc váy, áo xinh xắn, muốn nữ tính hơn nên một ngày tôi quyết định đầu tư nâng cấp “màn hình phẳng” của mình.
Quyết định chọn đích danh Trưởng khoa Giải phẫu thẩm mỹ của một bệnh viện quốc tế để đặt túi ngực đến với tôi sau một thời gian dài tìm hiểu, cân nhắc, bởi tôi cũng ý thức những nguy cơ sẽ xảy đến với mình nếu không may gặp sự cố.
“Đừng run thế, chỉ như ngủ một giấc thôi chị ạ”, giọng nói của vị bác sĩ gây mê trong kíp mổ vừa dứt thì những bóng áo xanh cùng cái mùi đặc trưng của bệnh viện nhạt dần. Tôi không còn biết gì nữa… Thế rồi, tôi được đánh thức bởi cảm giác đau đớn, ngộp thở như đang bị một khối đá khổng lồ ép chặt lấy ngực. Lờ mờ nhận ra sự việc, nghe giọng chị gái (đi cùng tôi đến bệnh viện) hỏi đùa “sống rồi hả?” nhưng tôi không thể mở mắt, chỉ khẽ rên… Tôi muốn ngủ tiếp nhưng cảm giác như đang có tảng bê tông nặng đè cái phần cạnh sắc ngọt trên ngực mình. Đau khủng khiếp!
Cuối cùng tôi cũng tỉnh. Không biết vì hết thuốc mê hay vì cảm giác đau đớn kia đã buộc tôi phải tỉnh dậy. Cái đau buốt ào đến kèm theo cảm giác thật khó thở. Lúc đó tôi thấy người mình cứng như đá, không thể nhúc nhích, không thể nhìn thấy phần thân thể nào của mình, ngoài ánh mắt ái ngại của chị tôi.
Như để giúp tôi quên đau, chị tôi quay sang bắt chuyện với cô gái trẻ nằm ở giường bên cạnh. Cố quay được cái cổ qua nhìn, tôi thấy cô gái thật xinh xắn. Qua câu chuyện, tôi biết cô ấy là người miền Tây, vừa lấy chồng Việt Kiều. Muốn đẹp hơn với chồng, hơn 6 tháng trước cô chọn bệnh viện quốc tế này để đặt túi ngực. Mọi chuyện đều tốt đẹp sau ca mổ được các bác sĩ thông báo là thành công.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau cô thấy đau nhức bên ngực trái nên đi tái khám và được bác sĩ quyết định đặt lại bên ngực này sau một thời gian dài điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh không khỏi. “Ổng vừa đặt lại cho em hồi hôm nè. Đau thấy mồ nhưng giờ hổng lẽ không làm nữa. Em đang chờ mẹ lên đón”, cô gái nói.
Nghe xong câu chuyện của cô cũng là lúc tôi thấy đỡ hơn, đã ngóc đầu lên được. Việc đầu tiêu tôi làm là ngóc đầu lên ngó xuống phần thân thể mà mình muốn làm đẹp. Nhưng tôi chỉ thấy mình chẳng khác nào cái xác ướp với những lớp băng trắng quấn chặt từ trên ngực xuống quá rốn.
Điều làm tôi hoảng hốt hơn là 2 cái ống nhựa dài ngoằng cắm từ lớp băng trắng quấn quanh sườn mình ra. Từ trong ống những vệt máu tươi chảy xuống cái hộp để dưới giường. “Nó là để cho ra hết những phần máu thừa đấy”, vị bác sĩ đến hỏi thăm sức khoẻ khách hàng đã giải thích. Tôi thật sự không thể hình dung mình lại làm một cuộc “đại phẫu” như thế này. Trước đó nghe bác sĩ tư vấn, tôi nghĩ đơn giản chỉ là rạch rạch vài đường là xong.
Tôi bật khóc với chị gái: “biết đau thế này em không ngu mà làm…”. Nằm nghỉ đến tận tối tại bệnh viện với hai cái ống nhựa dẫn lưu, tôi thực sự hối hận.
Nhiều ngày chỉ dám ngủ ngồi
Được cho về nhà uống thuốc, ăn kiêng và làm theo tất cả những gì bác sĩ dặn dò, tôi tưởng mình sẽ mau chóng khoẻ lại. Nào ngờ, suốt một tuần sau đó tôi chỉ có thể ngủ ngồi vì mỗi khi đặt lưng xuống lại tức ngực, có cảm giác như bị ai bóp cổ, không sao thở được. Khắp vùng người bầm tím, luôn đau nhức khiến tôi chỉ có thể bước đi nhẹ nhàng, vừa đi vừa lấy tay đỡ cái "của nợ" cứng ngắc, lạ lẫm trên ngực mình.
Nhiều ngày tiếp đó tôi thấy đau nhức đầu vú bên trái, nước vàng liên tục rỉ ra. Nỗi ám ảnh rằng ca phẫu thuật của mình “có vấn đề” khiến tôi hoảng loạn. Chẳng lẽ nào tôi cũng xui xẻo như cô gái miền Tây hôm nọ? chẳng lẽ tôi lại phải chịu cảm giác bị tảng đá khổng lồ nghiến nát khi phải phẫu thuật lại một lần nữa sao?
Sau khi tái khám, bác sĩ cho biết, do túi ngực được đưa vào qua đường núm vú, vết may bị nhiễm trùng. “Ôi, thế này mình còn khủng khiếp hơn trường hợp của cô bé kia rồi!”, tôi mất ngủ suốt một thời gian dài bởi cứ nhắm mắt vào là tôi lại tưởng tượng thấy hình ảnh núm vú của mình đen thui, rụng mất vì bị hoại tử!
Công việc tại cơ quan tôi vì thế mà cũng ảnh hưởng không ít. Cũng may, sau đợt đánh thuốc kháng sinh liều cao, vết thương của tôi cũng dần lành.
Chưa dừng lại ở đó, còn đến khâu massage cho ngực mềm mại, tự nhiên là điều bắt buộc phải làm trong suốt tháng đầu sau phẫu thuật. Đây là điều "vô lý" nhất bởi vừa phải cắn răng chịu đau để đưa ngực cho nhân viên kỹ thuật… bóp mà còn phải tốn thêm khoản tiền trả cho kỹ thuật viên.
Chuyện xảy ra đã hơn 5 năm, song cảm giác ngột ngạt, đau đớn như có tảng bê tông đè nặng lên ngực mình lại ùa về nguyên vẹn mỗi khi tôi nghe ai nhắc đến phẫu thuật thẩm mỹ, nâng ngực. Chưa lúc nào tôi thôi quên “vật thể lạ” trong vòng 1 của mình và ám ảnh với lời dặn của bác sĩ về “thời hạn sử dụng” 20 năm của nó khiến tôi chắc chắn sẽ phải lên bàn phẫu thuật lần nữa để lấy nó ra ngoài.
Đúng là tôi đã tự tin hơn, được khen "hấp dẫn" hơn trong những chiếc áo xinh xắn nhưng để đổi lấy điều này tôi đã phải trả giá bằng sự đau đớn và khoản tiền không nhỏ. Một điều tiếc nuối nữa với tôi đó là trong suốt ngần ấy năm, tôi phải từ giã thói quen nằm sấp (vì sợ hỏng vòng 1), tư thế ngủ thoải mái nhất từng gắn bó với tôi hơn 30 năm trời!