Các tập đoàn tiếp tục đòi nợ EVN

06/09/2011 07:31
TRÀ PHƯƠNG
Tính đến tháng 8, chỉ riêng số nợ của EVN đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã hơn 7.000 tỉ đồng.
Ngày 5-9, tại buổi họp giao ban tháng 8 của Bộ Công Thương, đại diện các tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN), Than - Khoáng sản VN (Vinacomin - TKV) đều đồng loạt kiến nghị Bộ Công Thương đốc thúc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nhanh chóng trả nợ các đơn vị này.

Kêu gọi các tập đoàn thông cảm

Ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc PVN, cho biết hiện nay các đơn vị của PVN đang gặp khó khăn về vốn trong khi ngành điện vẫn chưa có kế hoạch trả nợ. Hiện Tổng Công ty Dầu VN (PV Oil) và PV Gas không có tiền mua khí và không có tiền trả cho nhà thầu cung cấp khí. Tính đến tháng 8, EVN đang nợ PVN hơn 7.000 tỉ đồng.

Cũng lên tiếng về khoản nợ chưa được EVN thanh toán, Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết mới đây, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về giá bán than cho điện đã chỉ đạo EVN sớm thu xếp trả nợ cho TKV. Tuy nhiên, TKV vẫn phải tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN thu xếp nguồn trả cho TKV bởi tổng công ty điện của TKV đã hạch toán độc lập, nếu tiếp tục lỗ thì rất khó khăn trong việc huy động vốn cho các nhà máy điện sản xuất. 

“Chẳng hạn như Nhà máy điện Cẩm Phả hiện còn khoảng 1.000 tỉ đồng tiền bán điện chưa được EVN thanh toán, rất khó thu xếp vốn để nhà máy hoạt động” - ông Biên nói.Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng các tập đoàn cần có sự thông cảm với EVN bởi đơn vị này cũng đang gặp khó khăn về tài chính. 

Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho EVN vay 10.000 tỉ đồng nhưng đến nay chưa huy động được khoản này. “Vấn đề nợ của EVN đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Bộ Công Thương đang chỉ đạo EVN phải phối hợp với ngân hàng để sớm vay được vốn mua dầu phát điện nửa đầu tháng 9 khi đường ống khí Nam Côn Sơn dừng sửa chữa” - ông Vượng cho hay. 

Nhà máy điện Cẩm Phả hiện còn khoảng 1.000 tỉ đồng tiền bán điện chưa được EVN thanh toán. Ảnh: CTV
Nhà máy điện Cẩm Phả hiện còn khoảng 1.000 tỉ đồng tiền bán điện chưa được EVN thanh toán. Ảnh: CTV

Kiềm chế lạm phát tối đa

Tại cuộc họp, bàn về tình hình cung ứng hàng hóa thời gian tới, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng bốn tháng cuối năm khó giữ chỉ số giá tiêu dùng CPI mức 1,33%, thậm chí Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo CPI cả năm ở mức 19%. 

Trong khi đó, quy luật các tháng cuối năm nhu cầu hàng hóa tăng lên, xu hướng giá sẽ thay đổi, mặt bằng giá của VN sẽ có bước mới. Do đó, giữ mức lạm phát cả năm như kế hoạch (khoảng 17%) là cực khó.Để giải quyết và ứng phó nguy cơ tạo mặt bằng giá mới từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu các Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và các đơn vị giữ được chỉ tiêu CPI tăng không quá cao, đặc biệt là với nhóm hàng lương thực thực phẩm. 

Sở Công Thương các tỉnh tìm mọi cách giúp cho các DN vừa và nhỏ tháo gỡ khó khăn; tiếp tục bình ổn giá và đặc biệt phải có kế hoạch cụ thể chuẩn bị hàng hóa trong mùa mưa bão, tránh khan hàng, sốt giá.“Các DN có hàng tồn kho lớn phải tìm kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ. Những DN sản xuất, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn phải đảm bảo đủ hàng thiết yếu cho thị trường; đẩy mạnh các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, hóa chất, khoáng sản để sớm đưa vào hoạt động” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị.

Các tỉnh phía Nam sẽ khó khăn về điện

Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Quang Thành cho biết kế hoạch sản xuất điện trong tháng 9 của tập đoàn ước sản xuất 314 triệu kWh/ngày, cả tháng 9 sẽ đạt khoảng 9,42 tỉ kWh. Tuy nhiên, EVN lo ngại việc PVN sửa chữa, bảo dưỡng đường ống khí Nam Côn Sơn từ ngày 15 đến 30-9 sẽ gây khó khăn cho nguồn điện cung cấp cho các tỉnh phía Nam. Để giải quyết vấn đề này, EVN dự kiến sẽ huy động chạy dầu để phát khoảng 630 triệu kWh trong tháng 9.

TRÀ PHƯƠNG