ĐBQH chỉ rõ ba vi phạm khi lập dự án thủy điện

31/10/2013 09:30
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Trương Văn Vở - Phó đoàn ĐBQH Đồng Nai nhận định, Chính phủ điều chỉnh quy hoạch, trong đó có quy hoạch thủy điện, đặc biệt có thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chiếm diện tích rừng rất lớn, nhưng chưa thực hiện quy trình thủ tục xin chủ trương đầu tư và cho lập dự án đầu tư.

Bên lề kỳ họp thứ 6 QH khóa 13, ĐBQH Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã trao đổi cởi mở với báo chí sau khi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày báo cáo trước Quốc hội, sẽ có hơn 400 dự án thủy điện bị loại bỏ, trong đó có cả những dự án đã từng nhận được nhiều ý kiến phản biện là Đồng Nai 6 và 6A.

“Vấn đề thủy điện đã đeo đuổi trong 3 năm nay, từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, Quốc hội đã kịp thời ban hành nghị quyết, nhưng sau đó Chính phủ lại điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó có các dự án thủy điện bậc thang, và có 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A – chiếm diện tích rừng rất lớn nhưng chưa thực hiện quy trình thủ tục xin chủ trương đầu tư mà đã có lập dự án đầu tư. Từ đó, tôi cho rằng, hiện đang có 3 vi phạm: Thứ nhất, là vi phạm về quy trình lập quy hoạch; Thứ hai là vi phạm về luật, cụ thể là Nghị quyết 49 của Quốc hội; Thứ ba là vi phạm về luật bảo vệ môi trường, chỉ tính đến lợi ích kinh tế mà không tính đến lợi ích môi trường, xã hội.

Tại kỳ họp này Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành Nghị quyết, trên cơ sở đó, tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm trong quy trình quy hoạch. Trách nhiệm có cả ở chính quyền địa phương, và cả bộ ngành liên quan. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ trách nhiệm của bộ phận tham mưu cho Chính phủ ở hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, kể cả 6 dự án thủy điện bậc thang”, ông Vở thẳng thắn nói.

ĐBQH Trương Văn Vở.
ĐBQH Trương Văn Vở.

Cũng theo ông Trương Văn Vở, trong quy hoạch xây dựng thủy điện có một điểm rất đáng lưu ý là khi lấy 1m rừng làm thủy điện thì phải trồng bù 1m rừng; rừng tự nhiên phải bảo vệ nghiêm ngặt theo quy hoạch quản lý, phát triển và bảo vệ; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng quốc gia nhất thiết phải bảo vệ nghiêm ngặt.

“Đụng tới diện tích đất rừng đó thì phải xem xét thận trọng trong quá trình lập quy hoạch. Chính phủ đề nghị loại ra trên 400 dự án thủy điện, vậy diện tích rừng nhường cho các dự án bị loại khỏi quy hoạch là bao nhiêu? Có mất rừng hay không? Giải pháp thay thế rừng mất đi như thế nào?... Tôi đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ, đồng thời Quốc hội cũng nên đưa rõ trong nghị quyết để quy định trách nhiệm”, ông Vở nói.

Bên cạnh đó, một nội dung khác cũng rất đáng lưu ý là tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT đã đề cập đến tình trạng nhiều hồ đập không an toàn, tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.

Ngoài ra, công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.

Sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình TĐ Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam) như thấm nước qua thân đập, động đất kích thích… đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và hiệu quả hoạt động của công trình. Chính phủ đã rất tích cực chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương xử lý sự cố thấm nước, tiếp tục quan trắc, giám sát chặt chẽ mức độ an toàn của đập, hồ chứa; theo dõi hiện tượng động đất kích thích trong khu vực. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc tiếp tục tích nước hồ chứa công trình TĐ này.

Trước tình hình này, ông Trương Văn Vở nêu quan điểm: “Đây là khâu đầu tiên cần phải rà soát lại về quy định vận hành hồ đập, hồ chứa. Đồng thời phải gắn với từng chủ thể cho rõ trong quá trình thực hiện quy trình vận hành, đồng thời có chế định xử lý cho nghiêm minh, rõ ràng, cụ thể.

Tôi đồng tình với báo cáo thẩm tra của UBKHCN&MT của Quốc hội, với nhận định phát triển thủy điện chỉ tính đến lợi ích đơn thuần về kinh tế, điều này cần phải xem xét, tính toán lại sau đợt quy hoạch này. Cần phải rà soát, thực hiện theo đúng các tiêu chí mà chính phủ chỉ đạo, là đảm bảo an toàn hồ đập, bảo đảm yếu tố môi trường, và đảm bảo yếu tố xã hội”.

ĐBQH Trần Du Lịch: “Trước áp lực của Quốc hội, của nhân dân, Chính phủ đã phải cắt giảm, loại bỏ hơn 400 công trình, nhưng doanh nghiệp tốn hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ lập dự án rồi lại gạt dự án đi thì thiệt hại này như thế nào?

ĐB Ngô Văn Minh (ĐBQH tỉnh Quảng Nam), ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật: “Cần xem xét việc dừng 424 dự án ở mọi khía cạnh bao gồm cả nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý hậu quả. Đây là hậu quả do cách làm quy hoạch thủy điện của chúng ta. Liệu chúng ta có xử lý người ra chủ trương sai không?”.

ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): “Ai phê duyệt dự án sai thì nghỉ hưu rồi vẫn phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, các ĐBQH bức xúc về việc thủy điện xả lũ gây ngập cho hạ lưu làm dân thiệt hại nặng, không trồng rừng thay thế theo đúng quy định, đời sống người dân bị di dời phục vụ cho nhà máy thủy điện không đảm bảo, tác động kinh tế - xã hội - môi trường chưa được chú trọng đúng mức”.

Ngọc Quang