Như vậy, sau kết luận khảo nghiệm của Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM vừa được công bố, thì đây là một kết quả điều tra khác, độc lập, liên quan đến hiện tượng lạ này.
Nguyên nhân do chập điện?
Vấn đề là cuộc điều tra độc lập này của Sở Cảnh sát PCCC lại cho ra một kết luận khác hoàn toàn với kết luận của các nhà khoa học của Sở Khoa học Công nghệ trước đó.
Theo đó, các điều tra viên của Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM kết luận: Nguyên nhân vụ mặt đường Bình Lợi, phường 13 – quận Bình Thạnh phát nổ, tóe lửa và bốc khói là do sự cố chập mạch đường dây điện qua đường cáp ngầm.
Mặt đường bất ngờ phát nổ, tóe lửa gây kinh hãi cho người dân tại địa phương. |
Tại bản kết luận điều tra này, các điều tra viên ghi nhận tại hiện trường “hố nổ” có dạng hình ống, đường kính miệng 33 cm, đường kính đáy 25cm, chiều cao từ đáy lên đến miệng hố (tức mặt đường) khoảng 50cm, cách lề đường 70cm.
Trong lòng “hố đen” có hệ thống đường dây dẫn điện gồm nhiều dây dẫn được luồn trong ống nhựa (có đường kính 60 mm) đã bị đứt, vỏ ống nhựa và vỏ bọc dây dẫn ở chỗ đứt bị cháy hóa than không đều. Ở đầu lõi đồng dây dẫn điện có dấu vết sần sùi, thậm chí có một số vị trí các dây dẫn nóng chảy dính vào nhau. Đáng chú ý, dưới đáy hố có nhiều hạt đồng tròn, sáng bóng với nhiều kích cỡ khác nhau. Đây là những chỉ dấu đặc trưng của một sự cố điện.
Trong khi đó, bản tường trình của nhân chứng là ông Nguyễn Văn Mạnh - chủ nhân ngôi nhà số 236 đường Bình Lợi, trước ngay hiện trường “hố đen”, thì khu vực này trước đây là ruộng sình lầy, hiện nay được quy hoạch thành khu tái định cư, hệ thống dẫn điện đã được ngầm hóa. Cách đây khoảng 2 tháng có một đơn vị thi công đào mặt đường phía trước nhà ông Mạnh (tại vị trí “hố đen”) để lắp đặt đường dây cáp điện, hiện dấu vết đào và lấp vẫn còn in trên mặt đường.
Sau vụ phát nổ, khói vẫn bốc ra nghi ngút từ trong lòng "hố đen". |
Cũng theo những lời tường trình này, chiều tối các ngày 26 và 27/10/2013, các thiết bị điện trong khu dân cư này bỗng nhiên có dấu hiệu bị chập chờn không ổn định. Ngay sau đó điện lực đã xuống khu vực khắc phục sự cố, tuy nhiên chỉ ổn định được trong thời gian ngắn. Sáng ngày hôm sau (tức ngày 28/10) hiện tượng "mặt đường phát nổ" xuất hiện, ban đầu là những tiếng nổ âm trong lòng đất, rồi sau đó là một tiếng nổ lớn bắn tung đất đá, những tia lửa xanh tím phun trào từ lòng đất cao gần 1m, và kết quả là để lại một “hố đen” có dạng hình ống, khói bốc lên nghi ngút trong nhiều ngày liền.
Dựa theo những mẫu phân tích thu thập tại hiện trường kết hợp lời tường trình trên của nhân chứng Nguyễn Văn Mạnh, Sở Cảnh sát PCCC TP. HCM có cơ sở khẳng định: “Nguyên nhân xảy ra hiện tượng kỳ lạ “mặt đường phát nổ” như trên là do lớp cách điện bị hở dẫn đến phóng hồ quang điện giữa dây nóng và dây nguội. Khi lớp vỏ cách điện của các dây dẫn bị cháy, dây nóng chạm vào dây nguội tạo nên tiếng nổ, điện áp trên đường dây cao nên đã phá vỡ kết cấu mặt đường tạo nên cái “hố đen” kỳ quái mà dư luận thắc mắc và nghi ngại suốt mấy ngày qua.
Nên tin ai?
Có thể nói, những ngày qua, hiện tượng “mặt đường phát nổ” tại đường Bình Lợi - phường 13 – quận Bình Thạnh, đã không những gây hoang mang trong dư luận tại địa phương mà còn đặt ra một bài toán khá “hóc búa” đối với các nhà khoa học TP. HCM.
Các nhà khoa học tiến hành lấy mẫu đất và mẫu khí trong lòng "hố đen" |
Sau khi hiện tượng này xảy ra, chính quyền địa phương đã nhanh chóng phong tỏa hiện trường nhằm đảm bảo an toàn cho bà con nhân dân trong khu vực đồng thời có báo cáo, mời Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM vào cuộc điều tra, phân tích làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Và sau hơn 3 ngày vào cuộc của hàng chục nhà khoa học đầu ngành của Sở Khoa học Công nghệ cũng như của Khoa Vật lý địa cầu - Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. HCM, huy động các trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay trong khảo nghiệm lòng đất, thu thập 18 mẫu vật đất, đá, nước, không khí… tại hiện trường của “hố đen”… các nhà khoa học kết luận: Không tìm thấy bất thường tại hiện trường “mặt đường phát nổ”.
Theo ông Phan Minh Tân – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM, nhiều khả năng hiện tượng cháy nổ là do khí mê-tan phát sinh và tích tụ cục bộ trong lòng đất. Và, theo dự đoán do lượng khí không nhiều và có khả năng đã được giải phóng hết nên không còn ghi nhận được hiện tượng này lần nào nữa.
Thiết bị siêu âm lòng đất hiện đại nhất hiện nay của TP. HCM, được đưa vào sử dụng để truy tìm nguyên nhân vụ việc |
Đơn vị này cũng cho biết, sau 2 ngày theo dõi tại hiện trường nữa, nếu không phát sinh thêm hiện tượng khác thường nữa thì sẽ cho tái lập mặt đường, trả lại sinh hoạt cho nhân dân.
Qua đó, có thể thấy rõ, 2 bản kết luận gửi lên UBND thành phố, công bố trước dư luận của 2 đơn vị này là theo 2 hướng khác nhau, cho ra 2 kết quả hoàn toàn khác nhau. Vậy, UBND thành phố cũng như dư luận xã hội sẽ tin và nên tin vào bản kết luận của đơn vị nào?