Cô giáo và tình yêu nghề qua từng trang giáo án

20/11/2013 12:56
Quỳnh Lưu
(GDVN) - Giản dị, khiêm tốn, năng động, nhiệt tình là những phẩm chất vốn có của cô giáo Vũ Thị Hương, mà đồng nghiệp ở Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vẫn thường nhận xét về cô với những tình cảm trân trọng nhất.

Sinh năm 1984 tại Hàm Yên - Tuyên Quang, tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Hà Giang năm 2005 với tấm bằng khá, Hương được Sở Nội vụ tuyển dụng và phân công giảng dạy tại Trường THCS Tả Lủng, huyện Mèo Vạc.

Sau 5 năm nỗ lực phấn đấu không ngừng, cô đã đạt thành tích giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được huyện điều động về công tác tại Trường PTDTNT Mèo Vạc. Dù ở bất kỳ môi trường nào, Hương luôn cùng tập thể cán bộ, giáo viên bám lớp, bám trường, đoàn kết xây dựng tập thể chi bộ trong sạch vững mạnh, đưa thành tích dạy và học của nhà trường ngày một nâng lên. Vì vậy, từ năm học 2010-2011 đến nay, chất lượng chuyển lớp luôn đạt 95% trở lên. Môn Toán do cô giảng dạy đã có 14 em đạt giải học sinh giỏi cấp huyện.

Để mỗi tiết học thành công, Hương luôn đầu tư nhiều thời gian cho khâu soạn bài
Để mỗi tiết học thành công, Hương luôn đầu tư nhiều thời gian cho khâu soạn bài

Bằng tình yêu nghề, mỗi giờ học đều được Hương chú trọng quan tâm đầu tư từ khâu soạn giáo án thật cụ thể, chi tiết, nội dung kiến thức truyền đạt phù hợp với nhận thức của học sinh. Cô tâm sự: “Với đặc thù một trường học chuyên biệt chủ yếu đào tạo học sinh dân tộc thiểu số, được tuyển sinh từ 18 xã, thị trấn của huyện nên trình độ nhận thức không đồng đều.

Muốn các em tiếp thu bài nhanh hơn thì mỗi trang giáo án phải được đầu tư nhiều công sức bằng tình yêu nghề của mình. Bên cạnh đó phải sử dụng kết hợp hiệu quả giữa phương pháp giảng dạy với các đồ dùng trực quan làm cho từng tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn và học sinh dễ hiểu hơn”.

Vì vậy, trong suốt mấy năm học qua, cô thường xuyên được nhà trường tin tưởng phân công giảng dạy môn Toán ở lớp 6, lớp 7. Thời gian đầu, hầu hết các em khi làm quen với môi trường học tập mới còn nhút nhát, ngại học môn toán khô khan và đòi hỏi phải tư duy nhiều nhưng bằng kinh nghiệm, cô luôn tạo sự gần gũi, động viên khích lệ các em học tập.

Để tạo ra sự hứng thú, trong mỗi giờ học, cô đã kết hợp sử dụng hài hòa thiết bị dạy học với ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết kế những bài giảng trên máy vi tính, tìm những hình ảnh sinh động minh họa, hấp dẫn đối với học sinh, sao cho các giờ học đạt hiệu quả tốt nhất.

Đối với những em học yếu, cô đã xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng thêm vào buổi chiều và hình thành các nhóm tự học, trong đó tập trung phân công em học khá giỏi kèm cặp giúp đỡ bạn học yếu theo khẩu hiệu “đôi bạn cùng tiến”. Nhờ đó mà chất lượng môn học ngày càng nâng lên.

Ngoài công tác giảng dạy, Hương còn đảm nhiệm cương vị Tổ trưởng chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên; cô đã xây dựng kế hoạch hoạt động từng tháng cụ thể. Trong năm học 2012-2013, cô đã đứng ra tổ chức hai cuộc hội thảo chuyên môn: Về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các môn tự nhiên; sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong các thí nghiệm thực hành, đã được nhà trường và tổ chức môn đánh giá cao.

Bên cạnh đó, vào mỗi năm học, cô đều được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Toán khối 6 để tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi do Phòng GD&ĐT Mèo Vạc tổ chức, và đã có nhiều em đã đạt giải thành tích cao, như: Sùng Thị Trang, Hoàng Thị Liên, Hoàng ngọc Huyền,…

Có thể nói mới chỉ 8 năm tuổi nghề nhưng nhờ có nhiều nỗ lực, cố gắng phấn đấu nên 3 năm liền cô giáo Vũ Thị Hương đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và trở thành giáo viên bậc THCS đầu tiên của huyện Mèo Vạc 2 năm liên tiếp đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Và đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Hướng dẫn học sinh THCS giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình” của cô đã được Sở GD&ĐT Hà Giang công nhận là sáng kiến cấp tỉnh năm học 2012-2013./.

Quỳnh Lưu