Theo phương án Bộ Xây dựng đề xuất, “Đối với trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua, thì thời hạn sở hữu nhà chung cư là 70 năm”, “Thời hạn sở hữu nhà chung cư được ghi vào Giấy chứng nhận và khi hết thời hạn sở hữu thì các chủ sở hữu nhà ở chung cư không còn quyền sở hữu nhà chung cư đó và phải bàn giao lại quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho Nhà nước để phá dỡ và xây dựng lại các công trình khác theo quy hoạch được duyệt tại thời điểm bàn giao lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước. Chủ sở hữu nhà chung cư được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định tại Điều 117 của Luật này”.
Nhận định về dự thảo này của Bộ Xây dựng, Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường tỏ ra hoàn toàn ủng hộ: “Tôi không những hoàn hoàn toàn ủng hộ dự thảo của Bộ xây dựng mà cho rằng bây giờ Bộ mới đưa ra phương án này là quá chậm”.
Giáo sư Đặng Hùng Võ ủng hộ với Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi của Bộ Xây dựng. |
“Bởi vì hiện nay chúng ta đang rất khó khăn trong việc cải tạo chung cư. Đến niên hạn nhà xập xệ, nguy hiểm không thể dùng được nữa thì chúng ta xử lý theo cách gì? Hiện nay, một cách cũ đang được thực hiện đó là, một nhà cũ 5 tầng sẽ được cấp phép cho chủ đầu tư nâng lên 20 tầng. Nhưng giả thiết nếu tất cả nhà chung cư đều 20 tầng thì cho nâng lên 40 tầng?”, Giáo sư Võ lý giải.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, điều quan trọng là giải quyết như thế nào khi nhà chung cư hết niên hạn. “Nguyên tắc thì các chủ nhà đất ấy phải bỏ tiền ra để cùng nhau xây lại nhà mới. Nhưng điều đó không thể làm được. Hơn nữa, tất cả các nước người ta đã rút ra kinh nghiệm rồi. Những nước mà tôi biết thì họ đều là chung cư có thời hạn, như vậy mới giải quyết được vấn đề hết niên hạn của nhà chung cư”.
Bởi theo Giáo sư Võ, nhà liền đất hỏng thì tự chủ nhà họ sửa, hay đến mức độ phải xây lại thì tự họ chịu trách nhiệm. Còn nhà chung cư thì không ai chịu trách nhiệm cả, trong khi một chung cư có tới hàng chục thậm chí hàng trăm căn hộ.
Trước những lo lắng của các chủ căn hộ chung cư về Luật Nhà ở sửa đổi có ảnh hưởng tới quyền lợi của họ, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết: Hiện nay, đã có nhà chung cư sử dụng vô thời hạn thì luật không điều chỉnh lại, hay nói cách khác là pháp luật không hồi tố. “Luật chỉ có tác động từ khi pháp luật thi hành trở đi, những dự án đã bắt đầu triển khai rồi cũng không bị điều chỉnh”.
Theo Giáo sư Võ, việc Bộ Xây đưa ra tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi mục đích giải quyết việc xây dựng lại nhà chung cư thế nào khi hết thời hạn chứ không nhằm kích cầu thị trường bất động sản. “Điều này đã được bàn từ lâu nhưng chưa có kết luận, đến lần này Bộ xây dựng sửa luật nhà ở thì mới chính thức đưa ra chứ không nhằm mục đích kích cầu thị trường bất động sản”, Giáo sư Võ nhấn mạnh.
“Khi dự thảo đi vào thực tiễn giá chung cư sẽ giảm đi rất nhiều. Có nghĩa là những người nghèo, người thu nhập thấp sẽ dễ dàng tìm được chỗ ở”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định./.
Chia sẻ trên báo Đầu tư chứng khoán về Phương án căn hộ chung cư chỉ được sở hữu trong 70 năm được Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, sau khi tìm hiểu, ông được biết mục đích chính khi Bộ Xây dựng đưa ra phương án này là nhằm kéo giá căn hộ chung cư xuống để những người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được với nhà ở.
Tuy nhiên, theo ông Liêm, đây là một cách làm “phân biệt đối xử” với căn hộ chung cư. “Trong khi chủ trương của Nhà nước là vận động người dân tại thành thị vào sống trong chung cư để tiết kiệm đất thì quy định như thế này khác nào ‘đuổi’ người dân tìm về với đất thổ cư”, ông Liêm lý giải.
Ông Liêm cũng cho rằng, nếu quy định sở hữu chung cư là 70 năm thì sao không quy định thời hạn sử dụng với nhà liền kề, biệt thự, bởi nói cho cùng thì công trình xây dựng nào chẳng có thời hạn sử dụng.
Nhận định về vấn đề trên, ông Liêm cho biết, quy định này có thể xuất phát từ thực tiễn khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ hiện nay. Song không thể vì để giải quyết khó khăn trước mắt, mà làm khó cho thị trường bất động sản vốn đang tồn kho quá nhiều như hiện nay, dù nếu được thông qua thì cũng phải 70 năm sau mới phát huy tác dụng.