TP HCM và miền Đông Nam bộ sẽ ra sao nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ do bão?

09/11/2013 07:23
Ngọc Luân
(GDVN) - Trong khi người dân TP. HCM đang tập trung tối đa cho công tác ứng phó với cơn bão Haiyan, thì có một mối lo khác, cũng không kém phần nguy hiểm đang treo lơ lửng trên đầu mà không phải ai cũng biết được. Đó chính là “túi nước” khổng lồ Dầu Tiếng.

Sẽ ra sao nếu “quả bom nước” khổng lồ này bị vỡ hay chỉ đơn giản là hồ thủy lợi này xả lũ? Xin trả lời ngay rằng, sẽ là một cơn đại hồng thủy cho cả khu vực miền Đông Nam bộ nói chung và TP. HCM nói riêng. Và, trước cơn bão Haiyan sắp đến này, mối lo ấy càng hiển hiện hơn bao giờ hết. Đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ của các cơ quan chức năng.

Tin từ Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), đơn vị được giao quản lý hồ thủy lợi này, thì mực nước hồ Dầu Tiếng hiện đã đạt 23,8m, thấp hơn mức thiết kế 0,9m.

Cảnh hoàng hôn trên hồ thủy lợi Dầu Tiếng
Cảnh hoàng hôn trên hồ thủy lợi Dầu Tiếng

Theo ông Bùi Xuân Đại - Phó Giám đốc công ty,  nếu mực nước trong hồ đạt trên 25,1m thì buộc phải xả lũ để đảm bảo an toàn, dù điều này khó xảy ra bởi từ mức nước hiện tại đến điểm xả lũ còn hơn 1,3m, tương đương sức chứa khoảng 400 triệu m3 nước.

Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia thủy văn của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cơn bão Haiyan này đang diễn biến khá phức tạp nên không thể loại trừ được khả năng có thể hồ Dầu Tiếng phải xả lũ. Vì nếu mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn, lượng nước tràn về hồ nhanh và vượt cao trình cho phép, thì việc xả lũ này là bắt buộc để bảo đảm an toàn cho đập hồ.

Và, trước diễn biến của cơn bão số 13, đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng đã xây dựng nhiều phương án để ứng phó, trong đó không loại trừ phương án xả lũ nếu lượng nước trong hồ vượt mức cho phép.

Hiện, song song với việc thường xuyên theo dõi sát sao cơn bão số 13, công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, đã có thông báo tới các địa phương để chủ động đề phòng trước mọi tình huống có thể xảy ra.

Được biết, hồ Dầu Tiếng nằm trên địa bàn 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, có trữ lượng chứa nước 1.58 tỷ m3. Do đây là hồ chứa nước rất lớn nên luôn được dư luận quan tâm, quan ngại mỗi khi có mưa bão, bởi nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì thiệt hại sẽ rất lớn, trong đó TP HCM sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Ngoài ý nghĩa thủy lợi to lớn, thì hồ Dầu Tiếng luôn là mối an nguy rình rập trên đầu người dân TP. HCM
Ngoài ý nghĩa thủy lợi to lớn, thì hồ Dầu Tiếng luôn là mối an nguy rình rập trên đầu người dân TP. HCM 

Theo kịch bản do Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TP. HCM đã từng đưa ra trước đây: nếu hồ Dầu Tiếng tiến hành xả trên 500m3/giây thì mực nước sông Sài Gòn tại thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương và Phú An – TP. HCM sẽ vượt báo động 3. Và, nếu phải xả lũ khối lượng 2.800 m3/giây để bảo vệ hồ thì sẽ có khoảng 26.000 ha thuộc 111 xã - phường ở Bình Dương và TP. HCM bị ngập úng.

Cũng với những thông số này, nếu có mưa lớn kéo dài, hồ Dầu Tiếng sẽ phải xả lũ với lưu lượng từ 3.600 m3/giây, thì chỉ cần 6 giờ 34 phút, lũ sẽ về đến cầu Bến Súc - huyện Củ Chi với chiều sâu ngập là 5,71 m. Thời gian lũ về trung tâm TP. HCM tại cửa kênh Thị Nghè (khoảng cách 133 km) là 27 giờ 20 phút, với chiều sâu ngập 2,07 m.

Người dân Sài Gòn đã quá hãi hùng trước cảnh ngập mỗi khi triều cường
Người dân Sài Gòn đã quá hãi hùng trước cảnh ngập mỗi khi triều cường

Đặc biệt, nghiêm trọng nhất là trong trường hợp vỡ đập chính hồ Dầu Tiếng thì chỉ trong vòng 2 giờ 8 phút lũ sẽ về đến huyện Củ Chi gây ngập sâu gần 12 m và sau 23 giờ 18 phút lũ sẽ đổ về đến trung tâm TP. HCM gây ngập sâu 2,38 m toàn thành phố.

Hồ Dầu Tiếng được xây dựng từ năm 1981 và là công trình đầu mối cấp 1 thượng nguồn sông Sài Gòn, thuộc xã Phước Minh - huyện Dương Minh Châu - tỉnh Tây Ninh. Dung tích chứa của hồ đạt 1,58 tỷ m3 ở mực nước bình thường (24,4 m) và dung tích này sẽ lên đến hơn 2 tỷ m3 khi hồ chứa đạt mực nước siêu cao 26,3 m.


Ngọc Luân